Du học sinh tại Mỹ sống trong nỗi lo bị tước thị thực và trục xuất không rõ lý do

Hiện tượng du học sinh tại Mỹ bị hủy tình trạng cư trú hợp pháp ngày càng nhiều ở Mỹ.

Sinh viên tại Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Sinh viên tại Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo hãng tin AP ngày 17/4, ban đầu, hiệp hội luật sư chuyên về di trú chỉ nhận được vài cuộc gọi mỗi ngày từ một số sinh viên. Đây là những người nước ngoài đang học tập tại Mỹ, nhưng vào đầu tháng 4, họ phát hiện tình trạng cư trú hợp pháp của mình đã bị chấm dứt mà gần như không được báo trước. Theo những sinh viên này, không ai trong số họ từng phạm tội đến mức bị trục xuất.

Những ngày gần đây, số cuộc gọi đã tăng đột biến. Hàng trăm sinh viên đã liên hệ để thông báo rằng họ đã mất tình trạng cư trú hợp pháp và đang tìm kiếm lời khuyên về bước tiếp theo cần làm.

Luật sư di trú Matthew Maiona ở Boston đang nhận ít nhất 6 cuộc gọi mỗi ngày từ những sinh viên quốc tế đang hoảng loạn. Ông nói: “Chúng tôi nghĩ đây chỉ là một hiện tượng hiếm gặp. Nhưng giờ thì có vẻ như mọi việc đang diễn ra rất nhanh và rất dồn dập”.

Tốc độ và quy mô hủy bỏ tình trạng cư trú hợp pháp của sinh viên quốc tế đã khiến các trường đại học trên toàn nước Mỹ choáng váng. Hầu như không có khu vực nào trong hệ thống giáo dục đại học tránh khỏi tình trạng này, từ các trường đại học tư danh tiếng, các viện nghiên cứu công lập lớn đến những trường cao đẳng nghệ thuật nhỏ đều phát hiện ra tình trạng sinh viên bị mất tư cách cư trú liên tục xảy ra.

Theo đánh giá của hãng tin AP dựa trên con số của các trường đại học, trao đổi với cán bộ nhà trường và hồ sơ tòa án, ít nhất 1.024 sinh viên tại 160 trường đại học, cao đẳng và hệ thống đại học đã bị thu hồi thị thực hoặc bị chấm dứt tình trạng cư trú hợp pháp kể từ cuối tháng 3. Các tổ chức bảo vệ quyền lợi sinh viên thu thập báo cáo từ các trường nói rằng có thể còn hàng trăm sinh viên nữa bị ảnh hưởng bởi chiến dịch trấn áp này.

Sinh viên bị nhắm đến vì những lỗi nhỏ nhặt

Năm 2024, có khoảng 1,1 triệu sinh viên quốc tế học tập tại Mỹ – một nguồn thu quan trọng đối với các trường sống dựa vào học phí. Sinh viên quốc tế không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính liên bang và khả năng chi trả học phí thường là yếu tố quyết định việc họ có được nhận vào các trường Mỹ hay không. Thông thường, họ phải đóng toàn bộ học phí.

Nhiều sinh viên bị mất tình trạng cư trú hợp pháp đến từ Ấn Độ và Trung Quốc – hai quốc gia chiếm hơn một nửa số sinh viên quốc tế tại Mỹ. Tuy nhiên, theo các luật sư, tình trạng này không chỉ xảy ra với sinh viên ở khu vực cụ thể nào trên thế giới.

Bốn sinh viên thuộc hai trường đại học tại bang Michigan đang kiện chính quyền Tổng thống Trump sau khi tình trạng thị thực F-1 của họ bị chấm dứt vào tuần trước. Luật sư Ramis Wadood của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) nói rằng các sinh viên này không nhận được lý do rõ ràng nào. “Chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra và đó là điều đáng sợ nhất”, ông nói.

Theo ông Wadood, các sinh viên nhận được thông báo về việc bị hủy tình trạng cư trú qua email từ nhà trường, khiến họ vô cùng sốc. Lý do được đưa ra là do kiểm tra hồ sơ hình sự hoặc thị thực của họ đã bị thu hồi, nhưng không ai trong số họ bị buộc tội hay kết án. Một số người chỉ có bị phạt tốc độ hoặc vi phạm đỗ xe, thậm chí có người không có bất kỳ vi phạm nào.

Tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói rằng Bộ Ngoại giao đang thu hồi thị thực của những người nước ngoài được cho là hành động đi ngược lại lợi ích quốc gia, bao gồm một số người biểu tình phản đối chiến tranh của Israel tại Gaza và những người bị truy tố hình sự.

Tuy nhiên, nhiều sinh viên không thuộc nhóm đó. Họ đã đệ đơn kiện ở nhiều bang, lập luận rằng họ đã bị từ chối quyền được xét xử công bằng.

Tuần trước, tại bang New Hampshire, một thẩm phán liên bang đã ban hành lệnh cấm tạm thời, khôi phục tình trạng cư trú cho nghiên cứu sinh tiến sĩ Xiaotian Liu tại Đại học Dartmouth.

Ngày 15/4, một thẩm phán liên bang tại Wisconsin cũng ra lệnh tương tự, ngăn chính phủ thực hiện các bước giam giữ hoặc thu hồi thị thực của một nghiên cứu sinh tại Đại học Wisconsin-Madison.

Hai nghiên cứu sinh tại Đại học bang Montana cũng vừa được thẩm phán liên bang tại Montana khôi phục tình trạng cư trú và bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ.

Chính phủ trực tiếp chấm dứt tình trạng cư trú

Nhiều trường đại học phát hiện tình trạng cư trú hợp pháp của một số sinh viên quốc tế đã bị chấm dứt khi kiểm tra cơ sở dữ liệu do Bộ An ninh Nội địa quản lý. Trước đây, tình trạng cư trú chỉ được cập nhật sau khi nhà trường thông báo với chính phủ rằng sinh viên không còn học tại trường.

Bà Fanta Aw, Giám đốc điều hành NAFSA (hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế), nói rằng hệ thống theo dõi đăng ký học và di chuyển của sinh viên quốc tế được giao cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) sau sự kiện 11/9/2001. Bà nói rằng những diễn biến gần đây khiến sinh viên lo lắng về việc có thể bị tước thị thực mà không lường trước được.

“Chỉ cần một số ít trường hợp cũng đủ để tạo ra nỗi sợ hãi. Không có lý do rõ ràng và cũng không rõ phạm vi ảnh hưởng của việc này”.

NAFSA cho rằng có thể đã có tới 1.300 sinh viên bị thu hồi thị thực hoặc bị chấm dứt tình trạng cư trú, dựa trên báo cáo từ các trường đại học.

Thông thường, những người nước ngoài bị đưa vào diện trục xuất sẽ nhận được thông báo hầu tòa vào một ngày cụ thể, nhưng các luật sư cho biết những sinh viên bị ảnh hưởng không nhận được thông báo nào, khiến họ không biết nên làm gì tiếp theo.

Một số trường đã khuyên sinh viên nên rời khỏi Mỹ để tránh nguy cơ bị bắt giữ hoặc trục xuất. Tuy nhiên, một số sinh viên đã kháng cáo quyết định hủy tình trạng cư trú và ở lại Mỹ trong thời gian chờ xử lý.

Một số người khác rơi vào tình trạng pháp lý mập mờ vì họ vốn không còn là sinh viên. Họ ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp theo chương trình “thực tập tùy chọn” (OPT) kéo dài một năm hoặc lên tới ba năm với các ngành khoa học và công nghệ, cho phép làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong thời gian đó, người tốt nghiệp có thể làm việc trong lĩnh vực chuyên môn và chờ nhận được thị thực làm việc H-1B hoặc loại thị thực khác nếu muốn tiếp tục ở lại Mỹ.

Hiện có khoảng 242.000 người nước ngoài đang làm việc ở Mỹ theo diện OPT. Khoảng 500.000 người đang theo học cao học và 342.000 sinh viên đang học đại học.

Một nghiên cứu sinh tiến sĩ người Trung Quốc tại Đại học Bắc Carolina - Chapel Hill vô cùng lo lắng khi thấy ngay cả những sinh viên không có hồ sơ tội phạm cũng bị chấm dứt tình trạng cư trú. Người này nói: “Điều đáng sợ nhất là không biết liệu mình có phải người tiếp theo không”.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/du-hoc-sinh-tai-my-song-trong-noi-lo-bi-tuoc-thi-thuc-va-truc-xuat-khong-ro-ly-do-20250418111951932.htm
Zalo