Tạo đà cho kinh tế tư nhân - Bài 1: Tăng tốc mạnh mẽ
Cùng với cả nước, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã trở thành nguồn lực quan trọng góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mới đây, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị ban hành ngày 4-5 về phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục tạo nên một luồng gió mới cho kinh tế tư nhân Tiền Giang tăng tốc.BƯỚC KHỞI ĐẦU
Đánh giá chung cho thấy, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với xu hướng này, kinh tế tư nhân của Tiền Giang cũng đã chuyển động rất mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.
Nhìn vào chặng đường đã qua mới cảm nhận được sự dịch chuyển của kinh tế tư nhân cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng có nhiều bước tiến vượt bậc. Nếu soi rọi vào chiều dài lịch sử mới thấy, kinh tế tư nhân nói riêng, ngành công nghiệp của Tiền Giang nói chung có lẽ chỉ chính thức chuyển dịch từ sau năm 1986, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới do Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra.

Ngành Dệt may của Tiền Giang không ngừng lớn mạnh.
Bởi trước đó, theo con số thống kê cho thấy, đến năm 1985, Tiền Giang chỉ có 69 xí nghiệp quốc doanh, đóng vai trò chủ đạo trong ngành Công nghiệp, trong khi còn kinh tế tư nhân hầu như chưa mang lại nhiều dấu ấn. Trước tinh thần đổi mới, kinh tế Tiền Giang bắt đầu chuyển dịch với mục tiêu của tỉnh là khôi phục và phát triển ngành Công nghiệp được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung trí tuệ, tiền của và công sức để xây dựng ngày càng lớn mạnh. Nhờ đó, trong giai đoạn 1990-2000, sản xuất công nghiệp của Tiền Giang có sự tăng trưởng liên tục.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp của Tiền Giang tăng bình quân hằng năm là 12%, trong đó năm 1993 có mức tăng đến 68%. Đến năm 2000 toàn tỉnh Tiền Giang có 4.879 cơ sở sản xuất công nghiệp, gồm 23 doanh nghiệp nhà nước, 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 4.850 cơ sở sản xuất dân doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 33.000 lao động thường xuyên và hàng chục ngàn lao động không thường xuyên khác, đóng góp khoảng 10% GDP toàn tỉnh; lúc này khu vực ngoài nhà nước đã chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu.
NHIỀU DOANH NGHIỆP RA ĐỜI
Thật ra, kinh tế tư nhân nói riêng, ngành Công nghiệp Tiền Giang nói chung sau năm 1986 chưa đa dạng, chỉ tập trung vào một số nhóm ngành tiêu biểu như: Xay xát lúa gạo, chế biến thủy - hải sản, chế biến rau quả, chế biến các sản phẩm từ dừa, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất bia nước giải khát, công nghiệp dệt may, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến gỗ…
Bên cạnh một số doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong từng lĩnh vực cũng dần ra đời. Chẳng hạn, đối với ngành chế biến thủy sản, năm 1978 tỉnh Tiền Giang đã đầu tư xây dựng Xí nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh, sau đổi thành Công ty Thủy sản Tiền Giang. Đây là doanh nghiệp nhà nước duy nhất trong tỉnh hoạt động trên lĩnh vực chế biến và kinh doanh xuất nhập khẩu thủy - hải sản. Đến năm 1994, Tiền Giang có thêm xí nghiệp đông lạnh thủy sản tư doanh được thành lập mang tên Xí nghiệp Sông Tiền, sau đổi tên thành Công ty TNHH Sông Tiền. Với sự ra đời của 2 xí nghiệp này, công suất cấp đông của toàn bộ hệ thống xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang được nâng lên 3.500 tấn/năm, đến năm 2000 lên 6.000 tấn/năm.

Thủy sản chế biến đóng góp tích cực trong kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang hiện nay.
Từ năm 1999, cả hai công ty đông lạnh thủy - hải sản của tỉnh đều có những mặt hàng chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc… trong đó sản phẩm đông lạnh từ tôm và nghêu là hai mặt hàng chủ lực. Năm 2000, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy - hải sản của tỉnh Tiền Giang đạt được 20 triệu USD. Ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của Tiền Giang tiếp tục phát triển đến nay với rất nhiều doanh nghiệp khối tư nhân ra đời và phát huy hiệu quả. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2024 ngành thủy sản xuất khẩu của Tiền Giang đã đóng góp trên 337 triệu USD, trong đó cá tra file chiếm khoảng 80%. Công ty TNHH Sông Tiền hiện vẫn đang hoạt động ổn định, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản Tiền Giang trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, từ năm 1978, Nhà máy Chế biến rau quả đông lạnh Long Định đã được tỉnh Tiền Giang xây dựng ngay trên vùng khóm nguyên liệu của tỉnh. Đây là nhà máy có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long trong thời điểm này. Đến nay, trong nhóm ngành hàng chế biến rau quả xuất khẩu cũng đã có nhiều doanh nghiệp khối tư nhân tham gia. Đến năm 2024, nhóm ngành hàng này đã đóng góp trên 112 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang.
Tuy nhiên, ở nhóm ngành hàng dệt may, điều đáng chú ý là đến năm 2000 Tiền Giang đã phát triển mạnh mẽ với các xí nghiệp được trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại, như: Xí nghiệp May Mỹ Tho, Công ty May xuất khẩu Tiền Tiến, Xí nghiệp May Tiền Giang, Xí nghiệp May Nhà Bè và nhiều cơ sở may tư nhân khác. Song, dấu ấn đặc biệt đối với kinh tế tư nhân của Tiền Giang, nhất là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được ghi nhận ở sự ra đời của Công ty Liên doanh BGI Tiền Giang vào năm 1993, với vốn đầu tư là 43 triệu USD và công suất thiết kế ban đầu là 50 triệu lít bia, nước ngọt có gaz/năm…
Chạy dọc chiều dài lịch sử, kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục chuyển động, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiền Giang cũng không ngừng kiến tạo môi trường đầu tư để kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển.
A.P
(Còn tiếp)