Tập trung nguồn lực xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia
Năm học 2022-2023, Đại học Huế và các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 83 của Chính phủ, Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị…
Ngày 17/10, Đại học Huế long trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2023-2024 cho toàn Đại học Huế. Đến dự lễ khai giảng có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cùng lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành; các trường Đại học thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc Đại học Huế.
Năm học 2022-2023, Đại học Huế và các đơn vị tiếp tục thực hiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 83/NQ-CP, ngày 27/5/2020 của Chính phủ; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại học Huế đã hoàn thiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia trình Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đề án phát triển Trường Đại học Y dược (Đại học Huế) theo mô hình Trường - Viện cấp quốc gia, hướng tới đạt chuẩn quốc tế vào năm 2045; Đề án phát triển Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế trở thành Trường Đại học Sư phạm trọng điểm quốc gia; thành lập Viện Chuyển đổi số và Học liệu Đại học Huế; Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và xã hội Đại học Huế; Viện Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục Đại học Huế.
Đại học Huế cũng trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định Đề án thành lập Viện Công nghệ sinh học quốc gia miền Trung trên cơ sở sáp nhập Viện Công nghệ sinh học Đại học Huế và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm (Sở Y tế Thừa Thiên Huế); triển khai thủ tục phê duyệt chủ trương, thành lập Ban chỉ đạo, Ban xây dựng Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vào Đại học Huế (Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị) và phát triển thành trường đại học thành viên; Xây dựng “Đề án về cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức trình độ cao công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại học Huế đến năm 2030”.
Tuyển sinh năm 2023, Đại học Huế có khoảng 11.500 tân sinh viên nhập học, đạt gần 90% chỉ tiêu. Quy mô đào tạo đại học của Đại học Huế được được giữ ổn định với 37.645 sinh viên đại học hệ chính quy; 16.727 sinh viên liên thông chính quy, văn bằng 2 chính quy, hệ cử tuyển, vừa làm vừa học; 7.010 sinh viên hệ đào tạo từ xa; 284 nghiên cứu sinh; 4.406 học viên cao học; 1230 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 278 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 340 bác sĩ nội trú, 757 học sinh THPT chuyên.
Năm học qua, Đại học Huế hoàn thành kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với 4 chương trình đào tạo bậc đại học: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (Trường Du lịch); Kiến trúc, Công nghệ thông tin, Báo chí (Trường đại học Khoa học). Chương trình đào tạo Kỹ thuật xét nghiệm y học (Trường Đại học Y Dược) đã được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN - QA (Phiên bản 4.0).
Nhiều chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai thành công tại Đại học Huế. Nổi bật nhất là tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023 (SV.Startups-2023) với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hàng nghìn học sinh, sinh viên từ 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Năm học mới 2023-2024, Đại học Huế phấn đấu duy trì tuyển sinh đại học hệ chính quy đạt tỉ lệ từ 90% trở lên; tuyển sinh cao học đạt tỉ lệ 80% trở lên; 100% chương trình đào tạo được rà soát, cập nhật chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu xã hội; mở mới các ngành đào tạo bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy và học; 100% đơn vị đào tạo được kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (chu kỳ 2). Đặc biệt, sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ chính trị.
Đọc diễn văn tại lễ khai giảng, PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho rằng, Đại học Huế là một trong 6 đại học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới xếp hạng đại học duy trì tên trong bảng xếp hạng thế giới của Times Higher Education (THE).
Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, Đại học Huế luôn đặt sự phát triển toàn diện làm ưu tiên hàng đầu trong việc học tập của sinh viên, mong muốn rằng tất cả người học bước ra khỏi Đại học Huế sẽ được trang bị tốt để trở thành những công dân có trách nhiệm, những người học toàn diện có nhận thức rõ ràng, khả năng đa dạng, tính cách độc lập và ý chí phục vụ cộng đồng.
Tại Đại học Huế, sinh viên được phép và khuyến khích phát huy tiềm năng của mình, tìm kiếm sự phát triển độc lập và trở thành công dân toàn cầu, phát triển toàn diện. Các giảng viên của Đại học Huế không chỉ có kiến thức chuyên môn mà còn có khả năng khai thác tiềm năng của tất cả người học, không chỉ giới hạn trong việc học mà còn từ các khía cạnh cảm xúc, thể chất, tâm lý.
PGS.TS. Lê Anh Phương nhấn mạnh: “Năm học mới 2023-2024, Đại học Huế phấn đấu duy trì tuyển sinh đại học hệ chính quy đạt tỉ lệ từ 90% trở lên; tuyển sinh cao học đạt tỉ lệ 80% trở lên; 100% chương trình đào tạo được rà soát, cập nhật chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu xã hội; 100% đơn vị đào tạo được kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 2. Mở mới các ngành đào tạo bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy và học. Đặc biệt, tập trung mọi nguồn lực phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia theo Nghị quyết 54 của Bộ chính trị”.