Thúc đẩy trao quyền kinh tế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, lập nghiệp

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, các doanh nghiệp nữ, các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ đóng góp to lớn vào thành tựu phát triển chung của khu vực doanh nghiệp và hợp tác xã.

Chiều 12/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thống nhất ban hành Chương trình phối hợp công tác về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể giữa 2 bên giai đoạn 2024-2027.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, khu vực doanh nghiệp và kinh tế tập thể của Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Hiện nay, có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 60% GDP, tạo việc làm cho khoảng 30% lao động trong nền kinh tế. Trong số đó, có hơn 20% là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Cùng với đó, khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là gần 34.000 hợp tác xã, 160 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác đang từng bước mở rộng và phát triển, là chủ thể quan trọng thực hiện chương trình nông thôn mới, cùng với khu vực doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thống nhất ban hành Chương trình phối hợp công tác về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể giữa 2 bên giai đoạn 2024-2027 (Ảnh: MPI).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thống nhất ban hành Chương trình phối hợp công tác về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể giữa 2 bên giai đoạn 2024-2027 (Ảnh: MPI).

Bộ trưởng nhấn mạnh, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nữ, các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ.

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nhân nữ đã luôn chủ động, nỗ lực vượt qua các rào cản, định kiến giới để vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

"Các nữ doanh nhân Việt Nam không chỉ kiên trì, bền bỉ chèo lái hoạt động kinh doanh vượt qua các khó khăn dịch bệnh, mà còn năng động, sáng tạo, đem bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết của người phụ nữ Việt dấn thân vào các lĩnh vực mới, khó vốn được coi là thế mạnh của nam giới như logistics, cầu đường, xây dựng, quản lý khu công nghiệp, công nghệ thông tin và cả lĩnh vực hàng không", Bộ trưởng phát biểu.

Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, các doanh nghiệp, hợp tác xã nói chung trong đó có các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ còn nhiều hạn chế về quy mô, nguồn vốn, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã là năng lực và trình độ quản trị còn hạn chế, thiếu bài bản, chuyên nghiệp và chưa tiệm cận được các chuẩn mực, thông lệ tốt của khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn hiện nay, với độ mở cao của nền kinh tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi vừa phải ổn định sản xuất kinh doanh sau đại dịch đồng thời phải đáp ứng yêu cầu mới của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Mục tiêu của Chương trình hợp tác nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa 2 cơ quan trong triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nhân nữ (Ảnh: MPI).

Mục tiêu của Chương trình hợp tác nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa 2 cơ quan trong triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nhân nữ (Ảnh: MPI).

Bộ trưởng nhấn mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ là chủ đề luôn được các quốc gia quan tâm. Tại Việt Nam, bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái được xác định là 1 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia đến năm 2030.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức hiệp hội tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển.

Trong quá trình tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức quốc tế.

"Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, năng động, tích cực và tâm huyết của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong nhiều năm qua đã có những đóng góp tích cực trong triển khai các hoạt động thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, lập nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai các sáng kiến, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ, hôm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiến hành ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa 2 cơ quan giai đoạn 2024 - 2027.

Mục tiêu của Chương trình hợp tác nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa 2 cơ quan trong triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nhân nữ, các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ; hỗ trợ các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ….

Hai cơ quan sẽ cùng nhau xây dựng, đề xuất các chính sách, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực để triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hợp tác xã, các chương trình, đề án nhằm nâng cao năng lực, quyền năng kinh tế và thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền kinh tế cho phụ nữ.

Chương trình phối hợp công tác về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm 4 nội dung chính:

Một là, xây dựng, đề xuất các chính sách; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế tập thể.

Hai là phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh/doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Ba là phối hợp thực hiện hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ.

Bốn là phối hợp thực hiện nghiên cứu, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết các hoạt động thuộc Chương trình phối hợp và chức năng, nhiệm vụ của 2 bên.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thuc-day-trao-quyen-kinh-te-ho-tro-phu-nu-khoi-nghiep-lap-nghiep-204240812193033022.htm
Zalo