Tập trung sản xuất lúa xuân
Sau khi thu hoạch cây trồng vụ đông, nông dân các địa phương trong tỉnh bắt tay ngay vào làm đất, gieo mạ, khẩn trương triển khai gieo cấy vụ lúa xuân theo đúng khung thời vụ.
Xã Bản Qua (huyện Bát Xát) và cánh đồng xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) thường là nơi nông dân bắt đầu triển khai gieo trồng vụ lúa xuân sớm nhất trong tỉnh. Thời điểm này, tại các cánh đồng của 2 địa phương này, nông dân đã triển khai gieo mạ, làm đất, lấy nước vào ruộng để chuẩn bị gieo cấy lúa vụ xuân.
Để đảm bảo mạ xuân phát triển tốt, các biện pháp giữ ấm như che phủ nilon, rải tro… được nông dân áp dụng triệt để. Các thiết bị cơ giới hóa cũng được nông dân đưa vào để thực hiện khâu làm đất, giúp đẩy nhanh tiến độ.
Để sản xuất lúa vụ xuân, ông Nguyễn Văn Đố, thôn Chiềng 2, xã Võ Lao (Văn Bàn) đã chủ động làm đất, ngâm ủ, gieo 15 kg thóc giống. Vụ xuân này, ông Đố lựa chọn gieo cấy giống lúa Thái Bình. Sau khi gieo mạ xong, ông Đố áp dụng ngay biện pháp che phủ ni-lông để giữ ấm cho mạ trước thời tiết giá rét.
Ông Đố cho biết: Thời tiết quá lạnh, nếu không che phủ nilon thì mạ rất chậm phát triển, thậm chí chết hết. 6 ngày qua, ngày nào tôi cũng phải ra ruộng kiểm tra 2 lần (mở hoặc đóng nilon) để điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với sự phát triển của mạ.
Nửa tháng nay, chiếc máy cày, phay đất của anh Lục Văn Đoàn đã hoạt động liên tục trên cánh đồng xã Võ Lao. Chiếc máy phay đất của anh Đoàn được nhiều nông dân trong xã đặt lịch thuê để làm đất phục vụ gieo cấy lúa xuân. Với chiếc máy phay công suất 60 mã lực, anh Đoàn chỉ mất chưa đầy 5 phút để cày xới xong 1 sào (360m2/sào) cho bà con.
Anh Đoàn cho biết: So với cày bừa thủ công hoặc sử dụng máy công suất nhỏ, việc sử dụng máy cày, phay đất công suất lớn vừa nhanh, vừa tiết kiệm chi phí hơn. Với mỗi sào đất, cày xới khô chỉ tốn 5 phút với chi phí 150 nghìn đồng.
Được biết, vụ xuân này, huyện Văn Bàn triển khai gieo cấy 3.360 ha lúa. Ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng gieo mạ, làm đất trong khung thời vụ; vận động nông dân tích cực áp dụng cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ vệ sinh đồng ruộng, cày ải. Với khoảng 10.000 thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất vụ xuân của huyện Văn bàn nhiều năm nay luôn đạt trên 95%.
Tại xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai), nông dân cũng đang tích cực đắp bờ, lấy nước, làm đất để chuẩn bị gieo cấy lúa vụ xuân. Các giống lúa tẻ Điện Biên, Thái Bình, Lào Cai… được nông dân địa phương này tin tưởng gieo cấy trong vụ xuân nhiều năm qua.
Vừa tranh thủ lấy nước vào ruộng, anh Nông Văn Quân, thôn Bắc Công, xã Hợp Thành cho biết: Năm nay, thời tiết lạnh sâu nên tôi cấy muộn hơn năm ngoái khoảng 1 tuần. Bên cạnh việc làm đất, gieo mạ, lấy nước vào ruộng, tôi còn đầu tư xây, kè bờ ruộng để giữ nước và tránh bị gia súc phá. Năm nay, tôi vẫn tiếp tục cấy giống lúa tẻ Điện Biên vì giống này khá phù hợp với điều kiện của địa phương và cho năng suất cao. Nếu sản xuất thuận lợi, vụ xuân tôi có thể thu được hơn 1 tấn thóc.
Tại các địa phương khác trên địa bàn thành phố Lào Cai, nông dân cũng đang tích cực, tập trung sản xuất lúa vụ xuân. Vụ này, thành phố Lào Cai sẽ gieo cấy 475 ha lúa xuân, chủ yếu tại xã Hợp Thành, Tả Phời, Đồng Tuyển và Cam Đường…
Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2025, tỉnh gieo cấy khoảng 9.600 ha lúa (Văn Bàn 3.360 ha, Bảo Yên 2.495 ha, Bảo Thắng 1.560 ha, Bát Xát 906 ha, Mường Khương 424 ha, Bắc Hà 380 ha và TP Lào Cai 475 ha), sử dụng nhóm giống lúa lai chủ lực (gồm LC25, LC270, LC212, ADI 73, ADI số 9, Syn 8, Thái Xuyên 111, MHC2…), nhóm giống lúa thuần (LH12, Tẻ Ken, Đài thơm 8, Thiên ưu 8, VNR20, TBR88, BC15, BC15 kháng đạo ôn, Hà Phát 3, ADI 28, ADI 168, Hana số 7, BG1, Đại dương 2, Nam Dương 502, Hương thanh 8, Nhiệt đới 15, Tám thơm, ĐS1, J02, các giống lúa Séng cù, Bản Liền…) và các giống địa phương khác.
Căn cứ vào tình hình thời tiết, ngành nông nghiệp khuyến nghị nông dân nên thực hiện gieo cấy xung quanh tiết lập Xuân 4/2/2025 (tức ngày 7/1 âm lịch); cấy khi mạ có 3 lá thật và kết thúc cấy trong tháng 3 để kịp thời thu hoạch, giải phóng đất sản xuất vụ mùa.
Ngành nông nghiệp cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn, địa phương tăng cường công tác dự tính, dự báo, chủ động điều tra, phát hiện sâu bệnh hại và kịp thời phòng trừ hiệu quả; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM), ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc sinh học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất lúa vụ xuân 2025 để đảm bảo an ninh lương thực và giúp nông dân tăng thêm thu nhập.
Để sản xuất vụ xuân đạt hiệu quả cao, nông dân cần lưu ý: không gieo mạ hoặc cấy trong những ngày trời rét đậm, nhiệt độ dưới 150C; khuyến khích làm vòm che phủ mạ bằng nilon, rắc tro phủ trên mặt luống để giữ ấm cho mạ; đưa nước vào ngập 1/3 - 1/2 chân mạ đối với mạ dược và tưới ẩm đối với mạ sân; bón bổ sung phân lân, kali, phân hữu cơ vi sinh, tuyệt đối không bón thúc đạm cho mạ; có kế hoạch dự trữ giống để gieo bù lượng mạ khi thiếu hụt.
Đối với 1 số vùng sản xuất lúa Séng cù tại huyện Bát Xát, không nên cấy sớm trước tháng 2 vì thời điểm lúa trỗ bông thường hay gặp thời tiết bất thuận, ảnh hưởng đến năng suất.