Tạo đà cho thương mại điện tử, xây dựng nền kinh tế số vững mạnh

Ngành công thương tỉnh đang nỗ lực vào cuộc để hỗ trợ đơn vị sản xuất cách mở gian hàng, livestream bán sản phẩm, viết nội dung về sản phẩm...Qua đó, các hoạt động đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX).

Trên đà phát triển

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện Bình Dương có 1.835 tài khoản tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT, 11 ứng dụng bán hàng và 855 website bán hàng được thông báo. Những con số này cho thấy Bình Dương đang trên đà phát triển TMĐT mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số vững mạnh.

Sở Công Thương đã tổ chức lớp tập huấn kỹ năng giao thương qua TMĐT cho doanh nghiệp năm 2024

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết: TMĐT là xu thế tất yếu, là kênh quảng bá sản phẩm hữu hiệu trong thời đại công nghệ hiện nay. Muốn nắm bắt xu hướng của chuyển đổi số và nâng cao giá trị, lợi nhuận cũng như định vị được thương hiệu tới tay người tiêu dùng thì việc bán lẻ qua TMĐT là cách nhanh nhất.

“Thời gian qua, ngành công thương tỉnh đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị TMĐT lớn đã hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp, HTX tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên TMĐT. Cụ thể, trong năm 2024, Sở Công Thương đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ năng giao thương qua TMĐT cho doanh nghiệp. Nội dung tập huấn tập trung về các vấn đề liên quan đến việc xây kênh trên các nền tảng số, thực hành công cụ sáng tạo video, livestream, sử dụng các công cụ AI để đưa vào ứng dụng thực tiễn; cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề chính sách, tài khoản tại các trình duyệt bán hàng phổ biến hiện nay như: Tiktok, Facebook, Youtube...”.

Cũng theo Bà Nguyễn Thúy Hằng, đến nay, các đơn vị sản xuất đã đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm địa phương qua các sàn TMĐT. Các đơn vị đã định hướng quảng bá sản phẩm có thế mạnh qua các nền tảng công nghệ đến người tiêu dùng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá, trong vài năm gần đây, thị trường TMĐT ở Bình Dương ngày càng mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Cần triển khai đồng bộ

Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) cho biết thời gian qua, HTX được các cơ quan chức năng hỗ trợ tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng và đưa nông sản lên sàn TMĐT. Ông Sang cho rằng, đây là cơ hội để các HTX, nông hộ biết thêm các hình thức bán hàng mới thông qua các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, nhiều xã viên và nông dân chưa có kỹ năng sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả, chưa tiếp cận được các hình thức quảng bá và thanh toán thu mua trong thời đại chuyển đổi số. Vì thế, HTX mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhằm số hóa dữ liệu toàn bộ quy trình sản xuất cũng như kinh doanh.

Các doanh nghiệp nỗ lực thúc đẩy các kênh giao dịch TMĐT qua các hội chợ triển lãm

Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX dưa lưới Kim Long (huyện Phú Giáo) cho biết, sự đa dạng về sản phẩm và ứng dụng công nghệ hiện đại giúp nông sản Bình Dương không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có mặt trên thị trường quốc tế. Với những lợi thế sẵn có và sự quan tâm của chính quyền địa phương, nông sản Bình Dương có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

“Tại HTX dưa lưới Kim Long, song song với xuất khẩu truyền thống, HTX đang đầu tư cho mảng xuất khẩu qua TMĐT như đầu tư cho sản phẩm, bao bì, nghiên cứu hỗ trợ của các sàn TMĐT, nghiên cứu thị hiếu, xu hướng của người tiêu dùng tại thị trường đích, vận chuyển…Việc đầu tư cho chuyển đổi số, sản phẩm cũng còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi kỳ vọng khi đã xây dựng được sản phẩm, thương hiệu định vị được thị trường và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, sàn TMĐT mở rộng được thị trường mới, HTX sẽ tăng giá trị sản phẩm, lợi nhuận lớn hơn bán truyền thống và người tiêu dùng biết đến sản phẩm mang thương hiệu Việt”, ông Quyết kỳ vọng.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn khuyến nghị, để TMĐT thực sự trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương cần tiếp tục đầu tư và triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ. Cụ thể, tỉnh cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT, đẩy mạnh các chương trình đào tạo chuyên ngành, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và nhân viên trong lĩnh vực TMĐT; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng mạng internet băng thông rộng, ổn định, an toàn; xây dựng các trung tâm dữ liệu, nền tảng công nghệ phục vụ TMĐT; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng AI, Big Data, IoT... vào hoạt động TMĐT nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT để học hỏi kinh nghiệm, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường…Sở Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng và giao dịch mua bán trên sàn TMĐT, cũng như phối hợp với các địa phương tuyên truyền để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia sàn, triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

“Thực tế nhiều nông dân, HTX, doanh nghiệp địa phương rất chủ động trong hoạt động bán hàng, quảng bá sản phẩm của mình. Vấn đề hiện nay là các đơn vị sản xuất cần kết hợp giữa quảng bá và ứng dụng công nghệ vào các quy trình quản lý sản xuất, làm sao để minh bạch hóa quy trình sản xuất. Qua đó, việc làm này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tra cứu thông tin về quy trình trồng, nguồn gốc xuất xứ đến phương thức đóng gói, vận chuyển đến tay người tiêu dùng”.

(Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX dưa lưới Kim Long)

Tiểu My - Cẩm Tú

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tao-da-cho-thuong-mai-dien-tu-xay-dung-nen-kinh-te-so-vung-manh-a337719.html
Zalo