Tạo thuận lợi cho hợp tác công - tư trong nông nghiệp

Tại Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, hợp tác công - tư (PPP) là cần thiết nhằm khai thác tối đa nguồn lực xã hội, gắn nghiên cứu với thị trường và thúc đẩy nhanh việc chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần thiết lập các cơ chế thuận lợi hơn để thúc đẩy sự hợp tác này.

Dấu ấn rõ nét

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 3,35%/năm, trong khi giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 2,62%/năm. Khoa học công nghệ là khâu đột phá để có kết quả này.

Cần cơ chế thuận lợi cho hợp tác PPP trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Nguồn:ITN

Cần cơ chế thuận lợi cho hợp tác PPP trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Nguồn:ITN

Trong lĩnh vực trồng trọt, nhờ ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, ngày nay các nhà khoa học chỉ cần 30 - 50 tổ hợp lai để chọn tạo ra một giống lúa mới, so với khoảng 100 tổ hợp lai như trước đây. Điều này giúp rút ngắn thời gian chọn giống xuống còn khoảng 5 năm, giảm đáng kể thời gian và công lao động; đồng thời đáp ứng yêu cầu quan trọng đối với giống lúa như năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng rộng.

Cùng với đó, cây cà phê Việt Nam cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê trên thế giới. Cây điều cung cấp khoảng 40% tổng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến điều của Việt Nam. Sản xuất rau và cây ăn quả liên tục tăng về diện tích, năng suất và sản lượng, chủng loại.

Dấu ấn của khoa học công nghệ trong chăn nuôi, thú ý cũng được thể hiện rõ nét. Giai đoạn 2013 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 42 giống vật nuôi mới, 23 tiến bộ kỹ thuật và 19 giải pháp sáng chế trong lĩnh vực này. Hiện có 54 giống vật nuôi năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất, bao gồm 11 giống mới, 12 giống ngoại nhập và 31 giống lai tạo. Việc vaccine dịch tả lợn châu Phi “Made in Vietnam” chính thức xuất khẩu sang 5 quốc gia bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar là niềm tự hào lớn của ngành chăn nuôi nước nhà.

Lĩnh vực thủy sản cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua nhờ áp dụng khoa học công nghệ hàng loạt giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá chim vây vàng, cá nhụ, cá chiên, cá lăng, chạch chấu, hải sâm, ốc hương và các giống cá nước lạnh đã được sinh sản nhân tạo thành công và làm chủ công nghệ nuôi. Giai đoạn 2016 - 2023, đã có 22 giống mới, 28 tiến bộ kỹ thuật, 13 sáng chế và 14 quy trình, giải pháp hữu ích đã được công nhận. Ngành duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 4,5 - 5%.

Đối với ngành lâm nghiệp Việt Nam đã có 78 giống cây trồng, 35 tiến bộ kỹ thuật, 11 sáng chế và các giải pháp hữu ích được công nhận. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 11 tiến bộ kỹ thuật về lâm sinh và đang triển khai xây dựng 11 tiến bộ kỹ thuật mới.

Gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp vẫn có nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ chế tài chính trong chuyển giao và hợp tác khoa học.

Tại Diễn đàn, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Thái Bình - Thaibinhseed nhận định, cơ chế tài chính hiện nay còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới. Cần cải cách và điều chỉnh cơ chế tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, ông Trần Mạnh Báo đề xuất.

Đồng thời, việc chuyển nhượng sản phẩm khoa học từ Nhà nước đến doanh nghiệp cần có cơ chế cụ thể và minh bạch. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động và tăng cường khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất.

Nêu góc nhìn về hợp tác PPP trong nông nghiệp, theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) Trần Kim Liên, hợp tác PPP là cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, kết nối nghiên cứu với thị trường. Ở các nước đang phát triển của châu Á, trung bình doanh nghiệp đầu tư vốn từ 50 - 70%, trong khi Nhà nước đầu tư khoảng 30 - 50%.

Với xu thế này, Vinaseed mong muốn tham gia sâu hơn trên toàn chuỗi giá trị sản xuất cây trồng, từ mua bản quyền, chuyển giao, khảo nghiệm giống, đến đưa vào sản xuất và đầu tư công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch. Doanh nghiệp rất kỳ vọng khối tư nhân sẽ có thông tin cụ thể về dự án, từ đó tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể tuyển chọn các ý tưởng từ các Viện, trường, xác định các danh mục đầu tư cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.

Để thúc đẩy hợp tác công - tư, nhiều doanh nghiệp đề xuất sửa đổi Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước cho phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 - đã có hiệu lực từ đầu năm nay. Đồng thời, có cơ chế tuyển chọn các dự án nghiên cứu theo hình thức đặt hàng gắn sản xuất với thị trường và cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được tham gia một cách minh bạch. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các dự án hợp tác công - tư thí điểm theo chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh nhằm kết nối hoàn chỉnh từ cơ sở nghiên cứu - ứng dụng chuyển giao - sản xuất kinh doanh - xây dựng thương hiệu phục vụ cho phát triển bền vững. Trước mắt ứng dụng ngay trong chương trình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao tại đồng bằng sông Cửu Long.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tao-thuan-loi-cho-hop-tac-cong---tu-trong-nong-nghiep-i380414/
Zalo