Tảo mộ Tết mồng 3/3 – Nét đẹp văn hóa Tày, Nùng Bắc Kạn
Tết Thanh Minh là một trong những phong tục đẹp của người Tày, Nùng ở Bắc Kạn, diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây không chỉ là dịp để con cháu bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ tổ tiên mà còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Tết Thanh Minh, theo tiếng Tày gọi là Tết “so slam, bươn slam”, tuy đây không phải là Tết lớn trong năm, nhưng lại mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người Tày, Nùng ở Bắc Kạn. Đây là dịp để con cháu hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên, những người đi trước. Con, cháu dù có đi làm ăn xa cũng cố gắng trở về sum họp với gia đình, cùng nhau đi tảo mộ, dọn dẹp và sửa sang nơi an nghỉ của tổ tiên.

Người dân xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn đi tảo mộ.
Trước Thanh Minh một đến hai ngày, người dân đã tất bật chuẩn bị các lễ vật như một bộ tam sinh, tiền vàng mã, rượu, hương, đèn… các loại hoa quả, bánh kẹo và thức ăn khác, tùy theo phong tục, tập quán của từng địa phương. Bộ tam sinh truyền thống thường có một trong ba con vật: gà, lợn, bò. Nhưng ngày nay, tùy theo phong tục của địa phương và điều kiện của mỗi gia đình mà có thể thay đổi linh hoạt.

Một trong những lễ vật không thể thiếu là khẩu nua đăm đeng.
Một trong những lễ vật không thể thiếu là “khẩu nua đăm đeng” (xôi đỏ, đen). Ngoài hai màu truyền thống, ngày nay người dân còn sáng tạo thêm nhiều màu sắc khác từ nguyên liệu tự nhiên như hoa đậu biếc (xanh), nghệ (vàng)… tạo thành xôi ngũ sắc bắt mắt, mang hương vị đặc trưng. Đây cũng là dịp thể hiện sự khéo léo, đảm đang của các nàng dâu trong gia đình.

Mâm cúng ông bà, tổ tiên.
Hoạt động chính của ngày Tết Thanh Minh là tảo mộ, sửa sang lại phần mộ tổ tiên. Mọi người mang theo cuốc, xẻng cùng nhau phát quang cỏ dại, đắp thêm đất mới lên phần mộ để thể hiện sự biết ơn và kính trọng đối với người đã khuất. Sau khi dọn dẹp xong, con cháu thắp hương, dâng lễ, đốt vàng mã và cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, bình an.

Con cháu sửa sang phần mộ của những người đã khuất.
Bà Ngân Thị Xuyến, trú tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông cho biết: "Dù đã chuyển vào Đắk Nông sinh sống hơn mười năm nay, nhưng gia đình tôi vẫn giữ trọn vẹn phong tục truyền thống. Mỗi dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch, gia đình tôi cùng con cháu trở về xã Kim Hỷ, huyện Na Rì trước một đến hai ngày để chuẩn bị chu đáo lễ vật cúng bái và cùng nhau đi tảo mộ ông bà, tổ tiên".
Trong ngày này, trẻ nhỏ được ông bà, cha mẹ dẫn theo để giới thiệu về các ngôi mộ của tổ tiên, giáo dục truyền thống hiếu nghĩa, gắn kết tình cảm gia đình. Những người con xa quê cũng nhân dịp này trở về, cùng gia đình thực hiện nghi thức tảo mộ, tạo nên không khí sum họp ấm áp.

Trẻ nhỏ được ông bà, cha mẹ dẫn theo để giới thiệu về các ngôi mộ của tổ tiên, giáo dục truyền thống hiếu nghĩa, gắn kết tình cảm gia đình.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, các ngôi mộ được cắm cây nêu với nhiều màu sắc. Bao nhiêu ngôi mộ là bấy nhiêu cây nêu tung bay trong gió tháng Ba, như một dấu hiệu báo rằng con cháu đã hoàn thành việc tảo mộ, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Cắm cây nêu báo hiệu con cháu đã hoàn thành việc tảo mộ.
Tết Thanh Minh không chỉ là dịp tri ân tổ tiên mà còn góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Tày, Nùng ở Bắc Kạn. Thông qua phong tục tảo mộ, các thế hệ trẻ được giáo dục về đạo hiếu, về lòng biết ơn đối với tổ tiên, cội nguồn. Những hình ảnh gia đình quây quần bên phần mộ, cùng nhau dọn dẹp, tưởng nhớ người đã khuất không chỉ thể hiện nét đẹp tâm linh mà còn tạo nên sự gắn kết, bền chặt trong mỗi gia đình và cộng đồng./.