Tạo đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô

Bài 2: Gắn kết giữa giáo dục tri thức và phát triển nhân cách.

Học sinh Thủ đô tìm hiểu về giá trị bia đá tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Học sinh Thủ đô tìm hiểu về giá trị bia đá tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Với việc triển khai Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, thành phố không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn đặt ra những yêu cầu mới trong xây dựng văn hóa, con người trong thế hệ trẻ.

Ba Vì là một trong những huyện vùng xa, kinh tế khó khăn nhất của Thủ đô. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng học kiên cố tại cả ba cấp học ở Ba Vì đều đạt hơn 97%, với nhiều phòng chức năng, nhà đa năng và trang thiết bị hiện đại. Huyện có 97 trong tổng số 110 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 88,18%), trong đó có 24 trường đạt chuẩn mức độ 2. Mặc dù là huyện nghèo, nhưng tiếng Anh được đẩy mạnh triển khai ở tất cả các cấp học như một ngôn ngữ thứ hai.

Thành phố hiện nay có 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên với 2.238.000 học sinh. Chất lượng giáo dục Thủ đô thể hiện ở cả giáo dục đại trà lẫn giáo dục mũi nhọn. Năm 2024, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của thành phố đạt 99,81%, xếp thứ 11 toàn quốc (tăng 13 bậc so với năm 2021).

Cũng trong năm học 2023-2024 có 13 học sinh đoạt giải quốc tế; 184 giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (cao hơn năm 2023 là 43 học sinh); năm 2024 có hai Huy chương vàng Olympic môn Sinh học, Hóa học.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố phát triển hệ thống trường chất lượng cao, trường học thông minh với 23 trường chất lượng cao được công nhận, trong đó có 17 trường công lập và 6 trường ngoài công lập. Tính trên toàn thành phố, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 64,5%, trong đó, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn là 79,6%.

Đối với đào tạo nhân lực, thành phố có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hướng nghiệp giáo dục phổ thông, thành phố triển khai công tác xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, của thị trường lao động cho phù hợp với công nghệ mới và quy trình sản xuất.

Việc giáo dục tri thức được triển khai song song với bồi dưỡng nhân cách, xây dựng văn hóa người Hà Nội. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực, chủ động triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2021-2025”; biên soạn, lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa Hà Nội trong bộ tài liệu giáo dục địa phương; tiến hành giảng dạy đại trà tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”…Các chương trình, hoạt động giáo dục nhằm xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức và lối sống lành mạnh cho học sinh.

Nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã có cách làm hay, hiệu quả, phát động được nhiều phong trào ý nghĩa, như: Phong trào “Sáng mãi nét đẹp thanh lịch, văn minh”; “Học sinh Thủ đô nói lời hay, làm việc tốt”; “3 xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn), “Nghĩ kỹ, nói chậm, hành động ngay”; “Phát triển văn hóa đọc”; “Lời chào người Tràng An”...

Một trong những bước đột phá trong công tác giáo dục nhân cách học sinh là triển khai giảng dạy đại trà tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh” cho cấp học mầm non trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Chương trình số 06-CTr/TU là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII. Đến nay, 18/18 chỉ tiêu của chương trình hoàn thành kế hoạch hằng năm, trong đó có hai chỉ tiêu vượt kế hoạch. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: Kết quả rõ nét nhất là tất cả chỉ tiêu trong chương trình đều đã đạt được, nhiều chỉ tiêu vượt mức. Thành phố đã có sự đầu tư đúng mức cho công tác giáo dục, đào tạo và văn hóa, xác định rõ mục tiêu: Lấy văn hóa, con người trở thành một trong 5 trụ cột quan trọng và là động lực cho phát triển Thủ đô; phấn đấu trở thành thành phố có năng lực, uy tín, có sức cạnh tranh cao, tiến tới là thành phố kết nối toàn cầu. Để làm được điều đó, các địa phương, đơn vị cần nhanh chóng thích ứng với những đổi mới của Thủ đô và đất nước, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập quốc tế, học hỏi kinh nghiệm bạn bè quốc tế để biến nguồn lực văn hóa, con người Hà Nội thật sự là nguồn lực.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tao-dot-pha-trong-xay-dung-van-hoa-con-nguoi-thu-do-post871491.html
Zalo