Tập trung công tác triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công
Năm 2024, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh Trà Vinh đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu và khối lượng lớn công việc, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết của tỉnh, hoàn thành đạt và vượt 22/23 chỉ tiêu và tập trung phấn đấu thực hiện 23 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: tổng vốn kế hoạch năm 2025 gần 4.263 tỷ đồng. Số vốn đủ điều kiện giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư trên 3.648 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch gồm: vốn tỉnh quản lý trên 2.798 tỷ đồng, chiếm 65,7% kế hoạch vốn. Vốn phân cấp cho cấp huyện quản lý gần 850 tỷ đồng, chiếm 19,9% kế hoạch.
Số vốn còn lại chưa đủ điều kiện giao trên 614 tỷ đồng, do đó, các chủ đầu tư (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp; Giao thông Vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ các dự án chưa đủ điều kiện giao vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, chậm nhất là ngày 31/12/2024; các dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư và gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu với lãnh đạo tỉnh trình HĐND tỉnh giao kế hoạch vốn cho các dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trên cơ sở đó, trong năm 2025, các sở, ngành và địa phương chủ đầu tư tập trung ngay từ đầu năm có kế hoạch cụ thể từng lĩnh vực mà ngành, địa phương phụ trách. Trong đó tập trung thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá, công tác triển khai và giải ngân kế hoạch đầu tư công, nhất là các công trình chào mừng đại hội Đảng nhằm khơi thông nguồn lực, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội năm cuối của nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp. Đồng thời phối hợp tốt hơn nữa công tác hỗ trợ, giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, quan tâm công tác phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã.
Song song đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính- ngân sách nhà nước năm 2025, Sở Tài chính tập trung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đối với ngân sách địa phương.
Đồng chí Tiêu Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: năm 2025 là năm cuối thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 - 2025, do đó tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia cho từng cấp ngân sách địa phương tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025 (được sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND, ngày 14/7/2024 của HĐND tỉnh). Thực hiện Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND, ngày 29/6/2021 của HĐND tỉnh quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Thực hiện Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND, ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025 (được sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND, ngày 14/7/2024 của HĐND tỉnh).
Theo đó, dự toán chi đầu tư phát triển bao gồm bố trí 100% tiền sử dụng đất cho đầu tư phát triển công trình xã hội hóa; bổ sung có mục tiêu cho 02 huyện Càng Long và thành phố Trà Vinh với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng để hỗ trợ hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã. Đối với 03 chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2025, các sở, ngành và địa phương chủ động triển khai thực hiện giải ngân hết số vốn được giao nhằm hạn chế việc hủy dự toán và nộp trả ngân sách về Trung ương.
Bố trí thêm kinh phí thực hiện 05 Đề án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các chủ trương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, với số tiền trên 3,5 tỷ đồng. Bố trí hỗ trợ tiêu chí huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới và các tiêu chí nông thôn mới nâng cao 20 tỷ đồng; phí sử dụng đường bộ hơn 43 tỷ đồng;…
Theo đồng chí Tiêu Văn Sơn, trên cơ sở đó, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương và địa phương ban hành; không để phát sinh tình trạng nợ chế độ, chính sách trên địa bàn. Trong trường hợp kinh phí bố trí thừa, thiếu so với nhu cầu hoặc có các chế độ, chính sách mới phát sinh trong năm 2025, báo cáo Sở Tài chính kịp thời để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trong quá trình điều hành ngân sách năm 2025.