Hà Nội dự kiến nâng mức phạt vi phạm giao thông gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến về Dự án, dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn. Trong đó đề xuất nâng mức phạt gấp 1,5 đến 2 lần so với Nghị định 168/2024 với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, áp dụng từ tháng 7/2025.

Theo dự thảo, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước có diện tích hơn 3.500km, dân số hơn 8,5 triệu người là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương, cơ quan ngoại giao, văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước với hệ thống giao thông vận tải đa dạng, phức tạp với đầy đủ các loại hình gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không.

Theo dự thảo, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước có diện tích hơn 3.500km, dân số hơn 8,5 triệu người là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương, cơ quan ngoại giao, văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước với hệ thống giao thông vận tải đa dạng, phức tạp với đầy đủ các loại hình gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không.

Tỷ lệ gia tăng phương tiện giao thông của Hà Nội năm sau so với năm trước khoảng 2- 4% (năm 2021: 7.531.839 phương tiện; năm 2022: 7.812.921 phương tiện, năm 2023: 8.027.052 phương tiện, năm 2024: 8.168.927).

Tuy nhiên, ý thức của người tham gia giao thông thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, tham gia giao thông theo ý thức chủ quan (ý thức chưa cao, chưa tự giác, cũng như sự am hiểu về pháp luật giao thông còn kém) tình trạng người vi phạm vẫn tiếp diễn, thường lặp lại đối với một số hành vi vi phạm nhất định (không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, sai làn đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, dừng đỗ sai quy định v.v…).

Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe gây mất trật tự công cộng có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn giao thông và gây tâm lý bất an cho người dân, người tham gia giao thông tại các khu vực xảy ra tình trạng này.

Các phương tiện xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo vật khác, vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm, phương tiên không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhiều xe cơi nới, chở hàng quá khổ, quá tải để vận chuyển được thêm hàng hóa, nguy cơ mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.

Ngày 26/12/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe; mặc dù đã tăng nặng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm tuy nhiên đánh giá với thực tiễn địa bàn thành phố và tình hình vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, cần thiết tiếp tục quy định tăng nặng đối với một số hành vi vi phạm để nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành văn hóa giao thông trên địa bàn Thành phố, kiềm chế và làm giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.

Căn cứ pháp lý để tăng mức phạt được lấy ý kiến là Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cho phép HĐND TP quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần mức phạt do Chính phủ quy định với một số vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.

Về nội dung cụ thể, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết cao hơn không quá 02 lần mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại Nghị định quy định xử phạt hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ do Chính phủ ban hành nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực giao thông đường bộ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Theo đó, một số hành vi vi phạm có mức tiền phạt còn thấp, Nghị quyết quy định mức tăng là 02 lần; một số hành vi vi phạm đã có mức tiền phạt cao Nghị quyết quy định mức tăng là 1,5 lần.

Hành vi vi phạm hành chính được quy định trong Nghị quyết đáp ứng một số tiêu chí cụ thể như: Hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, diễn ra hằng ngày ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tham gia giao thông của người dân và mỹ quan đô thị; Hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; (3) Hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông.

Nghị quyết quy định tăng mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm như: Không chấp hành chỉ dẫn, hiệu lệnh vạch kẻ đường, biển báo hiệu; đi vào đường cấm; sai phần đường, làn đường; dừng, đỗ trái quy định; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm; lùi xe, chuyển làn đường, chuyển hướng, vượt không đúng quy định; đón, trả khách sai quy định; chạy quá tốc độ; chở hàng, xếp hàng quá trọng tải; vi phạm nồng độ cồn; lạng lách, đánh võng; bấm còi, rú ga (nẹt pô); một số hành vi vi phạm trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, trong đăng kiểm phương tiện, sử dụng lòng đường, vỉa hè, kinh doanh vận tải...

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/automotive/ha-noi-du-kien-nang-muc-phat-vi-pham-giao-thong-gap-1-5-2-lan-so-voi-nghi-dinh-168.htm
Zalo