Tạo bứt phá trong năm cuối 2025
Theo đánh giá của UBND tỉnh, phong trào thi đua 'Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)' và phát động phong trào thi đua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã thu hút sự quan tâm, tạo không khí thi đua giữa các địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM (Chương trình). Bên cạnh những mặt tích cực, quá trình thực hiện còn những khó khăn nhất định, trong đó chỉ tiêu, mục tiêu về xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM chưa đạt theo kế hoạch, lộ trình đề ra.
Nhiều hạn chế, vướng mắc
UBND tỉnh đánh giá, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật thực hiện Chương trình ngày càng hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều văn bản bộ, ngành, Trung ương tiếp tục xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện, hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định trong quá trình thực hiện. Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cấp xã một số nơi vẫn còn lúng túng trong thực hiện Chương trình. Chất lượng quy hoạch xây dựng NTM nhiều xã còn thấp, chưa sát với nhu cầu thực tế, khó thu hút các dự án đầu tư. Cùng với đó, nguồn lực thực hiện chưa đáp ứng mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình đề ra; tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc đầu tư, xây dựng hạ tầng tại một số địa phương.
Theo ngành chức năng, với góc nhìn toàn diện, nguyên nhân của những hạn chế là do xây dựng NTM là chương trình lớn, bao trùm tất cả các lĩnh vực phát triển của xã hội thuộc địa bàn nông thôn, nhiều nội dung toàn diện, thực hiện liên tục trong thời gian dài, nhưng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, đa số kiêm nhiệm, thường xuyên có sự luân chuyển công tác. Văn bản nguồn quá nhiều, một số chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nhưng chậm được sửa đổi. Chưa có mô hình NTM thật sự tiêu biểu, nổi trội để các địa phương khác học tập, nhân rộng.
Bên cạnh đó, một số ít thành viên trong cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa năng động, sáng tạo, có tâm lý trông chờ cấp trên; chưa thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc đề ra mục tiêu, tổ chức thực hiện; chậm rà soát, điều chỉnh, bổ sung đề án xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế.
Công tác quản lý quy hoạch một số nơi chưa chặt chẽ, nhất là quản lý sản xuất, quản lý xây dựng công trình. Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cơ quan, đơn vị ở một số nơi trong tuyên truyền, thực hiện chưa thường xuyên, liên tục, thiếu hiệu quả. Một bộ phận người dân chưa thấy được vai trò chủ thể và là người thụ hưởng trong xây dựng NTM, chưa chủ động thực hiện các phần việc của mình, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên một số lĩnh vực chưa nhịp nhàng, chặt chẽ; một số sở, ngành chưa thật sự chủ động trong hướng dẫn, hỗ trợ cấp huyện, cấp xã thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc lĩnh vực phụ trách. Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc một số nơi ở cơ sở hiệu quả hoạt động thấp; công tác chỉ đạo, theo dõi địa bàn, kiểm tra, giám sát của một vài cơ quan, đơn vị được phân công chưa thường xuyên, liên tục.
Tại huyện Trần Văn Thời, ông Hồ Song Toàn, Phó chủ tịch UBND huyện, cho biết, huyện có 11/11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Qua rà soát theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, bình quân đạt 10,9 tiêu chí/xã đạt chuẩn. Huyện đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM.
Ông Toàn cho biết thêm, mặc dù trong xây dựng NTM tại địa phương có nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn khó khăn. Thực tế đã qua cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động chưa toàn diện, người dân từng lúc, từng nơi chưa phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư. Công tác quản lý tài nguyên, môi trường, trật tự xây dựng, an toàn giao thông từng lúc chưa đạt yêu cầu; một số phong trào văn hóa, thể dục thể thao duy trì hoạt động chưa thường xuyên. Việc nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả còn ít, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng; việc liên kết chuỗi sản xuất chưa nhiều, chất lượng hoạt động một số hợp tác xã chưa cao...
![Xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP nhằm tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là giải pháp được hướng đến. (Ảnh chụp tại cơ sở của chủ thể OCOP Ánh Kua, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_621_51462636/d1df67595717be49e706.jpg)
Xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP nhằm tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là giải pháp được hướng đến. (Ảnh chụp tại cơ sở của chủ thể OCOP Ánh Kua, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi).
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, nhìn nhận, trong xây dựng NTM tại địa phương vẫn có những khó khăn, hạn chế cần được nhìn nhận. Trọng tâm là cấp ủy và chính quyền một số xã chưa thật sự năng động, quyết liệt trong tổ chức, triển khai, kiểm tra việc thực hiện. Việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, liên kết tiêu thụ, phát triển sản xuất tạo việc làm, nâng cao thu nhập còn nhiều khó khăn, hạn chế; cảnh quan môi trường, an toàn thực phẩm chưa được cải thiện rõ nét. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa thật sự phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM; các tiêu chí không cần vốn, như thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, bảo hiểm y tế, cảnh quan môi trường, an ninh trật tự... đã đạt nhưng chưa ổn định và bền vững. Công tác vận động, tuyên truyền tuy được tập trung nhưng chưa rộng; nghiệp vụ và kỹ năng vận động cộng đồng còn hạn chế...
Quan tâm địa bàn đặc biệt khó khăn
Năm 2025, tỉnh tiếp tục quán triệt, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thực hiện thường xuyên, liên tục, theo chiều sâu, bền vững; phát huy sự chủ động, sáng tạo của người dân; trọng tâm hướng đến nâng cao nhanh đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Quan tâm các xã đặc biệt khó khăn chưa đạt chuẩn NTM, các xã đạt dưới 15 tiêu chí (đặc biệt là 3 xã đạt dưới 10 tiêu chí); đảm bảo các xã đạt chuẩn NTM duy trì chuẩn theo bộ tiêu chí mới, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, liên tục, bền vững; bám sát yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, tăng tốc thực hiện, tạo bứt phá trong năm 2025, là năm cuối thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025.
![Trong xây dựng NTM, UBND tỉnh yêu cầu cần tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong dân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_621_51462636/ae7017f627b8cee697a9.jpg)
Trong xây dựng NTM, UBND tỉnh yêu cầu cần tăng cường công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong dân.
Cà Mau phấn đấu đến cuối năm 2025 có từ 60% số ấp (tương đương 47 ấp) thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM (từ 66/82 xã trở lên đạt chuẩn NTM, chiếm 80%); 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (từ 20/66 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 30%); 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM; không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 18 tiêu chí/xã trở lên. Củng cố, nâng chất các tiêu chí trên địa bàn các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao theo quy định bộ tiêu chí mới; tiếp tục chú ý việc rà soát, chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn xây dựng kế hoạch nâng chất, đảm bảo không bị thu hồi quyết định công nhận.
![Toàn tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% (trong đó, dân số nông thôn tham gia bảo hiểm y tế chiếm 96,41%).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_621_51462636/75d2c954f91a1044490b.jpg)
Toàn tỉnh có tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% (trong đó, dân số nông thôn tham gia bảo hiểm y tế chiếm 96,41%).
Ðể thực hiện đạt các mục tiêu trên, tỉnh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, vận động; tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cà Mau chung sức xây dựng NTM". UBND tỉnh yêu cầu, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, chú trọng đổi mới phương thức tuyên truyền phù hợp, nâng cao hơn nữa ý thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân cùng vào cuộc thực hiện các mục tiêu Chương trình. Mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể các cấp, các ngành phải có việc làm cụ thể, thiết thực về xây dựng NTM, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị.
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thống nhất về nhận thức, đồng thuận về quan điểm để tuyên truyền, vận động, chỉ đạo xây dựng NTM "từ nhà ra ngõ, từ ấp lên xã, từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh”; xác định rõ vai trò chủ thể của người dân nông thôn quyết định các nội dung, nhiệm vụ xây dựng NTM theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”...