Bộ Ngoại giao tổng kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số năm 2024 và phương hướng năm 2025
Chiều 5/2, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) của Bộ Ngoại giao.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng hoan nghênh những nỗ lực và kết quả đạt được của các đơn vị, đồng thời nhấn mạnh rằng, cải cách hành chính và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về cải cách hành chính và chuyển đổi số. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, cải thiện chỉ số đánh giá chất lượng dịch vụ công (theo Quyết định 766), phấn đấu đưa tất cả các TTHC trong nước được giải quyết toàn trình hoặc một phần trên môi trường điện tử.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh rằng trong năm 2024, Bộ Ngoại giao đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo đó, Bộ đã rà soát, đơn giản hóa TTHC, chuẩn hóa và công bố các TTHC thuộc phạm vi quản lý, cập nhật dữ liệu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Hiện đã có 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xử lý công việc giúp tăng cường tính minh bạch, giảm thời gian giải quyết thủ tục và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết, Bộ Ngoại giao đang triển khai dự án Xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025 và xây dựng danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) để kết nối với hệ thống quốc gia. Bộ đã thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong khuôn khổ Đề án 06 về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Báo cáo về công tác chuyển đổi số, ông Lê Việt Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin, cho biết, Bộ Ngoại giao đã nâng cấp hạ tầng CNTT, triển khai hơn 40.000 lượt ký số văn bản (tăng mạnh so với năm 2023); bảo đảm an toàn thông tin trước hơn 11.000 cảnh báo tấn công mạng, phát triển dữ liệu số phục vụ công tác đối ngoại.
Nhấn mạnh tinh thần “5 đẩy mạnh” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tức là đẩy mạnh rà soát quy định, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh đối thoại, xử lý bất cập trong TTHC để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số; đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng xác định, Bộ đặt mục tiêu cải thiện đáng kể Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), phấn đấu đạt vị trí trung bình khá (thứ 12-13) vào cuối năm 2025.
Nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị phụ trách tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để đơn giản hóa TTHC; tăng cường giám sát, kiểm tra triển khai kế hoạch CCHC tại các đơn vị; đẩy mạnh số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC trực tuyến, đồng bộ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia; tập trung hoàn thành dự án Chính phủ điện tử trong năm 2025, nâng cấp hạ tầng CNTT, đồng bộ hóa các hệ thống dữ liệu.
Về chuyển đổi số, Thứ trưởng yêu cầu hoàn thành các dự án công nghệ thông tin theo kế hoạch năm 2025; triển khai nhanh các hệ thống quản lý văn bản, cổng thông tin điện tử, hệ thống thông tin báo cáo; bảo đảm đồng bộ hạ tầng CNTT, không để xảy ra tình trạng gián đoạn hệ thống; sử dụng ký số trên môi trường Internet; phát triển các dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đạt 100% giao dịch sử dụng thanh toán trực tuyến.
Cải cách hành chính và chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn ngành Ngoại giao, đòi hỏi sự chủ động, quyết liệt và sáng tạo từ tất cả các đơn vị, theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động này để nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ và người dân.