Lấy ý kiến Dự thảo thông tư mới về kinh doanh xăng dầu: Cần gỡ triệt để những vướng mắc của thị trường

Bộ Công Thương ban hành Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức...với những điểm khá mới liên quan đến việc công bố chi phí của doanh nghiệp, kết nối dữ liệu trực tuyến…

Các doanh nghiệp xăng dầu cho rằng, dù có điểm mới nhưng những bất cập của thị trường vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Phá thế độc quyền của doanh nghiệp đầu mối Nhà nước?

Dự thảo Thông tư quy định việc các doanh nghiệp đầu mối phải thực hiện kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu (dữ liệu cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh xăng dầu, dữ liệu hệ thống phân phối xăng dầu, dữ liệu nhập - xuất - tồn kho xăng dầu) với Bộ Công Thương, tương thích với chương trình điện tử do Bộ Công Thương quy định.

Cùng với đó, doanh nghiệp phải thực hiện các báo cáo về cơ sở vật chất,số liệu nhập - xuất - tồn kho xăng dầu và tồn kho xăng dầu tại ba miền, tình hình thực hiện nhập khẩu xăng dầu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, pha chế xăng dầu, xuất khẩu xăng dầu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu xăng dầu cũng như sản lượng xăng dầu xuất bán của nhà máy lọc dầu, của đầu mối, doanh nghiệp bán lẻ… cho các cơ quan quản lý.

Dự thảo Thông tư cũng quy định nguyên tắc xây dựng, điều chỉnh yếu tố cấu thành trong công thức giá bán xăng dầu. Theo đó, yếu tố cấu thành trong công thức giá bán xăng dầu được xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành có liên quan, kết quả tổng hợp số liệu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu và tình hình thực tế hoạt động kinh doanh xăng dầu trong từng thời kỳ.

Đáng chú ý, với các sản phẩm xăng dầu, Bộ Công Thương không công bố giá thế giới, các thương nhân căn cứ công thức tính các khoản chi phí cấu thành giá xăng dầu. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sau khi điều chỉnh giá bán xăng dầu phải thực hiện công bố giá bán buôn, bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối và thông báo về Bộ Công Thương, UBNd cấp tỉnh, Sở Công Thương và cơ quan Quản lý thị trường nơi thương nhân có hệ thống phân phối.

Dự thảo Thông tư mới cũng quy định việc để bình ổn giá xăng dầu, trên cơ sở chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trì triển khai, hướng dẫn UBND cấp tỉnh thực hiện một hoặc một số phương thức để xác định nguyên nhân biến động giá theo Nghị định số 85 quy định chi tiết một số điều của Luật Giá và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Trao đổi với PV Tiền Phong, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu lớn cho biết, việc sửa Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế các Nghị định 83, 95 và 80 đến nay đã kéo dài hơn 2 năm với 4 lần Bộ Công Thương trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi. Mục tiêu đưa ra một phương án hoàn chỉnh nhất, phù hợp nhất với tình hình thực tế hiện nay nhưng vẫn chưa đi đến điểm chốt, cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong việc quản lý kinh doanh xăng dầu.

Theo vị này, dự thảo Thông tư mới của Bộ Công Thương chưa sửa được những vấn đề căn cơ của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu dù đã có những "cải tiến mới".

Cụ thể, mục 3 điều 11 chương 3 của Thông tư quy định về việc Bộ Công Thương sẽ không công bố giá thế giới đối với các sản phẩm xăng dầu. Các thương nhân căn cứ công thức tính các khoản chi phí cấu thành giá xăng dầu để xác định giá bán. Với quy định này, so với dự thảo Nghị định sửa đổi lần 3 là có khác biệt, ghi nhận việc thả nổi giá theo thị trường.

Việc quy định các chi phí đầu vào tại điều 15 về chi phí kinh doanh xăng dầu định mức cũng minh bạch hơn khi buộc doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu trong kỳ và báo cáo về chi phí thù lao kinh doanh xăng dầu trong kỳ dành cho thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ xăng dầu, khách hàng khác (nếu có).

Tuy nhiên, để minh bạch hơn nữa, cần đưa ra yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp đầu mối phải là công ty niêm yết trên sàn HOSE hay HNX như PLX, OIL, Nam sông Hậu... Khi đó, việc kiểm toán và chi phí của doanh nghiệp niêm yết sẽ rất minh bạch.

Doanh nghiệp xăng dầu muốn minh bạch các chi phí, gỡ các nút thắt của thị trường. Ảnh: Như Ý

Doanh nghiệp xăng dầu muốn minh bạch các chi phí, gỡ các nút thắt của thị trường. Ảnh: Như Ý

Vị này cũng cho rằng, điểm mấu chốt của kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam không phải là có bao nhiêu doanh nghiệp đầu mối, không phải có bao nhiêu tầng nấc kinh doanh hay có bao nhiêu quy định ràng buộc liên quan đến cơ chế vận hành của doanh nghiệp.

Mấu chốt nhất của việc kinh doanh xăng dầu là khả năng tạo thị trường tự do cạnh tranh ở từng khâu, đảm bảo cho việc kinh doanh của doanh nghiệp phải có lãi và quan trọng nhất là phải phá thế độc quyền của doanh nghiệp đầu mối Nhà nước khi đang nắm giữ cả 3 khâu: nhập khẩu, phân phối và bán lẻ.

Lập sàn kinh doanh xăng dầu để minh bạch giá đầu vào

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP Thanh Hóa cho biết, các doanh nghiệp đã có bản kiến nghị 3 vấn đề “nóng” về thị trường xăng dầu ở Việt Nam gửi Thủ tướng và các bộ ngành. Các doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không tán thành quan điểm, cách tiếp cận vấn đề của Ban soạn thảo và nhiều nội dung của Dự thảo Nghị định do có 5 vấn đề bất cập. Theo đó, nhiều nội dung của Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, đặc biệt về thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp không có căn cứ pháp luật, trái với nhiều quy định của các luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Giá, Luật Dự trữ Quốc gia, đặc biệt Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc để các quy định liên quan đến phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn có vị thế độc quyền, tạo cơ hội phát sinh tiêu cực, hình thành “lợi ích nhóm”, hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngay trong cơ chế quản lý giá xăng dầu, tiếp tục duy trì phương pháp ấn định giá bán lẻ bằng mệnh lệnh hành chính trong khi giá đầu vào nhập khẩu phụ thuộc thế giới là trái với nguyên tắc hạch toán kinh doanh và quy luật thị trường, phương pháp tính giá xăng dầu không bảo đảm minh bạch và cạnh tranh.

“Điểm khiến doanh nghiệp bức xúc nhất hiện nay chính là cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Công Thương không nêu quan điểm rõ ràng và trả lời những vấn đề bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu trong khi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hiệp hội Xăng dầu đều có văn bản phản hồi rõ ràng. Doanh nghiệp góp ý nhưng không được hồi âm cho thấy sự thiếu tôn trọng doanh nghiệp của cơ quan quản lý”.

ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ APP Thanh Hóa

“Việc lấy ý kiến góp ý vào các Dự thảo Nghị định còn mang tính hình thức và không thực chất, thiếu toàn diện và đầy đủ đối với các đối tượng chịu sự tác động, không bảo đảm đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chúng tôi e rằng nếu tiếp tục giữ nguyên như vậy sẽ không mang đến hiệu quả đổi mới thực sự và tác động tích cực cho vận hành thị trường xăng dầu nói chung và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu nói riêng”, các doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị.

Các doanh nghiệp cho rằng, để vận hành thị trường ổn định, trước hết cần minh bạch giá đầu vào của chính các doanh nghiệp đầu mối. Việc này có thể giải quyết thông qua việc lập sàn mua bán xăng dầu để từ đó có thể làm rõ chi phí đầu vào, tránh được tình trạng chuyển giá. Cùng với đó cần xây dựng Luật Kinh doanh xăng dầu để bảo đảm tính chặt chẽ và tuân thủ của hệ thống pháp luật.

Ảnh hưởng nguồn cung thị trường

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ công bố đầu tháng 1/2024, nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh doanh, cấp phép xăng dầu của Bộ Công Thương được nêu ra. Trong hơn 5 năm, Bộ này đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng, dầu (không gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng, dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.

Tuy nhiên, thực tế sau khi được cấp phép, nhiều thương nhân đầu mối đã không đảm bảo được hệ thống phân phối xăng, dầu. Trong gần 3 năm, việc đầu tư kho xăng dầu thương mại của các doanh nghiệp (DN) đầu mối chỉ đạt 15% theo quy hoạch.

Các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng, dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Thanh tra Chính phủ xác định đây là một trong những nguyên nhân trong khâu cấp phép, ảnh hưởng tới nguồn cung thị trường.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lay-y-kien-du-thao-thong-tu-moi-ve-kinh-doanh-xang-dau-can-go-triet-de-nhung-vuong-mac-cua-thi-truong-post1716562.tpo
Zalo