Chuyện khó nói của doanh nghiệp xuất nhập khẩu cà phê
Sang đầu niên vụ mới 2024-2025, có lúc giá cà phê chưa kịp về 100.000 đồng/ki lô gam thì lại 'nhảy cóc'. Tất cả mọi dự đoán về giá cà phê đầu mùa đều sai lệch. Chưa bao giờ thấy kinh doanh hàng nông sản với tư cách hàng hóa (commodities), đặc biệt là hai mặt hàng cà phê và ca cao, đầy yếu tố may rủi như hiện nay.
Nhiều người hay khuyên hãy dùng các sàn phái sinh, thị trường kỳ hạn để bảo vệ giá mua bán cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng hiện tượng giá chao đảo cực đoan trên mảng thị trường tài chính này trong vài năm gần đây đã khiến rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong và ngoài nước khốn đốn. Không những thế, giá biến động thất thường trên sàn có thể làm “bung” hệ thống xuất nhập khẩu, đe dọa chuỗi cung ứng hàng hóa liên quan và cũng dễ lôi cuốn nhà vườn theo con đường cũ, sản xuất và chế biến chạy theo giá kỳ hạn và sản lượng mà lơ là sản xuất bền vững.
Chuyện lạ ngay giữa mùa thu hái cà phê
Mùa thu hoạch cà phê Việt Nam đang vào rộ, ước đã hoàn thành chừng 50% của tổng diện tích chừng 650.000 héc ta. Cũng tầm thời điểm này năm 2023, nhà vườn khấp khởi phơi phóng để kịp bán giá cao chưa hề thấy quanh mức 60-65 triệu đồng/tấn. Nhưng chỉ sau đó không lâu, người nhanh tay bán trước đã thấy mình “hớ” giá. Cứ thế giá cà phê nhân loại 2 với 5% hạt đen và vỡ nhảy như ngựa phi nước đại lên đến đỉnh lịch sử được ghi nhận trong niên vụ 2023-2024 là 135.000 đồng/tấn.
Sang đầu niên vụ mới 2024-2025, có lúc giá chưa kịp về 100.000 đồng/ki lô gam thì lại “nhảy cóc”. Mới đây, thị trường trong nước giao dịch loại 2 đã chạm quanh 130.000 đồng/tấn, cao kỷ lục mọi thời đại tại thời điểm thu hoạch. Tất cả mọi dự đoán về giá cà phê đầu mùa đều sai lệch.
Chuyện kỳ quái là giá trên thị trường nội địa xoay như chong chóng. Các đại lý thu mua báo giá nguyên liệu trong một ngày có khi dao động đến cả chục ngàn đồng mỗi ki lô gam. Giả sử như sáng mua 130 triệu đồng/tấn thì chiều có thể còn 120 triệu đồng, mất 10 triệu đồng “ngon ơ”, nhưng ngược lại cũng có người kiếm được chục triệu đồng và không ngại thổ lộ “chẳng qua nhờ vận may”.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2023 giảm. Vì sao?
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết mười một tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê cả nước chỉ đạt chừng 1,2 triệu tấn, giảm 15,4% về lượng nhưng tăng 32,8%, tức 4,84 tỉ đô la Mỹ về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 11, khối lượng xuất khẩu chỉ 50.600 tấn, giảm sâu đến 47,4%, thu về 250.360 đô la giảm 0,5%, Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết. Như vậy, có thể thấy trước 2023 là năm Việt Nam có khối lượng xuất khẩu cà phê thấp nhất trong vòng chục năm đổ lại nhưng kim ngạch xuất khẩu lại đạt mức cao kỷ lục.
Dù lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm mạnh, nhưng nếu tính cả thế giới, lại tăng. Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) báo xuất khẩu cà phê toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 trên toàn thế giới đạt 137,27 triệu bao, tăng 11,7%. Lượng hụt của Việt Nam được các nước khác bù đắp, nhất là từ Brazil.
Thật ra, khi nói tới yếu tố cung - cầu, không nên đặt lên bàn cân với chỉ một bên là con số sản lượng, bên kia là lượng tiêu thụ và đi đến kết luận thiếu hay thừa hàng hóa để rồi có các suy nghĩ đơn giản như được mùa mất giá, được giá mất mùa. Năm 2023, chỉ trừ Việt Nam, hầu hết các nước sản xuất khác đều được mùa và khối lượng xuất khẩu tăng nhưng thị trường nơi nơi vẫn được mùa được giá, có sao đâu!
Nói vậy để thấy rằng có nhiều tác động khác làm cho hàng hóa không thể hoặc không muốn ra thị trường. Đó có thể do một hay nhiều tác nhân hòa quyện lại như các vấn đề tồn tại của logistics (vận tải và kho bãi), chính sách tiền tệ của mỗi nước sản xuất (lãi suất cao, tín dụng thắt chặt, tăng/hạ lãi suất liền liền), giá đầu vào cho xuất nhập khẩu quá cao khiến người mua bán chỉ dám mua bán cầm chừng, rủi ro không giao nhận được hàng hóa một khi đã ký hợp đồng do giá tăng hay giảm đột biến, nhất là những hợp đồng hàng hóa dùng các sàn kỳ hạn (futures markets) để tham chiếu.
Nhưng tác động chính làm hàng không ra được thị trường là do giá cả thị trường. Khi giá xuống liên tục, người mua trông áp lực bán ra, lúc giá tăng, đừng nói là ép được nhà vườn, sẽ không bao giờ có sức ép bán ra khi giá thị trường tăng, nhất là với cường độ phi mã như thời gian qua trên thị trường cà phê.
Cho nên việc ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trả lời phỏng vấn với phóng viên của một tờ báo trong nước chẳng có gì là quá đáng và có thể hiểu được: “Theo thống kê chính thức từ Tổng cục Thống kê do các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh báo cáo, niên vụ cà phê 2023-2024, sản lượng của Việt Nam đạt 1,9 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay”(1).
Vậy là so với nhiều nguồn dự đoán khác như của VICOFA, Bộ Nông nghiệp Mỹ… con số này cao hơn chừng vài ba trăm ngàn tấn.
Giá cả cà phê tăng cao từng chặp trong một thời gian dài thì sao không khiến “thượng nguồn tích thủy, hạ điền khan”? Đây cũng là bài toán khó để thông hàng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vì nếu lỡ bạo gan hay lỡ sẩy tay là có thể “một mất một còn”, lời lỗ lớn hoàn toàn như một ván bài may rủi.
Giá kỳ hạn lung lay, nền sản xuất và xuất khẩu bền vững
Thị trường kỳ hạn cao, giá bán tốt, lượng hàng ra đều đặn để cung ứng cho bạn hàng khắp nơi, đó là “cảnh giới” lý tưởng. Nhưng dễ gì giới đầu cơ tài chính trên các sàn kỳ hạn để yên cho các doanh nghiệp kinh doanh và các hãng rang xay yên ổn nếu nhìn từ thị trường kỳ hạn cà phê, dễ gì người đầu cơ giá lên trong nước để tiền nằm im trong két sắt.
Chuyện là trên một sàn giao dịch anh em - sàn kỳ hạn ca cao - bỗng nhiên nổi lên tin mất mùa và người bán từ Ghana tuyên bố trì hoãn giao hàng chừng 350.000 tấn, tức 50% của toàn sản lượng đã cam kết cho đến năm 2025. Có ít nhất sáu hãng kinh doanh quốc tế đã đặt mua hàng giao tháng 4-2024 với mức giá 3.000 đô la/tấn. Nghe thế, sàn kỳ hạn ca cao hoảng loạn và giật nẩy lên 11.000 đô la/tấn. Người bán ca cao Ghana không giao hàng thì cứ mỗi tấn người mua lỗ trắng 8.000 đô la trên giá, cộng với các chi phí tài chính, ngoài ra còn phải đền bù thiệt hại khi nhà kinh doanh không giao kịp hàng… và một bản tin nước ngoài bấy giờ ước các công ty bên mua thiệt hại đến ít nhất 1,2 tỉ đô la.
Thông lệ trong kinh doanh hàng hóa có sử dụng các sàn kỳ hạn liên quan làm tham chiếu, sau khi ký hợp đồng mua xong, ngay lập tức họ phải nộp tiền ký quỹ tham gia (initial margin) theo quy định của sàn và bán để giữ (bảo vệ) giá mua. Với động tác này, họ khóa mức lời dự kiến. Nhưng rủi thay, do có tin sẽ không nhận được hàng đúng thời gian giao hàng như hợp đồng, họ phải nhanh chóng mua lại hàng giấy đã bán trên sàn, thế là lỗ 8.000 đô la/tấn như đã nói. Giả sử như họ không mua lại, thì phải chịu mất sạch tiền ký quỹ do bị bắt “chặn lỗ” hoặc phải đóng tiền “quỹ duy trì vị thế” (margin call). Bán lúc 5.000, giá lên 8.000 đô la/tấn thì số tiền để duy trì là 3.000 đô la, tăng bao nhiêu, đóng bấy nhiêu tùy theo giá tăng lên mức độ nào(2).
Mới đây, trên sàn cà phê arabica New York, lại xuất hiện một cảnh tương tự. Giá kỳ hạn arabica phóng bạt mạng lên đến đỉnh cao nhất trong vòng gần 50 năm tại 335,45 cts/lb hay 7.935 đô la/tấn (29-11-2024) từ đáy lập đầu năm tại 177,20 cts/lb, tức 3.907 đô la/tấn (18-1-2024). Có ít nhất hai nhà xuất khẩu Brazil phải tìm nguồn tiền để duy trì vị thế bán bảo vệ. Người mua của họ được báo kịp thời. Phản ứng nhanh của người mua hàng thực là mua lại hàng giấy đã bán với giá cao. Theo ước tính sơ khởi, họ lỗ chừng hơn 180 triệu đô la trong vòng “một nốt nhạc” do không hy vọng hàng được giao đúng hạn theo hợp đồng. Lại thêm do giá kỳ hạn cao, chủ sàn nâng tiền ký quỹ tham gia với mức cộng thêm gần 2.000 đô la cho mỗi hợp đồng từ 7.000 lên 8.900 đô la/hợp đồng. Thế là phải một phen chạy vạy kiếm tiền đóng hoặc phải thanh lý bớt vị thế kinh doanh của mình(3). Chỉ trong vòng năm ngày giao dịch, giá từ đỉnh 335.45 cts/lb ào xuống 290.05 cts/lb (6.394,50 đô la/tấn), mất 1.540 đô la nhưng ngay sau đó ba ngày lại giật mạnh trở lại để đóng cửa tại 330.25 cts/lb (6-12-2024).
Thật ra, đã chấp nhận cuộc chơi thì phải chịu. Tuy nhiên, các thông tin như Brazil mất mùa cà phê để giới đầu cơ dùng thông tin ấy kích giá lên, cộng với các nhà đầu cơ hàng giấy nhỏ lẻ và người kinh doanh hàng thực cân đối giá theo yếu tố cung - cầu kiểu cũ, và nhất là theo cách vận hành sàn kỳ hạn hàng hóa hiện nay, các tay đầu cơ đặt giá theo các thuật toán do máy tính điều khiển một cách nhanh nhạy, hám ăn, thì nhà kinh doanh xuất nhập khẩu hàng nông sản và nhất là cà phê đều bị cột vào những cơ hội may rủi, dọa dẫm nhau bằng tin thất thiệt, hơn là vì yếu tố cung - cầu.
Nếu như mất mùa, không có hàng để cung ứng thì không bàn. Nhưng nếu có hàng, thấy vậy, để đầu cơ giá lên… thì có nên hám lợi quá không hay nên đặt một mức giá đã có lời nào đủ đảm bảo an toàn để bán đi tránh chuốc ưu sầu về sau khi giá xuống.
Giá kỳ hạn cà phê robusta tính trên giá đóng cửa tháng 3-2024 vào ngày 6-12-2024 là 5.116 đô la/tấn. Kỳ vọng giá lên chắc chắn còn được nhiều người nuôi. Nhưng đừng quên trên sàn còn một lực lượng đầu cơ giá xuống. Giá kỳ hạn robusta đầu năm nay có đáy 2.529 và chạm đỉnh tại 5.694 đô la/tấn. Nhưng đỉnh cao hơn nữa thì chưa thấy, và đáy đã xuất hiện nếu không muốn nói có lúc giá sàn robusta chỉ 300-400 đô la/tấn vào cuối thập niên 1990.
Đối với nhà vườn, lúc giá cao vẫn chờ mức cao hơn. Khi giá xuống một mình chịu trận. Nhưng thiệt hại riêng tư ấy không lớn cho bằng chuyện cả đất nước mất đi nguồn ngoại tệ đáng kể. Đừng để cà phê nằm lại khi thị trường đang gặp lúc thủy triều lên.
(1) “Lo khủng hoảng thừa khi giá cà phê biến động” tại https://nld.com.vn/lo-khung-hoang-thua-khi-gia-ca-phe-bien-dong-196241203212255198.htm
(2) “Traders face $1 billion loss on faltering Ghana cocoa supply, sources say” tại https://www.reuters.com/markets/commodities/traders-face-1-bln-loss-faltering-ghana-cocoa-supply-sources-say-2024-07-15/
(3) “Brazil Coffee Exporters Seek Debt Renegotiation” tại https://uk.finance.yahoo.com/news/brazil-coffee-exporters-seek-debt-