Nhiều trường đại học ứng dụng trợ lý ảo trong công tác tuyển sinh

Việc sử dụng trợ lý ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo đánh dấu bước tiến mới trong quá trình chuyển đổi số giáo dục và tư vấn tuyển sinh.

Một loạt các trường đại học phía Nam đang ứng dụng AI vào công tác tuyển sinh 2025.

Một loạt các trường đại học phía Nam đang ứng dụng AI vào công tác tuyển sinh 2025.

Tư vấn tuyển sinh liên tục 24/7

Mới nhất, với mục tiêu hỗ trợ phụ huynh, học sinh và người học tiềm năng tra cứu thông tin, định hướng ngành nghề và giải đáp các thắc mắc liên quan đến quá trình học tập, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) chính thức ra mắt trợ lý ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo mang tên UEH AI Chatbot - giải pháp công nghệ toàn diện hoạt động liên tục 24/7.

Sản phẩm được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), mã nguồn mở, tích hợp cùng kho dữ liệu nội bộ phong phú của UEH. Nhờ khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), trợ lý ảo có thể tương tác mượt mà, trả lời chính xác nhiều loại câu hỏi về chương trình đào tạo, yêu cầu đầu vào, định hướng nghề nghiệp và các hỗ trợ học tập khác.

Theo thông tin từ UEH, việc áp dụng Chatbot AI trong tuyển sinh là một phần trong chiến lược "Hướng nghiệp bền vững" mà nhà trường đang theo đuổi. Thay vì phải gọi điện thoại hay chờ đợi email phản hồi, phụ huynh và học sinh giờ đây có thể nhận được câu trả lời tức thì – từ những vấn đề cơ bản đến chuyên sâu – thông qua hình thức trò chuyện trực tuyến.

UEH AI Chatbot không chỉ đơn thuần là một công cụ trả lời tự động, mà còn có khả năng lưu trữ thông tin người dùng, đảm bảo tính bảo mật và có thể tích hợp với các nền tảng phần mềm thứ ba trong tương lai.

Ở giai đoạn đầu, trợ lý ảo tập trung phục vụ công tác tuyển sinh và tư vấn hướng nghiệp. Tuy nhiên, theo kế hoạch phát triển, UEH AI Chatbot sẽ tiếp tục được nâng cấp để trở thành một công cụ hỗ trợ toàn diện cho người học, giảng viên và đội ngũ vận hành tại trường.

Trong tương lai, chatbot sẽ hỗ trợ cung cấp lịch học, tư vấn pháp chế về các quy định giáo dục, trở thành "trợ giảng ảo" giúp giảng viên giải đáp thắc mắc cho sinh viên và đo lường hiệu quả hoạt động dựa trên hệ thống chỉ số đánh giá cụ thể.

 Ứng dụng chat tự động (Chatbot) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) của HUTECH

Ứng dụng chat tự động (Chatbot) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) của HUTECH

Trước UEH, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng ra mắt ứng dụng chat tự động (Chatbot) tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ tra cứu thông tin tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2025.

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm truyền thông HUTECH cho hay, cách thức sử dụng của HUTECH Chatbot AI khá đơn giản, tương tự các chatbot AI phổ biến khác như Chat GPT, Gemini,…

“Đây là công cụ cho phép người dùng dễ dàng tra cứu các thông tin về định hướng ngành nghề phù hợp; các phương thức xét tuyển; chính sách học phí và học bổng 2025; thời gian và cách nộp hồ sơ đăng ký học bổng; chương trình đào tạo, môi trường học tập, tiềm năng nghề nghiệp của hơn 60 ngành học thế mạnh mang tính ứng dụng cao; các chương trình đào tạo đặc thù;…”, bà Dung nói.

Thí sinh có thể sử dụng HUTECH Chatbot AI hoàn toàn miễn phí mà không cần đăng ký hay đăng nhập tài khoản.

Bước tiến trong chuyển đổi số giáo dục

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) cho hay, nhà trường cũng đang xây dựng trợ lý ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo để phục vụ công tác tuyển sinh, dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 5 tới.

“Nhà trường đã giao cho Viện chuyển đổi số, thuộc khoa Công nghệ thông tin để hỗ trợ làm AI cho tuyển sinh. Chi phí cho đầu tư trợ lý ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo này hiện tại đã gần 1,8 tỷ đồng, nhà trường đang hoàn thiện hơn để ra mắt. Tổng chi phí sẽ vào khoảng 2,3 tỷ đồng. Ưu điểm của trợ lý ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo là giúp trả lời các câu hỏi về tuyển sinh, chương trình đào tạo, yêu cầu đầu vào, định hướng nghề nghiệp và các hỗ trợ học tập khác xuyên suốt 24/7”, ông Sơn nói.

 Các trường đại học đang tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào công tác giảng dạy. Trong ảnh là sinh viên HUTECH trong giờ thực hành. (Ảnh: HUTECH)

Các trường đại học đang tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào công tác giảng dạy. Trong ảnh là sinh viên HUTECH trong giờ thực hành. (Ảnh: HUTECH)

Xu hướng trên đặt ra vấn đề, khi trợ lý ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo được đưa vào sử dụng, nhiều nhân sự phòng tuyển sinh có khả năng mất việc.

Trả lời vấn đề này, ông Sơn cho hay, việc sử dụng trợ lý ảo tích hợp trí tuệ nhân tạo vào công tác tuyển sinh sẽ giúp cho HUIT giảm được khoảng 20 nhân sự làm công tác này, các nhân sự sẽ được chuyển sang tập trung cho công tác giảng dạy. “Những nhân sự này đều có bằng thạc sĩ nên sẽ được bố trí giảng dạy đúng chuyên môn của mình”, ông Sơn thông tin thêm.

Còn theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung, HUTECH Chatbot AI hoạt động 24/7, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác, giúp thí sinh tiết kiệm thời gian và công sức trong quá trình tìm hiểu và lựa chọn ngành học phù hợp. Qua đó, trường nâng cao hiệu quả tương tác với thí sinh, phụ huynh trong công tác tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cũng như khẳng định cam kết đổi mới và chuyển đổi số trong công tác giáo dục và đào tạo.

“Tất nhiên, cũng như các ứng dụng AI khác, Chatbot không thể đồng cảm như con người, nên trong những tình huống cần sự tinh tế (phàn nàn, chia sẻ cảm xúc...) hoặc đối với những câu hỏi hay bối cảnh có nội dung ẩn ý, việc giao tiếp có thể chưa được tối ưu như trực tiếp với con người”, bà Dung chia sẻ.

Hiện nay, HUTECH Chatbot AI đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho thí sinh và phụ huynh.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-truong-dai-hoc-ung-dung-tro-ly-ao-trong-cong-tac-tuyen-sinh-post727626.html
Zalo