Tạo cơ chế thúc đẩy giao thoa, chuyển đổi giữa lao động khu vực công và tư nhân

Rào cản thể chế đang hạn chế sự phát triển và hiểu biết lẫn nhau giữa khối lao động Nhà nước và tư nhân. Đại biểu Quốc hội đề nghị lần sửa đổi này của Luật Cán bộ, công chức phải tạo cơ chế để thúc đẩy giao thoa lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân; thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương về vấn đề này.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 7/5 các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Tạo cơ chế linh hoạt chuyển đổi lao động công và tư

Góp ý về Dự thảo Luật Cán bộ, công chức, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, đây là cơ hội gần nhất để khơi thông sự giao thoa và chuyển đổi lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân.

Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ, chiều 7-5. Ảnh: Như Ý

Các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thảo luận tại tổ, chiều 7-5. Ảnh: Như Ý

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện nay, rào cản thể chế đang hạn chế sự phát triển và hiểu biết lẫn nhau giữa hai khối. Khoảng cách giữa khu vực Nhà nước và tư nhân ngày càng lớn, khiến cán bộ Nhà nước thiếu hiểu biết về thực tiễn xã hội, các loại hình kinh doanh và hoạt động kinh tế, văn hóa. Điều này dẫn đến sự lạc hậu, cứng nhắc, tự ti, thiếu khả năng quản lý, quản trị các lĩnh vực phức tạp.

Đại biểu cho rằng, hệ thống quy định hiện hành về tuyển dụng công chức, với các giới hạn về độ tuổi, kinh nghiệm và kỳ thi, đang ngăn cản sự giao lưu lao động. Sự thiếu giao lưu này là rào cản lớn cho sự phát triển và nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Từ thực tế đó, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh đề nghị lần sửa đổi này của Luật phải tạo cơ chế để thúc đẩy giao thoa lao động giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị và Trung ương về vấn đề này.

Việc khơi thông giao thoa lao động không chỉ giúp cán bộ Nhà nước hiểu rõ hơn thực tiễn xã hội, mà còn nâng cao hiệu quả quản trị, đưa các loại hình kinh doanh, kinh tế và văn hóa tiến gần hơn với đời sống thực tế. "Đây là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện nền quản trị quốc gia" - đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Cùng quan tâm đến vấn đề chuyển giao lao động giữa khu vực công - tư, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đảm bảo tính liên thông trong công tác cán bộ, đặc biệt giữa khu vực công và tư.

"Hiện nay, chuyển từ khu vực tư sang công rất khó khăn, trong khi chuyển từ công sang tư dễ hơn. Tôi cho rằng cần khắc phục để tạo cơ chế linh hoạt, đảm bảo “vào khó, ra dễ, lên được, xuống được”... Tôi mong các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý để bảo đảm chất lượng dự thảo" - đại biểu Tạ Đình Thi nêu.

Quang cảnh thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ 9 - Ảnh: Media.quochoi.vn

Quang cảnh thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ 9 - Ảnh: Media.quochoi.vn

Đánh giá cán bộ dựa trên hiệu quả công việc

Đối với quy định về đánh giá cán bộ, công chức tại điều 19, Dự thảo Luật, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị quy định cụ thể việc áp dụng cơ chế đánh giá dựa trên chỉ số hiệu quả công việc (KPI) và lấy ý kiến phản hồi từ người dân, doanh nghiệp. Cơ chế này sẽ bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng và là tiền đề cho các khâu khác trong công tác cán bộ, như bổ nhiệm, khen thưởng, hoặc kỷ luật.

Liên quan tới chính sách với người có tài năng trong hoạt động công vụ tại điều 5, đại biểu Tạ Đình Thi bày tỏ lo ngại khi hiện nay giao Chính phủ quy định chi tiết và cho biết, nếu không quy định cụ thể trong luật, các chính sách ưu đãi sẽ thiếu tính khả thi, đặc biệt khi có sự chồng chéo với các luật khác. Đại biểu đề nghị đưa các quy định về ưu đãi người có tài năng vào luật để bảo đảm tính thống nhất và khả thi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) cũng cho rằng, quy định tại điều 5 hiện nay chưa rõ ràng. Việc xác định thế nào là người có tài năng vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

"Nghị định 140 quy định chế độ thu hút, ưu đãi cho người có tài năng, như thủ khoa, người tốt nghiệp xuất sắc, hoặc đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, liệu những người này có thực sự là người có tài năng trong hoạt động công vụ hay không cần được xem xét kỹ lưỡng” - đại biểu Phương Thủy nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) tham gia thảo luận tại tổ - Ảnh: Media.quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) tham gia thảo luận tại tổ - Ảnh: Media.quochoi.vn

Dẫn chứng từ thực tiễn nhiều người được tuyển dụng theo Nghị định 140 vẫn cần đào tạo, hướng dẫn và trải qua thời gian tập sự để đáp ứng yêu cầu công việc, đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị luật bổ sung quy định về thời gian thử thách, từ 6 tháng đến 1 năm, cho người được tuyển dụng với chế độ ưu đãi. Trong thời gian này nếu không phát huy được năng lực, họ phải rời vị trí để nhường chỗ cho người khác, thay vì giữ nguyên chỉ vì từng được coi là có tài năng. Chính sách ưu đãi cần đi đôi với trách nhiệm cụ thể, đánh giá dựa trên hiệu quả công việc thực tế, không chỉ dựa trên thành tích trước đó.

Cùng góc nhìn này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng cho rằng việc tuyển chọn người tài, nhân tài cần có thời gian tập sự, thử việc để đánh giá họ có phù hợp với vị trí việc làm đó không.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, phần giải thích từ ngữ không giải thích về "người có tài năng trong hoạt động công vụ" nên dẫn đến 2 cách hiểu khác nhau: người có tài năng được thu hút vào hoạt động công vụ và người hoạt động công vụ có tài năng. Đại biểu đề nghị giải thích rõ khái niệm này.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: P. Thắng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: P. Thắng

Thảo luận tại tổ Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức là dịp để thay đổi toàn diện tư duy, triết lý cho nền công vụ và công chức nước ta. Trong đó xác lập rất rõ vị trí việc làm, vì đây là công cụ, sợi chỉ xuyên suốt, trung tâm, cốt lõi cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật.

Theo Bộ trưởng, lần sửa đổi này vẫn giữ ngạch công chức trong vị trí việc làm. Đây được xem là công cụ kỹ thuật để phân định thứ bậc cho công vụ của nước ta, nếu bỏ đi sẽ rất khó phân định. “Chúng ta vẫn giữ ngạch này để triển khai và thực hiện cải cách tiền lương. Nếu bỏ ngạch công chức đi sẽ rất khó thiết kế các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, phải khắc phục được tư duy biên chế suốt đời. Bởi nếu cứ vào được biên chế, ngồi chắc vị trí là không có chuyện ra khỏi biên chế. Vì vậy phải thiết kế làm sao cho có vào có ra, dứt điểm xóa bỏ biên chế suốt đời. Muốn như vậy phải thực hiện 2 công cụ gồm đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm và sử dụng cơ chế hợp đồng (hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học, vị trí việc làm). Đây là một xu hướng chung trên thế giới, đã được giải trình thỏa đáng với Chính phủ.

“Tới đây sẽ có ban hành nghị định riêng về đánh giá, có KPI, dữ liệu để đánh giá, lấy sản phẩm công việc làm thước đo, không định tính chung chung" - Bộ trưởng thông tin.

Phong Châu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-co-che-thuc-day-giao-thoa-chuyen-doi-giua-lao-dong-khu-vuc-cong-va-tu-nhan.697155.html
Zalo