Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu
Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chính thức hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024. Trong khi đó, một số quy định cốt lõi chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024. Theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, khoảng trống pháp lý này đang gây nhiều trở ngại trong xử lý nợ xấu, làm gián đoạn dòng chảy tín dụng và ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm.
Làm sao để “lấp” khoảng trống pháp lý đó và cần có những giải pháp nào nhằm bảo đảm tính khả thi của các chính sách, cũng như tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định pháp luật; định hướng hoàn thiện hành lang pháp lý xử lý nợ xấu trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực,... đã được thảo luận chuyên sâu tại cuộc tọa đàm “Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 21/4, tại Hà Nội.
“Chặn đứng” tư tưởng chây ỳ
Phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội ban hành năm 2017 trong bối cảnh đặc biệt. Thời điểm đó, tỷ lệ nợ xấu chưa xử lý và nợ tiềm ẩn nguy cơ thành nợ xấu lên đến 10% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng. Khung pháp lý thiếu đồng bộ, nhiều khoảng trống và hiệu quả thấp, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ.
“Sau hơn 6 năm triển khai, Nghị quyết 42 đã cho thấy vai trò quan trọng trong việc tạo lập cơ chế pháp lý đặc thù, góp phần đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Nhiều chỉ số tích cực đã được ghi nhận: các ngân hàng xử lý được số nợ xấu nhiều hơn; tỷ lệ khách hàng tự nguyện trả nợ gia tăng; các hình thức xử lý như phát mại tài sản bảo đảm được đẩy mạnh. Quan trọng hơn, nghị quyết đã góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô và đưa các tài sản “bất động” trở lại phục vụ nền kinh tế”, ông Lê Thanh Kim khẳng định.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2024, Nghị quyết 42 chính thức hết hiệu lực; trong khi đó, một số quy định cốt lõi chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 như: quyền thu giữ tài sản bảo đảm, quy định về kê biên tài sản thi hành án, hay việc hoàn trả tài sản là vật chứng trong các vụ án hình sự,...
Theo phản ánh của các tổ chức tín dụng, khoảng trống pháp lý này đang gây nhiều trở ngại trong xử lý nợ xấu, làm gián đoạn dòng chảy tín dụng và ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, Nghị quyết 42 hết hiệu lực ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hồi và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Thống kê cho thấy, đến cuối tháng 12/2024, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng khoảng 1.030 triệu tỷ đồng. Đáng lo ngại, trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng rất nhanh, tăng thêm khoảng 34.000 tỷ đồng, nâng tổng nợ xấu lên khoảng 1.064 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro để xử lý.
“Chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhưng đồng nghĩa với việc bảo vệ cho cái sai. Người vay có nghĩa vụ trả nợ đúng cam kết, thay vì vay xong rồi cố tình trây ỳ, trốn tránh trách nhiệm, chỉ trả gốc mà không trả lãi, hoặc thậm chí tham gia các hội nhóm kêu gọi bùng nợ”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, tiến trình xử lý nợ xấu và thu hồi tài sản bảo đảm đang đối mặt với nhiều rào cản pháp lý. Điều này không chỉ gây rủi ro cho ngân hàng mà còn làm xấu đi văn hóa kinh doanh, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp và người gửi tiền.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng khi vay vốn là đang sử dụng tiền của người gửi tiết kiệm, chứ không phải "tiền của ông chủ ngân hàng"; họ phải có trách nhiệm trả nợ đúng hạn.
“Lấp” lỗ hổng pháp lý
Tiến sĩ Lê Duy Bình cũng nhấn mạnh, việc hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu không chỉ là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, mà còn là điều kiện tiên quyết để giải phóng nguồn lực lớn đang bị "giam giữ" trong hệ thống ngân hàng. Theo đó, với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế hiện khoảng hơn 16 triệu tỷ đồng, nếu tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 6-7% thì con số tuyệt đối lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng - tương đương gần 40 tỷ USD. Đây là nguồn vốn không được sử dụng hiệu quả, trở thành vốn "chết".

Tiến sĩ Lê Duy Bình phát biểu ý kiến tại cuộc tọa đàm.
“Tỷ lệ nợ xấu 6% là con số rất cao nếu so với mức trung bình 2-3% của các nền kinh tế đang phát triển. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng và tạo áp lực lớn trong việc trích lập dự phòng rủi ro - yếu tố đẩy lãi suất cho vay tăng cao”, ông Bình cho hay.
Đồng thời, ông Lê Duy Bình cũng khẳng định, dù theo hướng sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hay ban hành một đạo luật riêng, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, rõ ràng, hiệu quả, bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan. Bởi điều này, không chỉ phục vụ mục tiêu xử lý nợ xấu trước mắt mà còn thiết lập một trật tự kỷ cương bền vững trong quan hệ tín dụng - yếu tố sống còn của nền kinh tế hiện đại.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sửa Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, luật hóa một số quy định tại Nghị quyết 42. Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong Phiên họp thứ 44 đang diễn ra, trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp vào tháng 5 tới đây.
Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đề xuất luật hóa 3 nhóm chính sách tại Nghị quyết 42, gồm: các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng; tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các tổ chức tín dụng.
Đối với tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự - sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý và thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng này cho các tổ chức tín dụng.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về 3 nội dung chính: thực trạng và thách thức trong xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực; đánh giá tác động và tính khả thi của các đề xuất chính sách trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; đề xuất giải pháp để xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, minh bạch và hiệu quả, vừa bảo đảm quyền lợi các tổ chức tín dụng, vừa bảo vệ lợi ích hợp pháp của người vay, các bên liên quan và toàn nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều áp lực, nợ xấu tiếp tục diễn biến phức tạp, việc hoàn thiện khung pháp lý cho xử lý nợ xấu không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, mà còn là động lực quan trọng giúp khơi thông dòng vốn, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.