Đổi mới tư duy lập pháp trên tinh thần 'bàn làm, không bàn lùi'
Quốc hội khóa XV tiếp tục để lại dấu ấn sâu sắc qua hàng loạt quyết sách hệ trọng trong năm 2024. Đặc biệt là sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp một cách chủ động, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Chỉ khoảng 30 ngày sau Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Quốc hội khóa XV tiến hành Kỳ họp thứ 8 – một kỳ họp với khối lượng công việc lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ, hàng loạt nội dung được đặt lên bàn nghị sự được đánh giá là “đột phá”, “đổi mới”, “tháo gỡ điểm nghẽn”, “khắc phục khó khăn vướng mắc” mà thực tiễn đặt ra, trong đó tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp được đặt ra mạnh mẽ.
Hơn thế, đây còn là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam – như lời Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài phát biểu tại Hội trường Diên Hồng ngay phiên khai mạc, với gửi gắm “đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ”.
Có lẽ cũng lần đầu tiên, ngay trong kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội có công văn gửi các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về việc đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật.
Điểm được nhấn mạnh là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Luật phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, nâng cao năng lực thực thi… Và đương nhiên phải kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Một yêu cầu rất quan trọng nữa là chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.
Thời gian gấp gáp, công việc nặng nề, song Quốc hội cùng với Chính phủ cho thấy sự chủ động và thay đổi trạng thái linh hoạt, phù hợp khi quán triệt, triển khai thực hiện ngay các giải pháp đổi mới trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, vì “Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội” như Tổng Bí thư Tô Lâm gửi gắm nơi nghị trường.
“Bàn làm, không bàn lùi”
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, bên cạnh đó đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác tại Kỳ họp thứ 8. Kết quả cho thấy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những đổi mới ngay từ khâu chuẩn bị, đặc biệt là sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Theo đó, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan đã rà soát, thống nhất cao về việc lược bỏ khỏi dự thảo luật những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và cơ quan khác; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định. Đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chính vì vậy, số lượng các chương, điều, khoản trong các dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã giảm đáng kể so với dự thảo Luật ban đầu do Chính phủ trình. Cụ thể như: dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) giảm 2 chương, 3 điều và 5 khoản; dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) giảm 49 điều; dự án Luật Việc làm (sửa đổi) giảm 36 điều; dự án Luật Nhà giáo giảm 21 điều; Luật Đầu tư công (sửa đổi) giảm 9 điều; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn giảm 6 điều; Luật Dữ liệu giảm 5 điều ...
"Việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách... là ví dụ điển hình cho việc xây dựng luật theo hướng chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế "xin-cho"; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể...", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh điều này khi đề cập việc tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
Hay Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp đối với 7 luật, 4 nghị quyết quan trọng với nhiều quy định mới được đánh giá là chính sách đột phá, nhằm kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng thời, với tầm nhìn dài hạn, Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới như quản lý và sử dụng dữ liệu, phát triển công nghiệp công nghệ số, phát triển điện hạt nhân và điện gió ngoài khơi..., tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.
Những quyết sách trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn trong công tác lập pháp của Quốc hội khóa XV. Với những nỗ lực không ngừng của Quốc hội và các cơ quan liên quan, chất lượng của các dự án luật sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.