Tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư.

Kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin - cho”

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, đã xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Một trong 6 nhiệm vụ, giải pháp đó là thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Cần triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Cần triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, khu vực tư nhân, các doanh nghiệp lớn, có tác động và đóng góp lớn đối với nền kinh tế.

Sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.

Nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước để tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin-cho”, đầu tư công dàn trải (Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026-2030 bảo đảm không quá 3.000 dự án).

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán, có cơ chế, chính sách đột phá để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, nguồn lực từ bên ngoài.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp) để tăng nhanh nguồn cung; đẩy nhanh triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Phát triển mạnh mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn để huy động nguồn lực cho nền kinh tế. Khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí để đáp ứng điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025. Có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế.

Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Phát huy hiệu quả cơ chế Tổ công tác nhằm chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới.

Xây dựng các cơ chế hiệu quả, mang tính đột phá để tăng lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc, như hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hoặc bằng công trình hạ tầng đối với một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá, động lực mới cho tăng trưởng như chíp, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, hydrogen xanh… Tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước.

Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn. Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tháo gỡ các vướng mắc về phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa.

Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi

Chính phủ cũng nêu rõ, phát huy hiệu quả các Ban chỉ đạo, Tổ công tác để rà soát, có giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025. Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công tư.

Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân - Ảnh minh họa

Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân - Ảnh minh họa

Sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, thu hút được nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, sức lan tỏa lớn; khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt; Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững…

Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới (hoàn thành trong tháng 2/2025).

Thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược với khai thác các hành lang phát triển mới.

Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển điện lực, năng lượng tái tạo, hydrogen; khởi động lại điện năng lượng hạt nhân…

Tiếp tục nâng cao năng lực thiết kế, thi công xây lắp, quản lý xây dựng các công trình hiện đại, phức tạp, quy mô lớn, chuẩn bị tốt nguồn lực để các nhà thầu trong nước đủ khả năng tham gia sâu và thực hiện trong quá trình xây dựng, vận hành các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và dự án điện hạt nhân.

Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, phát thải carbon thấp. Nghiên cứu, xây dựng các chương trình, đề án sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên (cát nghiền, cát biển, tro, xỉ, thạch cao…).

Chính phủ nêu rõ, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số. Chủ động, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, tạo khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tao-moi-dieu-kien-giai-quyet-nhanh-cac-thu-tuc-dau-tu-372969.html
Zalo