Tất bật chuẩn bị năm học mới

Cùng với các địa phương trong tỉnh, đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn thị xã Chơn Thành cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng bước vào năm học mới 2024-2025 theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Trường lớp “thay áo mới”

Công tác chuẩn bị năm học mới được Trường THCS Minh Lập triển khai từ giữa tháng 8. Thầy cô giáo, học sinh trong trường đồng loạt ra quân dọn dẹp, vệ sinh trường lớp. Bàn ghế hư hỏng được sửa chữa, những cửa kính bị vỡ được thay mới; phòng bộ môn, phòng chức năng, khu hiệu bộ, thư viện được lau dọn sạch sẽ. Nhà trường cũng tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên để đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học.

Thầy và trò Trường THCS Minh Lập vệ sinh trường lớp, cắt tỉa cây xanh đón chào năm học mới

Thầy và trò Trường THCS Minh Lập vệ sinh trường lớp, cắt tỉa cây xanh đón chào năm học mới

Năm học 2024-2025, Trường THCS Minh Lập có 643 học sinh, trong đó 11,5% là học sinh dân tộc thiểu số. Số học sinh hoàn cảnh khó khăn khoảng 100 em. “Để tiếp bước đến trường cho các em, chúng tôi đã vận động phụ huynh, mạnh thường quân chung tay hỗ trợ tập, bút. Đến nay, trường vận động được 1.000 tập trắng cho các em. Ngoài ra, nguồn quỹ tiếp bước đến trường, heo đất tình thương cũng được trường linh động sử dụng nhằm sẵn sàng hỗ trợ học sinh khó khăn tiếp tục đến trường” - cô Nguyễn Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Lập cho biết.

Năm học mới này, Trường TH&THCS Lê Văn Tám, phường Thành Tâm có 1.379 học sinh, chia làm 33 lớp. Trong đó, 19 lớp bậc tiểu học và 14 lớp bậc THCS. Số học sinh đầu vào khối lớp 1 là 144 em, khối lớp 6 là 169 em. Tổng số biên chế hiện nay được phân cho nhà trường 55 người, tạm đủ cho công tác giảng dạy. Nhà trường cũng đảm bảo các điều kiện tổ chức dạy bán trú cho học sinh tiểu học. Tất cả phòng học đều có tivi, hệ thống mạng không dây, camera giám sát, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới ở Trường TH&THCS Lê Văn Tám cơ bản hoàn thành

Công tác chuẩn bị cho năm học mới ở Trường TH&THCS Lê Văn Tám cơ bản hoàn thành

Thầy Nguyễn Sỹ Trọng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Lê Văn Tám cho biết, năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả khối lớp, từ lớp 1 đến lớp 12. Trường đã hoàn thành công tác tập huấn chuyên môn sách giáo khoa lớp 9, triển khai các nội dung chuyên môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mọi công tác chuẩn bị năm học mới đã hoàn tất. Trường quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm học với kết quả cao nhất.

Đối với bậc mầm non, các trường đã họp hội đồng sư phạm và phân công nhiệm vụ cho thành viên. Công tác vệ sinh trường lớp, dọn rửa đồ chơi, trang trí các tiểu cảnh, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp... cũng được triển khai nghiêm túc. Về cơ bản, đến thời điểm này, toàn ngành GD&ĐT thị xã Chơn Thành đã đảm bảo các điều kiện để bắt đầu năm học mới 2024-2025 với khí thế sôi nổi, hào hứng.

Tích cực khắc phục khó khăn

Bên cạnh niềm vui khai trường, thị xã Chơn Thành cũng đứng trước những khó khăn, thách thức trong năm học mới này. Do Chơn Thành là thị xã trọng điểm về công nghiệp, dân số cơ học tăng từng năm, kéo theo số lượng học sinh cũng tăng. Sĩ số tăng đòi hỏi cơ sở vật chất phải nâng cấp để đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Theo thầy Nguyễn Văn Diễn, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Chơn Thành, sĩ số học sinh của nhiều trường rất cao, đối với khối 1 có lớp 45-46 em; bậc THCS thậm chí hơn 50 em/lớp. Sĩ số học sinh tăng thì biên chế giáo viên cũng phải tăng để đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, theo quy định, Chơn Thành thiếu khoảng 100 cán bộ, giáo viên, tập trung ở bậc tiểu học.

Năm học 2024-2025, sĩ số của Trường tiểu học Minh Hưng A, phường Minh Hưng lên đến 2.156 em/51 lớp. Đây là áp lực lớn đối với nhà trường trong khi các phòng học mới chưa xây dựng xong. Giải pháp của trường là tận dụng phòng học cũ, nhà đa năng để đảm bảo đủ lớp cho học sinh. Về biên chế, trường đang thiếu giáo viên và phải chờ phân bổ để sắp xếp cho năm học mới. Thầy Phan Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường bày tỏ: “Với áp lực sĩ số học sinh và cơ sở vật chất của trường hiện nay, mong rằng nếu được thì nên tách Minh Hưng A ra một trường nữa để giảm bớt áp lực. Nếu không tách được thì phải đầu tư cơ sở vật chất cho những năm sau. Bởi với tốc độ phát triển của các khu công nghiệp như hiện nay, mỗi năm có thể tăng từ 2-3 lớp thì phải có đủ phòng cho học sinh học”.

Các thầy cô giáo Trường tiểu học Minh Hưng A kiểm tra lại hồ sơ học sinh khối lớp 1

Các thầy cô giáo Trường tiểu học Minh Hưng A kiểm tra lại hồ sơ học sinh khối lớp 1

Năm học 2024-2025, Trường mầm non Sơn Ca ở phường Minh Thành dự kiến đón khoảng 165 trẻ từ 2-5 tuổi theo học ở các nhóm, lớp. 70% trong số đó là con em công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã. Theo quy định, cần đảm bảo 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; mẫu giáo cần đảm bảo 2 giáo viên/lớp. Thế nhưng hiện nay, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường chỉ có 16/11 biên chế. Nhà trường cần bổ sung thêm 5 giáo viên, đồng thời thêm 1 nhân viên cấp dưỡng, 1 nhân viên y tế để đủ điều kiện cho năm học mới. Cô Lê Thu Nga, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ, bổ sung biên chế cho trường trong thời gian sớm nhất. Từ đó giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là phát huy tối đa công năng về cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng tại trường.

Trường mầm non Sơn Ca chuẩn bị cho năm học mới

Trường mầm non Sơn Ca chuẩn bị cho năm học mới

Năm học 2024-2025, Trường mầm non Sơn Ca còn thiếu 5 giáo viên, 1 nhân viên cấp dưỡng và 1 nhân viên y tế học đường

Năm học 2024-2025, Trường mầm non Sơn Ca còn thiếu 5 giáo viên, 1 nhân viên cấp dưỡng và 1 nhân viên y tế học đường

Một trong những khó khăn nhiều trường gặp phải hiện nay là thiếu nhân viên y tế học đường. Vấn đề này, cô Nguyễn Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Lập đề xuất cấp trên xem xét tạo điều kiện để mỗi trường có 1 hợp đồng về y tế học đường mang tính lâu dài, bền vững. Thứ nhất, giúp các trường hoạt động tốt hơn. Thứ 2, ổn định cuộc sống cho nhân viên y tế học đường. Nếu chỉ hợp đồng 6 hoặc 9 tháng, sau đó lại thôi thì dẫn đến công việc của nhân viên y tế học đường không ổn định và khi hợp đồng lại sẽ rất khó.

Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Chơn Thành Nguyễn Văn Diễn cho biết, mới đây, UBND thị xã đã tổ chức cuộc họp với hiệu trưởng các trường để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm đảm bảo các điều kiện cho học sinh đến trường và năm học mới diễn ra thành công, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

“Chúng tôi đã tham mưu UBND thị xã có những đề xuất với UBND tỉnh tăng biên chế cho Chơn Thành với đặc thù là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, trong đó tập trung biên chế cho cấp tiểu học và THCS. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND thị xã tới đây tổ chức thi tuyển biên chế cho các trường. Bên cạnh đó, tuyên truyền, động viên để cán bộ, giáo viên chia sẻ khó khăn của địa phương, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Ðồng thời chủ động chia sẻ thực tế khó khăn với phụ huynh để họ hiểu và đồng hành với ngành giáo dục”.

Trưởng phòng GD&ÐT thị xã Chơn Thành NGUYỄN VĂN DIỄN

Ngọc Huyền - Ðặng Hùng - Lăng Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/161939/tat-bat-chuan-bi-nam-hoc-moi
Zalo