Tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Chiều 6/5, thảo luận tại Tổ 6 (Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Định), các đại biểu cho rằng, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế là cần thiết. Song cần rà soát lại các quy định trong dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo với các luật khác, bảo đảm tính khả thi.

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 6

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 6

Tăng mức trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trên 10%

Quan tâm đến quy định về mức trích lập và phạm vi sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp quy định tại Điều 65 của dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) đề nghị cho phép doanh nghiệp được trích lập 15% - 20% thu nhập tính thuế để lập Quỹ này. Quỹ được chi cho các hoạt động phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng quỹ.

ĐBQH Lữ Văn Hùng (Bạc Liêu) điều hành buổi thảo luận

ĐBQH Lữ Văn Hùng (Bạc Liêu) điều hành buổi thảo luận

Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, mục tiêu, chủ trương của Nghị quyết 57- NQ/TW là huy động mọi nguồn lực thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%. Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Nghị quyết 193/2025/QH15, cho phép trích tối đa 20% trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án xây dựng nhà máy chip bán dẫn. Do vậy, với tinh thần đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội, đề nghị tăng mức trích lập quỹ của doanh nghiệp phải cao hơn mức hiện hành (cao hơn 10%).

ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận

Đối với phạm vi sử dụng Quỹ, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết: thực tiễn cho thấy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo cần nguồn lực tài chính ổn định, không nên bó hẹp chỉ vào mục tiêu khởi nghiệp. Việc mở rộng phạm vi chi giúp tăng hiệu quả sử dụng Quỹ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng năng lực nội sinh về khoa học công nghệ. Do vậy, việc mở rộng phạm vi chi của quỹ như quy định hiện hành là cần thiết.

Cho ý kiến vào ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, Khoản 1 Điều 68 dự thảo Luật đề nghị quy định chi phí cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo ngoài Quỹ không chỉ được tính vào chi phí hợp lệ, mà còn được tính bằng 150% chi phí thực tế trong kỳ tính thuế. Trường hợp khoản chi liên quan đến công nghệ chiến lược (như bán dẫn, AI, công nghệ xanh...), mức tính chi phí được nâng lên 200% chi phí thực tế.

ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định) phát biểu tại phiên thảo luận

Lý giải quan điểm của mình, đại biểu dẫn chứng, ưu đãi khấu trừ chi phí đã được nhiều nước như, Trung Quốc, Anh, Singapore áp dụng thành công, thúc đẩy doanh nghiệp tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, tăng mức ưu đãi đối với công nghệ chiến lược phù hợp với định hướng phát triển ngành mũi nhọn quốc gia, giảm lệ thuộc nhập khẩu công nghệ. Đây là biện pháp tài khóa hiệu quả, trực tiếp tạo động lực đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp mà không làm gia tăng gánh nặng hành chính cho Nhà nước.

ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) cho rằng, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nền kinh tế là cần thiết. Nội dung này được thể hiện từ Điều 33-39, Chương IV của dự thảo luật. Song, một số đại biểu đề nghị cần rà soát lại các quy định trong các điều này nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo với các luật khác và cũng bảo đảm tính khả thi hơn.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý khâu sản xuất hàng giả

Liên quan đến Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nêu, qua 17 năm thi hành luật đã phát sinh những bất cập và các vấn đề đặt ra trong việc thi hành các cam kết theo các điều ước quốc tế. Do đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hội nhập quốc tế để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên.

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu tại phiên thảo luận

Góp ý vào dự thảo luật này, đại biểu Tô Ái Vang bày tỏ quan điểm: Tại điều a, Khoản 1, Điều 35a quy định “Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc các biện pháp kiểm soát nội bộ, nhằm duy trì chất lượng của hàng hóa, trong quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và phân phối”. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là công cụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người. Đó cũng là biện pháp kỹ thuật, để bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam, trước những nguy cơ tiềm ẩn. Song, đến nay một số bộ, ngành, chậm ban hành quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, để làm căn cứ thực hiện.

Đại biểu đề nghị các bộ, ngành khẩn trương rà soát và sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo quy định. Ngoài ra, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung 1 khoản để giải thích cụm từ “Hàng hóa mậu biên” được quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật.

ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Tô Ái Vang nêu thực trạng hàng giả hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hầu hết các hành vi, vi phạm, chỉ xử lý ở khâu lưu thông, ít hoặc không xử lý ở khâu sản xuất, dẫn đến tình trạng, xử lý không nghiêm, thiếu tính răn đe. Vì thế, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý, ngay từ khâu sản xuất. Đồng thời quan tâm đến hoạt động đào tạo, tập huấn, như: đào tạo nghiệp vụ, ngạch kiểm soát viên, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, theo quy định, tại dự thảo Luật này...

ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu tại phiên thảo luận

Đồng tình quan điểm trên, một số đại biểu đề nghị bổ sung một khoản mới vào sau Khoản 3 Điều 7 dự thảo Luật với nội dung như sau: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các đối tượng đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể việc thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các đối tượng đặc thù thuộc lĩnh vực cơ yếu…

Trọng Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-ho-tro-doanh-nghiep-thuc-day-doi-moi-sang-tao-10371516.html
Zalo