Tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển
Trong tháng 10, cả nước có gần 14,2 ngàn doanh nghiệp (DN) thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 153,5 ngàn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 80,5 ngàn lao động, tăng 26,5% về số DN, tăng 65,4% về vốn đăng ký và tăng 27,8% về số lao động so với tháng 9-2024. Bên cạnh đó, cả nước có gần 8,7 ngàn DN quay trở lại hoạt động, tăng 33,5% so với tháng trước và tăng 53,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nay, khu vực DN, doanh nhân đang đóng góp khoảng 60% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 85% tổng số lao động. Số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng mạnh cho thấy, nền kinh tế nước ta đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, tập đoàn kinh tế lớn của thế giới đánh giá cao. Tại Bình Phước, cộng đồng DN không chỉ là “động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế” mà còn là lực lượng tích cực đóng góp, cống hiến vì một Bình Phước năng động và phát triển.
Thành công nêu trên khẳng định, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc, đất nước. DN ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế, trong đó có một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời cho thấy, DN Việt Nam luôn nỗ lực, cố gắng trên hành trình đổi mới sáng tạo, bắt kịp xu hướng công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, từ đó nâng hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh, khẳng định giá trị thương hiệu…
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiện phần lớn DN ở nước ta có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 còn yếu… Thậm chí, vẫn còn một bộ phận DN, doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao; hoặc có tư duy kinh doanh “thời vụ”, thiếu tầm nhìn chiến lược… dẫn đến tình trạng “ăn xổi ở thì”, chỉ thành lập thời gian ngắn rồi giải thể. Trong khi một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu… cũng tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của DN.
Để DN giữ vững vai trò là động lực phát triển của nền kinh tế đất nước, thì ưu tiên số 1 là các cơ quan quản lý nhà nước phải tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành, hỗ trợ DN vượt khó bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực… Đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và phong cách làm việc chuyên nghiệp.
Song song đó, các DN, doanh nhân cũng phải chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến… Nhất là phải đẩy mạnh liên kết DN, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh để từng bước vượt qua khó khăn và chủ động xây dựng phương án đón bắt khi có cơ hội mới cũng như hội nhập xu thế mới.