Tạo đà tăng trưởng ngành công nghiệp

Với vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững. Năm 2025, TPHCM nỗ lực trong việc thúc đẩy sản xuất công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.

 Gia công chi tiết máy công nghiệp cho các công ty lớn tại một nhà máy cơ khí chính xác trong Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Gia công chi tiết máy công nghiệp cho các công ty lớn tại một nhà máy cơ khí chính xác trong Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối mặt nguy cơ suy giảm

Năm 2024, ngành công nghiệp TPHCM được ghi nhận với nhiều điểm sáng tích cực: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngành khai khoáng tăng 28,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%... Không chỉ tăng trưởng mạnh, ngành công nghiệp thành phố còn đứng trước cơ hội làm mới.

“Xu hướng chung của thế giới là đang đầu tư mạnh vào các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư có chọn lọc hơn nhằm tăng năng lực sản xuất quốc gia, phát triển các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô. Đó là những ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững”, ông Trần Phi Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, chia sẻ.

Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp khác đang đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm. Trong đó, các ngành dệt may, da giày phải cạnh tranh với các quốc gia có chi phí lao động thấp như cũng như có công nghệ sản xuất tiên tiến hơn.

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp là trụ cột của nền kinh tế nhưng “phần ngon nhất của miếng bánh” lại không thuộc về doanh nghiệp của Việt Nam.

Cụ thể, mặc dù nằm trong tốp đầu thế giới về xuất khẩu nhóm hàng điện thoại, điện tử, máy tính, thiết bị, phụ tùng… nhưng thực chất tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu phần lớn thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, chiếm đến hơn 70%.

Doanh nghiệp thuần Việt chỉ tham gia một phần rất nhỏ trong cơ cấu của tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chung, chủ yếu là chi phí gia công hoặc tham gia cung ứng những nhóm sản phẩm giản đơn, bao bì, đóng gói và linh kiện… có giá trị gia tăng thấp.

Thêm chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư

Nhằm “cởi trói” cho ngành công nghiệp phát triển, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng, các chính sách ưu đãi thuế, giảm lãi suất vay vốn, hỗ trợ xúc tiến thương mại nên được triển khai mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với đó, gia tăng hỗ trợ vốn chuyên sâu, phù hợp đến từng doanh nghiệp; rà soát điều chỉnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý, vận hành...

Đặc biệt, cần thúc đẩy hợp tác giữa chính quyền thành phố với các trường đại học và doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ thông tin, điện tử, chế tạo máy; kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư để dẫn dắt doanh nghiệp trong nước tiếp cận với những lĩnh vực mới; tiếp thu những kiến thức tư vấn quốc tế trong quy hoạch, xây dựng chính sách…

 Gia công chi tiết máy công nghiệp tại Nhà máy Cơ khí chính xác Duy Khanh (Khu Công nghệ cao TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Gia công chi tiết máy công nghiệp tại Nhà máy Cơ khí chính xác Duy Khanh (Khu Công nghệ cao TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS-TS Phạm Tiến Đạt (Trường Đại học Tài chính - Marketing) cho rằng, các giải pháp trọng điểm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp... cần phải được tính toán và sớm triển khai vào thực tế.

Trong đó, TPHCM chú trọng xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt ưu tiên phát triển các khu công nghệ cao. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, cảng biển và sân bay cũng đóng vai trò quan trọng, giúp kết nối vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, tăng cường tự động hóa và số hóa.

Các chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cần triển khai đồng bộ để tạo động lực cho các doanh nghiệp nội địa tiếp cận nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong bối cảnh khó khăn từ các thách thức kinh tế toàn cầu, việc thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp cả cải cách chính sách, đầu tư hạ tầng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo là hết sức cần thiết.

Bằng sự quyết tâm và định hướng rõ ràng, kỳ vọng ngành công nghiệp thành phố nối tiếp tăng trưởng ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của thành phố.

Ông QUÁCH NGỌC TUẤN, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM:

Định hướng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao

TPHCM hướng đến trung tâm công nghiệp công nghệ cao với 4 ngành công nghiệp trọng điểm (sản xuất điện tử; hóa dược, cao su, nhựa; cơ khí chính xác; chế biến thực phẩm, đồ uống); 5 ngành công nghiệp công nghệ cao mới (công nghệ sinh học; dược phẩm; tự động hóa - robotics; công nghiệp bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao) và 6 ngành dịch vụ hỗ trợ nhiều tiềm năng (du lịch y tế; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; thương mại điện tử; y tế và chăm sóc sức khỏe; vận tải và logistics; công nghệ giáo dục)…

Thành phố đã và đang dành nguồn lực đủ mạnh để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, trọng điểm làm nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững; tận dụng những cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các dự án hạ tầng, công nghệ cao…

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-da-tang-truong-nganh-cong-nghiep-post780544.html
Zalo