Tạo nền tảng để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Việt Nam hiện đang là 'điểm sáng' trên toàn cầu với nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện và nâng hạng. Báo cáo Business Ready 2024 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, môi trường kinh doanh Việt Nam có nhiều chỉ số xếp hạng ấn tượng, với chỉ số Hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp đạt 72,78 điểm, xếp vào nhóm hàng đầu trong 50 nền kinh tế được WB đánh giá. Fitch Rating (Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế) cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm năm 2024 của Việt Nam lên mức BB+; đánh giá Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam tăng 13 bậc, lên thứ hạng 59.
Theo báo cáo năm 2024 của Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 233.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so năm 2023; trung bình một tháng có gần 19.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Điều này cho thấy, niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam của doanh nghiệp đang tăng lên với các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” đã phát huy hiệu quả.
Niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam của doanh nghiệp đang tăng lên với các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó” đã phát huy hiệu quả.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong năm 2024 với việc hoàn thành thắng lợi toàn diện 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, nhiều chỉ tiêu đạt kết quả nổi bật, cao hơn chỉ tiêu đã báo cáo Trung ương và Quốc hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây cũng là cơ sở để đặt ra mục tiêu phát triển cao hơn trong những năm tiếp theo, tạo nền tảng để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên và phấn đấu tạo đà tăng trưởng liên tục hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, cần phải có những giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn của thể chế, khơi thông nguồn lực, tranh thủ cơ hội, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế các dư địa để đất nước phát triển nhanh và bền vững. Bởi thực tế hiện nay, năm 2024 dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới có tăng trưởng, nhưng cũng có tới gần 198.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tăng 14,7% so năm 2023; trung bình một tháng có gần 16.500 doanh nghiệp rời bỏ thị trường.
Như vậy, những khó khăn, rào cản với doanh nghiệp vẫn còn nhiều và môi trường đầu tư, kinh doanh cần tiếp tục cải thiện hơn nữa. Đòi hỏi từ Chính phủ tới các bộ, ngành và địa phương cần nhanh chóng tìm ra “những việc cần làm ngay” và phải triển khai quyết liệt những việc cần làm ngay đó thì mới có thể đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
Vì vậy, ngay đầu tháng 1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025. Nghị quyết đặt mục tiêu phân cấp, phân quyền hơn nữa cho các đơn vị, địa phương trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật; các bộ, ngành, địa phương thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh hiệu quả; phấn đấu năm 2025 tăng ít nhất 10% số doanh nghiệp gia nhập thị trường so năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thấp hơn năm 2024,…
Các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2025 đã hướng đến giải quyết đúng những điểm nghẽn của nền kinh tế, đưa ra các nhiệm vụ cụ thể và thường xuyên để tạo áp lực cho các bộ, ngành và địa phương có hành động thực chất trong cải cách và thực thi công vụ. Bởi thực tế, trong năm 2024 vừa qua, tốc độ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh tuy có cải thiện nhưng chưa cụ thể, thực chất, thậm chí có dấu hiệu chậm lại do tác động từ những khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế toàn cầu.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2025 được kỳ vọng sẽ giúp kịp thời tháo gỡ nút thắt trong môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, từ Chính phủ tới các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo; thường xuyên đối thoại, trao đổi, xử lý ngay “điểm nghẽn” mâu thuẫn chính sách để kịp thời tháo gỡ triệt để rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo ra những đột phá cho môi trường kinh doanh trong năm 2025 và những năm tiếp theo, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên các bảng xếp hạng toàn cầu.