Tạo điều kiện để mô hình hợp tác xã điện tử phát triển
Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Việc tạo điều kiện thuận lợi để mô hình hợp tác xã điện tử (HTXĐT) phát triển là một trong những giải pháp quan trọng để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hợp tác xã vận tải Hợp Tiến hỗ trợ tài xế đăng ký dịch vụ chạy xe công nghệ.
Cơ hội để hộ kinh doanh cá thể phát triển
Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp đã được Nhà nước khuyến khích trong nhiều năm qua, tuy nhiên tiến độ thực hiện còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các rào cản về thủ tục pháp lý, chi phí vận hành, năng lực quản trị, cùng với sự thiếu hụt các công cụ hỗ trợ số hóa phù hợp với trình độ của hộ kinh doanh nhỏ.
Trong khi đó, một bộ phận lớn hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam hiện nay thực chất đã đạt quy mô tương đương doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ thực tế kinh doanh cho thấy có hàng triệu xe tải đang hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách với hình thức hộ cá thể; hàng chục nghìn chuỗi nhà hàng có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng, sử dụng hàng trăm lao động; nhiều hộ sản xuất, thương mại điện tử, trang trại nông nghiệp có mô hình kinh doanh đa dạng, doanh số cao, nhưng vẫn duy trì tư cách hộ kinh doanh cá thể do thiếu cơ chế chuyển đổi mềm đơn giản và an toàn.
Hiện chưa có khái niệm pháp lý chính thức về "hộ kinh doanh quy mô lớn", nhưng thực tiễn cho thấy có nhiều hộ vượt ngưỡng doanh thu, lao động và lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, mà vẫn hoạt động dưới dạng hộ cá thể mà không bị bắt buộc chuyển đổi, do khung pháp lý chưa rõ ràng và việc giám sát còn lỏng lẻo.
Khu vực hộ kinh doanh cá thể đóng góp nhiều cho GDP của đất nước, nhưng chính sách để hộ kinh doanh cá thể phát triển lại chưa tương ứng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có giải pháp tiếp cận mới, linh hoạt và hiệu quả hơn trong việc nâng cấp khu vực hộ cá thể thành doanh nghiệp chính thức của nền kinh tế…
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, cần thiết phải có mô hình trung gian, vừa tạo điều kiện cho hộ kinh doanh vận hành theo tiêu chuẩn doanh nghiệp, vừa giảm nhẹ rủi ro và chi phí chuyển đổi.
Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất mô hình “Hợp tác xã điện tử chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ” (gọi tắt là HTXĐT) – một hình thức tổ chức trung gian, ứng dụng công nghệ số để: Hỗ trợ hộ kinh doanh số hóa hoạt động; vận hành kế toán-thuế-hóa đơn chung; thiết lập tài khoản ví điện tử gắn với hợp tác xã để minh bạch dòng tiền, tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt; tạo nền tảng kết nối thị trường, công nghệ, tài chính; từng bước chuyển đổi mềm hộ kinh doanh thành công ty trong lòng hợp tác xã một cách tự nhiên, an toàn và bền vững
Đây không chỉ là mô hình tổ chức lại khu vực kinh tế cá thể, mà còn là một bước tiến trong chiến lược phát triển kinh tế tư nhân hiện đại-hội nhập-có tổ chức, phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước.
Nếu quá trình chuyển đổi khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay sang mô hình doanh nghiệp được thực hiện một cách bài bản, có kiểm soát và hỗ trợ thích đáng, nền kinh tế Việt Nam sẽ ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, mang tính chiến lược lâu dài.
Hiện tại, phần lớn hoạt động của hộ kinh doanh cá thể không được phản ánh đầy đủ trong thống kê chính thức về tài chính do thiếu hóa đơn, sổ sách, và kiểm soát tài chính. Khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp, toàn bộ hoạt động kinh tế sẽ được ghi nhận minh bạch, giúp nâng cao chỉ tiêu GDP thực chất và chính xác hơn, đồng thời cải thiện năng lực hoạch định chính sách vĩ mô.
Khu vực hộ kinh doanh cá thể đóng góp 30% GDP nhưng chỉ đóng góp 1,6% ngân sách Nhà nước, chủ yếu qua thuế khoán. Nếu trở thành doanh nghiệp, họ sẽ thực hiện nghĩa vụ về thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiêp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội… từ đó mở rộng cơ sở thuế bền vững, giảm gánh nặng lên khu vực doanh nghiệp hiện hữu, góp phần tăng thu ngân sách theo hướng công bằng, minh bạch.
Khi hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp, các hộ kinh doanh có điều kiện tiếp cận tín dụng dễ hơn, ứng dụng công nghệ số, vận hành minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Đây là yếu tố then chốt giúp chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế có tổ chức, hiện đại và hội nhập quốc tế…
Liên kết "bốn nhà" để phát triển hợp tác xã điện tử
Từ thực tiễn trên, chúng tôi kiến nghị và đề xuất với Đảng, Nhà nước cần có một mô hình trung gian, linh hoạt và phù hợp với đặc thù của kinh tế hộ tại Việt Nam, cho phép các hộ kinh doanh từng bước “học làm doanh nghiệp” mà không bị áp lực thay đổi pháp lý tức thời.
Triển khai mô hình hợp tác xã điện tử – nền tảng giúp tổ chức lại khu vực hộ cá thể một cách có kiểm soát, có số hóa, có minh bạch, và có lộ trình chuyển đổi mềm sang doanh nghiệp khi đủ điều kiện. Hợp tác xã điện tử chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ theo mô hình “bốn nhà”:
Nhà nước giữ vai trò điều tiết quan trọng, với việc tạo cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện để các mô hình kinh tế tư nhân phát triển.
Nhà nghiên cứu gồm các viện, trung tâm nghiên cứu, nơi tập hợp các chuyên gia đầu ngành, xây dựng mô hình quản trị và kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên tri thức, khoa học công nghệ và các kịch bản ứng phó rủi ro.
Nhà đầu tư (doanh nghiệp) chính là các thành viên – hộ cá thể – trong hợp tác xã, đồng thời góp vốn, góp sức xây dựng doanh nghiệp chung.
Nhà dân là các hộ kinh doanh cá thể tham gia vào Hợp tác xã điện tử – hình thức kinh tế tập thể hiện đại, linh hoạt, giúp minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Bốn nhà” này hình thành một hệ sinh thái liên kết – cùng sở hữu, cùng điều hành và cùng hưởng lợi – gọi là Liên minh kinh tế phát triển bền vững dựa trên nền tảng kinh tế tri thức.

Hợp tác xã vận tải Hợp Tiến hỗ trợ tài xế đăng ký dịch vụ chạy xe công nghệ.
Hộ kinh doanh gia nhập vào các Hợp tác xã điện tử chuyển đổi số là một giải pháp rất tiềm năng và phù hợp thực tiễn Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đa số hộ cá thể ngại chuyển đổi lên doanh nghiệp vì nhiều rào cản. Giải pháp này vừa giữ được tính linh hoạt của hộ cá thể, vừa tận dụng sức mạnh cộng đồng và công nghệ để chuyên nghiệp hóa – số hóa – hợp thức hóa hoạt động kinh doanh. Đây là giải pháp “trung gian thông minh” giữa hộ cá thể và doanh nghiệp, giúp hàng triệu hộ kinh doanh từng bước vào nền kinh tế số và khu vực chính thức mà không bị ép buộc hay chịu gánh nặng hành chính.
Hợp tác xã điện tử vận hành theo Luật Hợp tác xã, kết hợp công nghệ số để cung cấp cho thành viên (hộ cá thể) các dịch vụ: Kế toán số, xuất hóa đơn thay mặt, hợp đồng điện tử; ví con tài chính riêng trong tài khoản hợp tác xã, minh bạch giao dịch; tư vấn thuế, chuyển đổi mô hình, đào tạo kỹ năng quản trị; liên kết ngân hàng để tạo lịch sử tín dụng hộ kinh doanh...
Mô hình Hợp tác xã điện tử cộng đồng, hộ cá thể là thành viên liên kết. Hợp tác xã cung cấp nền tảng công nghệ quản lý (app, web, ví điện tử, quản trị bán hàng…); hỗ trợ chuyển đổi số, hóa đơn, tài chính kế toán; thương hiệu kép, hợp đồng pháp lý, xuất hóa đơn.
Hộ kinh doanh được tham gia tự nguyện, có hợp đồng hợp tác rõ ràng, vẫn giữ độc lập về vốn – điều hành; thí điểm mô hình “Hợp tác xã chuyển đổi số hỗ trợ hộ kinh doanh” tại một số địa phương; công nhận giao dịch qua Hợp tác xã là hợp pháp, được xuất hóa đơn và kê khai thuế tập trung; uu đãi tín dụng – mặt bằng – đấu thầu – thương mại điện tử cho mô hình này; cho phép thí điểm mô hình Hợp tác xã điện tử chuyển đổi số tại một số tỉnh, thành phố từ năm 2026.
Chúng tôi trân trọng đề xuất Đảng, Nhà nước có chủ trương cho phép nghiên cứu, thí điểm triển khai mô hình Hợp tác xã điện tử ứng dụng chuyển đổi số. Đây là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mềm sang mô hình doanh nghiệp, góp phần mở rộng khu vực kinh tế chính thức, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế tập thể hiện đại.
Chúng tôi sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan và doanh nghiệp công nghệ để xây dựng đề án chi tiết, tổ chức mô hình mẫu, tiến hành đo lường hiệu quả và từng bước nhân rộng trên toàn quốc.
Nếu được quan tâm và áp dụng thành công, đến năm 2030, mô hình này kỳ vọng sẽ giúp hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện hữu cùng hàng triệu hộ mới chuyển đổi thành doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng GDP, mở rộng nguồn thu ngân sách và tạo hàng triệu việc làm cho xã hội.