Tạo động lực cho kinh tế tư nhân: Nhìn từ việc 'cởi trói' hạ tầng du lịch - Bài 1: Chung sức nâng tầm du lịch Việt Nam
Việt Nam là đất nước hướng biển với khoảng 3.260 km đường bờ biển trải dài, nhưng chỉ đến khi những doanh nghiệp tư nhân như Sun Group, Vingroup, MIK Group, CEO Group… bắt tay vào làm du lịch thì những bãi biển đẹp hàng đầu thế giới mới được 'đánh thức' và ngành du lịch Việt Nam mới có vị trí trên bản đồ du lịch, nghỉ dưỡng thế giới.

Lời tòa soạn: Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá những thành công trên chặng đường gần 40 năm đổi mới có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Tổng Bí thư cũng khẳng định, kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, góp phần xây dựng một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng.
Đồng thời, tại cuộc làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương ngày 7/3/2025 về chuyên đề phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Ban Chính sách, chiến lược Trung ương tích cực phối hợp với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan xây dựng Nghị quyết mới, đột phá về kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị ban hành trong thời gian tới (ngày 4/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân).
Theo Tổng Bí thư, liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay có nhiều điểm nghẽn, nhiều mục tiêu chưa đạt được, cần phải rà soát lại xem vấn đề ở đâu, yêu cầu giải quyết, thực hiện như thế nào…
Nhằm góp phần phát hiện những điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực phát triển ngành du lịch Việt Nam, đề xuất các giải pháp “đánh thức” khối tài sản hàng chục tỷ USD đang ngủ quên trong các dự án bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, Báo Đầu tư Chứng khoán thực hiện tuyến bài “Tạo động lực cho kinh tế tư nhân: Nhìn từ việc “cởi trói” hạ tầng du lịch”.
Bài 1: Chung sức nâng tầm du lịch Việt Nam
Việt Nam là đất nước hướng biển với khoảng 3.260 km đường bờ biển trải dài, nhưng chỉ đến khi những doanh nghiệp tư nhân như Sun Group, Vingroup, MIK Group, CEO Group… bắt tay vào làm du lịch thì những bãi biển đẹp hàng đầu thế giới mới được “đánh thức” và ngành du lịch Việt Nam mới có vị trí trên bản đồ du lịch, nghỉ dưỡng thế giới.
Kỳ vọng trở thành “trụ cột tăng trưởng” năm 2025
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 22-23 triệu lượt khách quốc tế, tăng mạnh so với con số 17,5 triệu lượt khách đạt được năm 2024 và 18 triệu lượt khách năm 2019 - thời điểm trước Covid-19.
Trong bối cảnh các rủi ro kinh tế toàn cầu và căng thẳng địa chính trị bao trùm nhiều khu vực, mục tiêu này được coi là thách thức lớn với ngành du lịch trong nước.
Thế nhưng, với những người trong cuộc như TS. Đoàn Văn Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group, đó lại là “một sự táo bạo cần thiết”. Thậm chí, ông Bình còn đề xuất tăng chỉ tiêu khách nội địa lên mức 140 triệu lượt thay vì 120-130 triệu lượt, bởi “hiện có những lợi thế và thời cơ chưa bao giờ chín muồi như bây giờ”.
Theo ông Bình, động lực lớn nhất là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch 2017, các nghị quyết của Chính phủ về phát triển ngành du lịch.
Đồng thời, kết quả năm 2024 với 17,5 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tăng lần lượt 38,9% và 1,6% so với cùng kỳ năm 2023, tạo niềm tin để ngành du lịch “chơi lớn” và trở thành trụ cột đột phá tăng trưởng trong năm nay.
Bên cạnh đó, quyết tâm tăng trưởng cao còn bởi những kết quả đạt được trước đó rất khiêm tốn so với tiềm năng và kỳ vọng. Nhìn lại năm 2024, tổng thu ngân sách từ du lịch chỉ đạt 840.000 tỷ đồng (tương đương 33,6 tỷ USD), tương ứng với mức đóng góp 7,3% GDP, kém xa mức 9,2% của năm 2019.
Nhìn sang ngành nông nghiệp, một thế mạnh khác của Việt Nam, năm qua thu về 62,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản và xuất siêu tới 17,9 tỷ USD.

Chính vì vậy, du lịch có cơ hội trở thành một trong những “cỗ máy cái” đưa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên về đích, bởi đây là ngành xuất khẩu tại chỗ với tỷ lệ giữ lại giá trị cao.
Theo Ngân hàng Thế giới, chi tiêu rò rỉ của du lịch Việt Nam chỉ ở mức 0,27 USD, nghĩa là mỗi USD kiếm được từ ngành này sẽ giữ lại 0,73 USD trong nước.
Năm 2024, du lịch mang về thu nhập ròng hơn 25,2 tỷ USD, vượt xa con số khoảng 16 tỷ USD từ kiều hối, 21,6 tỷ USD vốn FDI giải ngân, những con số đầy ý nghĩa xét trên bối cảnh năm nay, hầu hết ngành xuất khẩu có nguy cơ gặp khó vì thuế quan.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, du lịch còn là động lực thúc đẩy việc làm và phát triển kinh tế bao trùm. Khác với nông nghiệp hay công nghiệp, du lịch có thể phát triển ở mọi vùng miền, bao gồm cả vùng sâu, vùng xa, nơi hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Đây là chìa khóa để phân bổ thu nhập đồng đều hơn, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên phát triển mới.
“Để tăng tốc phát triển trong Kỷ nguyên mới, chiến lược du lịch của Việt Nam cần những tham vọng táo bạo, kế hoạch hành động rõ ràng và khung pháp lý đổi mới”, ông Bình nhấn mạnh.
Cơ hội lớn, thách thức lớn
Theo số liệu thống kê của Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 3 tháng đầu năm 2025 có trên 6 triệu lượt du khách quốc tế tới Việt Nam, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng 134% so với cùng kỳ năm 2019, đạt tổng thu 242.000 tỷ đồng. Đây là lượng khách quốc tế trong một quý cao nhất từ trước đến nay.
Ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho hay, với những điều kiện thuận lợi về chính sách và nguồn lực ngày càng hoàn thiện, chúng ta nên đặt ra những mục tiêu lớn hơn, cùng với những chương trình hành động cụ thể hơn để tăng trưởng du lịch.
Trong Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành, Chính phủ đã nhấn mạnh việc phải chủ động đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài.
Tầm nhìn này là rất xác đáng, bởi theo phân tích của nhiều chuyên gia, bối cảnh thế giới biến chuyển từng ngày, ngành du lịch toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, với những áp lực từ biến động địa chính trị thế giới, những thay đổi trong nhu cầu trải nghiệm cá nhân hóa của du khách trong và ngoài nước, cùng sự gia tăng đáng kể vai trò của công nghệ số trong hành trình du khách.
“Những chuyển động này không chỉ tạo ra cơ hội, mà còn đặt ra thách thức đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng, tư duy chiến lược và sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong hệ sinh thái du lịch”, ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đánh giá.
Bộ chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành 2024 (Travel & Tourism Development Index) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) công bố năm 2024 cho thấy, du lịch Việt Nam đứng ở vị trí 59 trong 119 quốc gia được thống kê. Trong khi đó, các quốc gia được cho là cạnh tranh trực tiếp về du lịch với Việt Nam như Singapore có vị trí số 13, Indonesia số 22, Thái Lan số 47.

Quý I/2025,Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục. Ảnh: Dũng Minh.
Đặc biệt, trong xếp hạng này, chỉ số cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch là điểm yếu lớn nhất của Việt Nam, với điểm số rất thấp (2,2/7), xếp hạng trong nhóm 80-89 thế giới.
Mặc dù được cộng hưởng bởi nhiều yếu tố như chính sách nới lỏng visa và các chiến lược tiếp thị hiệu quả từ chính quyền địa phương và doanh nghiệp, nhưng như đánh giá của ông Mario Mendis - Trưởng đại diện khu vực miền Trung của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong bảng xếp hạng.
Hạng mục này bao gồm các yếu tố như số lượng phòng khách sạn, cơ sở nghỉ dưỡng, dịch vụ cho thuê xe, máy ATM dành cho du khách và các dịch vụ du lịch tổng thể…
Thực tế, cho đến thời điểm này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành du lịch vẫn loay hoay với câu chuyện phát triển các điểm đến. Địa phương nào cũng nêu cao chủ trương ưu tiên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng kế hoạch giao đất, giao hạ tầng, hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho nhà đầu tư vẫn rất ì ạch.
Bên cạnh đó, vấn đề pháp lý của các sản phẩm hạ tầng du lịch mới đang là chiếc “vòng kim cô” cản trở sự phát triển của ngành du lịch. Cái khó “bó” đầu ra của sản phẩm, tạo thêm một điểm nghẽn nữa cho ngành du lịch đầy tiềm năng nhưng vẫn đang bị nén chặt trong chiếc áo chật.