Tạo điều kiện cho người dân chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững

Năm 2024, Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) được các ngành, địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp phù hợp đã khuyến khích hộ nghèo chủ động lựa chọn các mô hình sinh kế phù hợp, giảm hơn 4,6% hộ nghèo/năm.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thị Mỹ Hảo cho biết: Sở tham mưu Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp theo các dự án thành phần như: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá CTMTQG GNBV… nhằm thực hiện đồng bộ mục tiêu tổng quát giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các huyện: Bảo Lạc, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng tổ chức 29 hội nghị tập huấn CTMTQG GNBV cho 1.796 cán bộ cơ sở; 7 hội nghị nâng cao năng lực cho 652 cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp tỉnh, huyện, xã; tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về CTMTQG GNBV giai đoạn 2021 - 2025” thu hút 13.587 người tham gia. Tổ chức cho cán bộ, nhân dân đi học tập kinh nghiệm giảm nghèo tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… Triển khai đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2024 tại 4 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Trùng Khánh; kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn thực hiện các CTMTQG năm 2024 tại huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng…

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hà Quảng Nông Văn Thuận cho biết: Từ đẩy mạnh tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong chủ động tiếp cận các mô hình, dự án phù hợp. Huyện chủ động tư vấn hỗ trợ người dân đi làm việc ở các khu, cụm công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động; xây dựng các mô hình trồng cỏ voi, nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn đen, trồng gừng, thuốc lá… nên nhiều hộ nghèo chủ động chọn các mô hình sinh kế, việc làm phù hợp để vươn lên thoát nghèo. Ngoài các chương trình của Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo về đào tạo nghề, hỗ trợ cây, con giống, triển khai các mô hình giảm nghèo…, huyện huy động các nguồn lực xã hội hóa, thăm, tặng quà hỗ trợ hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn, kịp thời chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người nghèo có thêm động lực vươn lên.

Người dân xóm Hồng Việt, xã Trường Hà (Hà Quảng) phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo.

Người dân xóm Hồng Việt, xã Trường Hà (Hà Quảng) phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo.

Cho người dân lựa chọn mô hình sinh kế phù hợp đã tăng tính chủ động, giảm ngại khó vươn lên thoát nghèo. Theo Chủ tịch UBND xã Yên Lạc (Nguyên Bình) Hoàng Chàn Mình, căn cứ vào điều kiện canh tác của xã, UBND huyện định hướng xã chọn thế mạnh kinh tế rừng từ nhân rộng mô hình trồng trúc sào và tận dụng đất nương rẫy trồng dong riềng. Mở các lớp tuyên truyền về công tác giảm nghèo, được bà con đồng tình hưởng ứng. Xã công khai các chính sách, nguồn lực hỗ trợ mô hình giảm nghèo, hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn vay vốn ưu đãi nên 95% hộ trong xã chọn trồng trúc sào, dong riềng, cây lâm nghiệp... để vươn lên thoát nghèo.

Bà Chảo Mùi Chài, xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc cho biết: Gia đình tôi cho một ít đất rẫy dưới chân núi không có nước nên đã chọn trồng dong riềng, được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật nên cây sinh trưởng tốt, thu hoạch hơn 20 tấn củ/vụ, thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Với sự đồng thuận của các cấp, sở, ngành, tổ chức đoàn thể và nhân dân, các huyện, Thành phố triển khai các dự án, kế hoạch, chế độ, chính sách hỗ trợ giảm nghèo CTMTQG GNBV theo đúng tiến độ. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh phân bổ 1.174 tỷ đồng triển khai trên 200 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đầu tư và đưa vào sử dụng 99 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân tại các xã đặc biệt khó khăn và 2 cụm thông tin cơ sở tại Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh) và Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng) phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới; đầu tư xây dựng 169 công trình hạ tầng cơ sở và duy tu, bảo dưỡng 84 công trình. Năm 2024, giải ngân 288,586/543,953 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, CTMTGQ GNBV đã hỗ trợ 6.065 hộ thoát nghèo, giảm 4,67% hộ nghèo, vượt 16,5% kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 24,71% giảm xuống còn 20,04% cuối năm 2024, vượt chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Trường Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tao-dieu-kien-cho-nguoi-dan-chu-dong-vuon-len-thoat-ngheo-ben-vung-3174668.html
Zalo