Thương mại điện tử Việt Nam xếp thứ ba Đông Nam Á

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam ước tính đạt 22 tỷ USD trong năm nay, xếp thứ ba Đông Nam Á.

Sự áp đảo của TMĐT không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn mà còn đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp truyền thống. Từ việc thích nghi với hành vi mua sắm thay đổi của người tiêu dùng, đến áp lực cạnh tranh trên các sàn TMĐT, khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước trước bài toán phải xoay xở thế nào để tồn tại và phát triển.

Mặc dù treo biển giảm giá "sập sàn" 50-70%, một cửa hàng thời trang trẻ vẫn đìu hiu, ngay cả trong mùa mua sắm cao điểm nhất năm. Theo cửa hàng trưởng, doanh nghiệp đang nỗ lực điều chỉnh chiến lược, từ giảm giá đến đa dạng hóa kênh bán để cải thiện tình hình kinh doanh.

Chị Nguyễn Thùy Dương - Cửa hàng trưởng Cửa hàng thời Boo, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: “Có những chương trình, chiến dịch để tiếp cận được khách hàng như truyền thông đa nền tảng, bán hàng trên sàn TMĐT. Với từng kênh bán thì chúng tôi đều có những mặt hàng riêng phù hợp với đối tượng khách hàng của kênh bán đó. Thay vì sale đồng loạt trên toàn hệ thống từ Bắc vào Nam thì chúng tôi chỉ sale ở một số điểm”.

Chi phí thuê mặt bằng cao, cạnh tranh khốc liệt về giá cùng sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng khiến việc thay đổi mô hình kinh doanh trở thành một giải pháp tất yếu.

Thị trường TMĐT Việt Nam dự kiến sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 19% mỗi năm và đạt 63 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên phí bán hàng trên các sàn ngày càng cao, đi kèm với nhiều chính sách ưu ái khách hàng nhưng lại bất lợi cho nhà bán. Làm thế nào để vừa tồn tại trong cuộc chơi TMĐT vừa giữ được lợi nhuận đang là bài toán lớn của nhiều doanh nghiệp.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-xep-thu-ba-dong-nam-a-288355.htm
Zalo