Tập trung đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 8% trong năm nay

Mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và chuẩn bị cho đà tăng mạnh hơn ở những năm tiếp theo thật sự là vấn đề cấp thiết, thể hiện khát vọng của đất nước. Nhưng cũng vì vậy sức ép là không hề nhỏ, nhất là khi xét về hoàn cảnh, những khó khăn bên cạnh sự thuận lợi để đưa ra giải pháp phù hợp, hữu hiệu.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Khó khăn, thuận lợi đan xen

Trước hết, tình hình kinh tế và thị trường thế giới đang đối diện nhiều thách thức, bất ổn, diễn ra rất nhanh, khó đoán định, thậm chí chưa từng có tiền lệ.

Kinh tế toàn cầu chưa phục hồi mạnh mẽ. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU đều đối mặt với những thách thức riêng, khiến nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam bị ảnh hưởng.

Xung đột thương mại và căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn và tranh chấp ở cấp khu vực tiếp tục tạo áp lực lên chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất.

Giá cả hàng hóa thế giới biến động khi giá dầu, nguyên liệu sản xuất tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, lãi suất cao trên thế giới, chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương lớn làm chi phí vay vốn tăng, gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Ở trong nước, giá một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao làm giá nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước tăng, ảnh hưởng tới sản xuất. Một bộ phận doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Theo Cục Thống kê, năng suất lao động Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và khả năng tự chủ, mức độ tham gia vào chuỗi sản xuất quốc tế. Hạ tầng logistics chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng cũng như quy mô hệ thống cảng biển, đường bộ và kho bãi còn hạn chế, làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa.

Ngược lại, nền kinh tế cũng có một số thuận lợi, đáng tận dụng để phục vụ tăng trưởng. Đó là chuỗi cung ứng có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam do môi trường kinh doanh ổn định.

Nhu cầu tiêu dùng tại châu Á tăng cao, thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ và Trung Đông đang có nhiều cơ hội. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy hiệu quả như EVFTA, RCEP giúp doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi về thuế và mở rộng thị trường.

Đặc biệt, Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, thúc đẩy đầu tư công và cải thiện môi trường kinh doanh giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử giúp mở rộng tiêu dùng nội địa. Quá trình chuyển đổi số và công nghệ đang được triển khai mạnh mẽ.

Chính phủ có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao… nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế

Kinh tế thế giới năm 2025 được dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro thách thức. Đặc biệt, chính sách áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ lên hàng hóa nhập khẩu sẽ tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, tạo ra những thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Nhìn từ góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng khá rõ nét nhờ vào động lực xuất khẩu, ứng dụng mạnh khoa học kỹ thuật và cơ hội từ các hiệp định FTA.

Ngành công nghiệp dự báo có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong khoảng 7-9%, với động lực chính từ xuất khẩu, đầu tư công và chuyển đổi công nghệ. Khu vực dịch vụ cũng có xu hướng tăng trưởng tốt nhờ sự phục hồi của hoạt động du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Chính phủ đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phản ứng nhanh chóng đối với chính sách áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Đầu tư công và đầu tư nước ngoài tiếp tục là cánh tay đắc lực cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách và giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng như thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt sẽ là cầu nối cũng như bước đệm quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Chính phủ đang quyết tâm triển khai các chương trình, dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, điện hạt nhân, thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ.

Kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới công nghệ được xác định là động lực tăng trưởng mới, là nền tảng cho tăng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế, hiện đang trong giai đoạn bùng nổ sẽ mở ra các cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ AI trong hoạt động sản xuất để giảm chi phí nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh.

Tăng trưởng tín dụng phấn đấu mục tiêu đạt 16% trong năm 2025 được kỳ vọng là cú hích lớn cho thị trường bất động sản. Cùng với các chính sách tháo gỡ pháp lý, mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản vượt qua khó khăn, từ đó kích thích phát triển ngành xây dựng.

Tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế GTGT và các chính sách thương mại kích cầu trong nước.

Chính sách miễn thị thực cho nhiều quốc gia và chiến lược quảng bá du lịch sẽ giúp Việt Nam phát triển và thu hút khách du lịch đặc biệt trong mùa du lịch sắp tới.

Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực và lợi thế của Việt Nam sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Halal… giảm sự phụ thuộc vào Mỹ; tham gia sâu và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới.

Kiến nghị giải pháp cho tăng trưởng

Cục Thống kê đã khuyến nghị một số giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2025.

Về phía cung là chủ động phát triển xanh, nông nghiệp bền vững; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng mang lại giá trị nông nghiệp cao. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng bền vững và xanh, hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua kết nối thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Tăng cường thu hút đầu tư có chọn lọc vào ngành chế biến, chế tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu.

Thúc đẩy đổi mới công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tự động hóa dây chuyền sản xuất, ứng dụng AI và Big Data để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phụ thuộc vào khai khoáng.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án giao thông hạ tầng lớn có tính lan tỏa như đường vành đai, đường cao tốc, tuyến metro.

Cải thiện cơ sở hạ tầng logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, kho bãi, ứng dụng công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú – ăn uống, tăng cường quảng bá văn hóa, danh lam thắng cảnh của Việt Nam trên các nền tảng số và quốc tế để thu hút khách nội địa và quốc tế.

Thúc đẩy thương mại điện tử, logistics và các dịch vụ số; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi mô hình kinh doanh sang nền tảng trực tuyến, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Phát triển dịch vụ tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ tài chính, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (công nghệ số, AI, tự động hóa…) vào sản xuất, tối ưu hóa năng suất và kiểm soát chất lượng.

Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và chính quyền; hỗ trợ ươm tạo và thương mại hóa các sáng chế.

Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, giảm thiểu tác động đến môi trường. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học; chú trọng phát triển các ngành kinh tế gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Về phía cầu, Cục Thống kê kiến nghị, đẩy nhanh đồng thời kiểm soát tiến độ giải ngân đầu tư công. Cải thiện môi trường đầu tư, giảm thủ tục hành chính để thu hút thêm FDI. Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp xanh để phát triển bền vững.

Nhanh chóng thực hiện đàm phán với chính quyền Hoa Kỳ để giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tử Việt Nam, tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP để mở rộng thị trường và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Thúc đẩy thương mại chính ngạch thay vì tiểu ngạch sẽ giúp giảm bớt rủi ro gián đoạn thương mại và cân bằng cán cân xuất nhập khẩu; xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm, kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp xuất khẩu với các sàn thương mại điện tử quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Mở rộng phạm vi giảm thuế để kích thích tiêu dùng, đặc biệt là đối với các mặt hàng thiết yếu và hàng hóa có tính lan tỏa cao.

Nâng cao mức thu nhập thực tế của người dân thông qua các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội, giúp tăng khả năng chi tiêu và kích thích tiêu dùng trong nước.

Theo chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, vốn đầu tư công thực hiện sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam năm 2025. Tổng vốn đầu tư công năm 2025 là 825,9 nghìn tỷ đồng, nếu giải ngân được 95% thì GDP tăng thêm 1,07 điểm phần trăm. Nếu giải ngân hết 100% tổng số vốn, GDP tăng thêm 1,4 điểm phần trăm.

Đến nay, phần lớn các tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế đều dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt trong các quý tiếp theo của năm 2025.

Hiện, mỗi tỉnh, thành phố đều đang vào cuộc đua vì tăng trưởng, dồn lực và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để tạo tăng trưởng và từ đó đóng góp tối đa vào GDP.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tap-trung-dat-muc-tieu-tang-truong-hon-8-trong-nam-nay-699150.html
Zalo