Bình Dương: Nông nghiệp xanh, tương lai sáng

Ngành nông nghiệp Bình Dương đang tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng với các sản phẩm nông nghiệp xanh.

Những năm gần đây, Bình Dương đã đặt nông nghiệp xanh và nông sản sạch lên hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh. Nhiều trang trại, hợp tác xã và hộ nông dân đã quay về với các phương thức canh tác truyền thống như ủ phân xanh, canh tác luân canh, và tận dụng phế phẩm từ chăn nuôi để tạo phân hữu cơ, phân vi sinh. Những phương pháp này, kết hợp với công nghệ hiện đại, không chỉ giúp đất đai màu mỡ hơn mà còn tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc canh tác hữu cơ đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và tốn kém, khiến sản phẩm hữu cơ chưa thể phổ biến và có giá rẻ như các sản phẩm thông thường.

 Bình Dương đã đặt nông nghiệp xanh và nông sản sạch lên hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp.

Bình Dương đã đặt nông nghiệp xanh và nông sản sạch lên hàng đầu trong chiến lược phát triển nông nghiệp.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, xu hướng sản xuất hữu cơ đang ngày càng được chú trọng. Phân bón hữu cơ, đặc biệt là phân bón hữu cơ vi sinh, được xem là lựa chọn hàng đầu để thay thế phân hóa học, mang lại hiệu quả cao hơn và không gây hại đến môi trường. Loại phân này giúp đất đai tơi xốp, giữ ẩm tốt hơn và tăng khả năng miễn dịch cho cây trồng, từ đó nâng cao năng suất.

Dù tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Bình Dương chỉ chiếm 3%, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ nhờ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, GlobalGAP, VietGAP đã nâng tầm ngành nông nghiệp Bình Dương. Tỉnh đã xây dựng vùng chuyên canh, chú trọng phát triển nông nghiệp xanh và hữu cơ tại các khu vực có đất đai phù hợp, đặc biệt là ở huyện Dầu Tiếng, TP. Bến Cát, TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo và TP. Tân Uyên.

 Nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ đã nâng tầm ngành nông nghiệp Bình Dương.

Nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ đã nâng tầm ngành nông nghiệp Bình Dương.

Chuyển đổi sang công nghệ cao không chỉ dừng lại ở trồng trọt mà còn mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi. Hiện nay, tỷ lệ chăn nuôi trang trại ở Bình Dương đã chiếm trên 90% tổng đàn gia súc, gia cầm với mô hình chăn nuôi tập trung, quy mô lớn ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chăn nuôi gà là một trong những lĩnh vực nổi bật với 150 trang trại chuyên nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt, tổng đàn lên đến hơn 8,3 triệu con. Đồng thời, chăn nuôi heo thịt, heo giống cũng đạt những bước tiến lớn với 265 trang trại, tổng đàn trên 714.000 con. Ngành chăn nuôi vịt và bò sữa cũng ghi nhận sự phát triển ổn định với số lượng trang trại và tổng đàn đáng kể.

Một điểm sáng khác của nông nghiệp Bình Dương là xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật, mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Đến nay, tỉnh đã có 13 vùng an toàn dịch bệnh được Cục Thú y công nhận, bao gồm các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, bệnh Newcastle (gà rù), lở mồm long móng gia súc, dịch tả heo và bệnh dại trên chó, mèo.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương nhấn mạnh rằng, trong suốt những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện hiệu quả đề án và kế hoạch cơ cấu lại ngành một cách toàn diện và đồng bộ, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, vận hành theo cơ chế thị trường và ứng dụng khoa học công nghệ mới, không chỉ tạo ra giá trị gia tăng mà còn giúp chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đổi mới tổ chức liên kết chuỗi sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa.

 Tỉnh đã xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật, từ đây mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Tỉnh đã xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật, từ đây mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Những kết quả đáng tự hào này không chỉ phản ánh sự chuyển dịch đúng hướng của ngành nông nghiệp Bình Dương mà còn là minh chứng cho sự thành công trong việc cơ cấu lại ngành. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra, trong đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn liên tục tăng trưởng. Năm 2023, Bình Dương đứng thứ 2 về tổng số trang trại nông nghiệp trong vùng Đông Nam bộ và thứ 5 trên toàn quốc. Diện tích trồng cao su và sản lượng mủ khô của tỉnh cũng xếp thứ 2 cả nước, trong khi số lượng đàn lợn và gia cầm lần lượt đứng thứ 8 và thứ 12 toàn quốc. Với những kết quả ấn tượng này, Bình Dương đã khẳng định vị thế của mình trong nhóm các địa phương có năng lực chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu cả nước.

Trong tương lai, ngành nông nghiệp Bình Dương đặt mục tiêu bứt phá, chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, gia công sang sản xuất chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tiềm lực, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với làng thông minh. Những định hướng này sẽ đưa nông nghiệp, nông thôn Bình Dương lên một tầm cao mới, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh và của cả nước.

Thanh Mai

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/binh-duong-nong-nghiep-xanh-tuong-lai-sang-91561.html
Zalo