Những giải pháp nào giúp Thành phố Hồ Chí Minh đạt tăng trưởng hai con số?
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, thành phố phải hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số và hoàn thành 22 chỉ tiêu đề ra, đây là chỉ tiêu 'nặng' nhưng có điều kiện để làm được.
Chiều 5/2, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 2 năm 2025.
Các giải pháp để thành phố đạt mức tăng trưởng trên 10% năm 2025 được các đại biểu chú trọng.
Những tín hiệu tích cực
Trong tháng 1/2025, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đạt một số tín hiệu tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,5% so với cùng kỳ; tổng doanh thu du lịch tăng 42,6%; khách quốc tế tăng 18,6%; tín dụng tăng 12,8%; chi ngân sách tăng 80,24% (trong đó chi đầu tư phát triển tăng 61,84%; chi thường xuyên tăng 89,61%); kim ngạch xuất khẩu tăng 2,3% cùng kỳ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết một số chỉ tiêu kinh tế xã hội tăng cao so với cùng kỳ. Tổng mức doanh thu hàng hóa, dịch vụ đạt gần 108.000 tỷ đồng; tổng thu du lịch ước đạt trên 18.300 tỷ đồng, tăng 42,6%. Thu ngân sách đạt 72.600 tỷ đồng.
Chi ngân sách cũng nổi bật hơn với 6.151 tỷ đồng, trong đó giải ngân đầu tư công tháng 1 là 1.399 tỷ đồng. Đây cũng là những tín hiệu rất tốt.
Trong tháng 1, thành phố cũng đã công bố Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
"Đây là những kết quả rất đáng mừng, là kết quả của một quá trình và đó là nền tảng để triển khai trong thời gian sắp tới," ông Mãi chia sẻ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận 3 vấn đề còn hạn chế cần phải “mổ xẻ," có giải pháp ngay. Đó là kim ngạch xuất nhập khẩu giảm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 9%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm cũng giảm; đầu tư nước ngoài giảm 33,3% về vốn.
Theo ông Mãi, muốn tăng trưởng hai con số thì tăng trưởng công nghiệp của thành phố phải trên 10%, do đó cần phải có những chính sách cho sản xuất công nghiệp. Với xuất nhập khẩu, khối tài chính cùng với các bên liên quan phải phân tích kỹ để có giải pháp, kể cả những chính sách hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng 10%, đây là một quyết tâm chính trị rất thách thức.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết việc đề ra mục tiêu này là trên cơ sở những giải pháp đồng bộ được tập trung trong suốt giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, các số liệu kinh tế như tín dụng, tiêu dùng trong cả khu vực công và tư trong tháng đầu năm 2025 tăng cao sẽ kéo theo tăng trưởng chung của cả nền kinh tế trong các tháng sắp tới.
Theo bà Mai, thành phố cần “khoán tăng trưởng” cho một số ngành, lĩnh vực trọng yếu. Theo tính toán thống kê, các ngành có mức tăng tương ứng: Nông nghiệp tăng trên 1,2%; công nghiệp xây dựng tăng 10,7% (trong đó công nghiệp tăng 9,9%, xây dựng tăng 15,4%); dịch vụ tăng 10,4% (thương mại tăng 9,8%, vận tải tăng 14,9%, tài chính tăng 9,5%); thuế sản phẩm tăng 8,7%.
Cùng với đó, thành phố cần bố trí một số nguồn lực nhất định như giải ngân đầu tư công năm 2025 đạt trên 95% kế hoạch năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải đạt trên 600.000 tỷ đồng; bổ sung thêm khoảng 145.000 lao động, đồng thời cải thiện năng suất lao động; dư nợ tín dụng tăng trên 18%; thu ngân sách từ sản xuất tăng trên 14%.
Nhiều giải pháp thu hút đầu tư
Về giải pháp đầu tư, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thành phố sẽ triển khai các dự án đầu tư công với tổng số vốn dự kiến trên 84.000 tỷ đồng, đầu tiên và tiên quyết nhất là phải phân bổ hết toàn bộ số vốn trong quý 1/2025. Thành phố cũng dự kiến tổ chức thực hiện 10 dự án theo phương thức đối tác công tư PPP với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng trong năm 2025; tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao và văn hóa với danh mục 41 dự án.
Một trong những giải pháp để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao được thành phố chú trọng là cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, tăng cường thu hút FDI và đầu tư khu vực tư nhân.
Dự kiến năm 2025, vốn khu vực FDI đưa vào thực hiện 66.000 tỷ đồng, khu vực tư nhân còn lại khoảng 442.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn FDI dự kiến thu hút được 178.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD) thông qua cả 3 hình thức dự án mới, đầu tư mở rộng và M&A.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết thành phố sẽ tập trung triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030; chủ động chuẩn bị về cơ chế, đất đai, quy hoạch và tháo gỡ vướng mắc để sẵn sàng cho nhà đầu tư tiếp cận 84 dự án thuộc danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025 với tổng số vốn đầu tư dự kiến trên 296.000 tỷ đồng.
Thành phố cũng tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực kêu gọi nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở tận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15; chủ động chuẩn bị, thực hiện quy trình thủ tục để thu hút đầu tư đối với 11 khu vực dự kiến thực hiện TOD với tổng diện tích trên 1.107 ha ở các khu vực dọc tuyến metro số 1, metro số 2, vành đai 3.
Ngoài các nhóm giải pháp trên, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ triển khai các nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng suất; thị trường bất động sản; đẩy mạnh tiêu dùng-du lịch; tăng trưởng xuất khẩu… để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025.
Chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đánh giá thời điểm hiện nay có ý nghĩa đặc biệt, hết sức quan trọng; đòi hỏi toàn hệ thống chính trị của thành phố phải nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, đoàn kết hơn. Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số và hoàn thành 22 chỉ tiêu đề ra. Đây là chỉ tiêu "nặng" nhưng thành phố có điều kiện để làm được.
Ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu các đơn vị của thành phố triển khai các giải pháp để huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng với đó, thành phố thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tổng kinh phí chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn là hơn 1.295 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa, trong đó kinh phí Trung ương hơn 16 tỷ đồng, thành phố hơn 908 tỷ đồng, các quận huyện và thành phố Thủ Đức hơn 42 tỷ đồng, vận động hơn 283 tỷ đồng; kinh phí chúc thọ người cao tuổi là 45 tỷ đồng./.