Đổi mới sáng tạo - chìa khóa để Việt Nam chuyển mình và bứt phá trong kỷ nguyên mới
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được xác định là một ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo đà bứt phá trong kỷ nguyên mới. Nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với Tạp chí Công Thương về những nội dung này.
![Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: MPI)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_503_51465036/7c3c196a2924c07a9935.jpg)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: MPI)
Nhiều thuận lợi để khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực
PV: Rất nhiều quốc gia đã sử dụng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy áp dụng những chiến lược kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Với Việt Nam, theo ông, đổi mới sáng tạo sẽ đưa kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá thế nào trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để Việt Nam chuyển mình và bứt phá trong bối cảnh kỷ nguyên mới đầy biến động và cơ hội. Trên thế giới, các trung tâm đổi mới sáng tạo đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và năng lực sáng tạo. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này và chúng ta đang đặt đổi mới sáng tạo vào trung tâm chiến lược phát triển quốc gia. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra quan điểm: “Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, trong đó cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực”.
Đổi mới sáng tạo giờ còn mang tính cạnh tranh quốc gia thay vì chỉ ở cấp độ doanh nghiệp. Cuộc "chạy đua" thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 giữa các nước trong khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc nâng cấp khu Zhongguancun ở Bắc Kinh, thành lập một loạt trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo để thực hiện chiến lược Made in China 2025; Thái Lan mới đưa vào hoạt động True Digital Park vào năm 2018; Indonesia đưa vào hoạt động một trung tâm tại Yogyakarta từ năm 2016; hay Malaysia với công viên công nghệ Kuala Lumpur…
Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo.
Thứ nhất, lực lượng lao động trẻ, năng động và giàu trí tuệ đang trở thành nền tảng cho các sáng kiến mới.
Thứ hai, Chính phủ đã và đang tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tiêu biểu là việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Đây không chỉ là nơi kết nối các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và start-up, thu hút các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu, cả người Việt Nam và nước ngoài đến đây làm việc mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm... đến Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo sẽ giúp Việt Nam chuyển từ nền kinh tế thâm dụng lao động sang nền kinh tế dựa trên tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Điều này không chỉ giúp chúng ta nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, mà còn mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng và thúc đẩy doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. Quan trọng hơn, đổi mới sáng tạo không chỉ là một chiến lược kinh tế mà còn là sứ mệnh quốc gia, giúp nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tăng trưởng xanh
PV: Bộ trưởng vừa nhắc tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo mang tới cơ hội thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng, xin ông chia sẻ quan điểm và mục tiêu thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm tới trong bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tăng trưởng xanh?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng, thời điểm để tăng tốc, bứt phá và về đích để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn phát triển mới (2026-2030) với tâm thế sẵn sàng bước vào “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Theo đó, Việt Nam đã và đang tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nằm trong xu hướng chung của thế giới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư trong các lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tăng trưởng xanh. Đây cũng chính là các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đã được nêu tại Nghị quyết số 50/NQ-TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Cụ thể:
(i) Thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo: ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng thông minh, năng lượng sạch, và công nghệ xanh. Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp nước ngoài trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các lĩnh vực này.
(ii) Phát triển kinh tế xanh và bền vững: Với cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án đầu tư vào công nghiệp xanh, năng lượng sạch và phát triển đô thị bền vững.
(iii) Phát triển tài chính số và tài chính xanh: với sự phát triển của công nghệ tài chính (fintech) và nhu cầu chuyển đổi số, Việt Nam sẽ thúc đẩy các sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực tài chính số và tài chính xanh. Thông qua đó, hợp tác để phát triển hệ sinh thái tài chính số và thúc đẩy các sáng kiến tài chính bền vững.
5 động lực chủ yếu để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025
PV: Đối với phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần có những kế hoạch và đột phá gì để có thể đạt được mục tiêu đề ra?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nước ta bước vào năm 2025 trong tâm thế mới, bản lĩnh, tự tin cùng khí thế quyết tâm cải cách, đổi mới, đột phá trong cả hệ thống chính trị, hướng tới đạt kết quả cao nhất Kế hoạch 05 năm 2021-2025, chào mừng Đại hội XIV của Đảng và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Trong bối cảnh đó, mặc dù tình hình thế giới dự báo tiếp tục rất khó khăn, thách thức, Chính phủ quyết tâm yêu cầu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, cao hơn mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị. Đây là mức tăng trưởng cao, nhiều thách thức, nhưng có thể đạt được và cần quyết tâm đạt được để tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới.
Tôi xin nhấn mạnh 05 động lực chủ yếu sau đây:
(1) Sự đoàn kết, tinh thần đột phá, đổi mới của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và ủng hộ của bạn bè quốc tế.
(2) Những thành tựu phát triển năm 2024 được tiếp nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Các ngành, các địa phương động lực phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh phải phấn đấu tăng trưởng 8-10% để phát huy vai trò đầu tàu hơn nữa.
(3) Tiếp tục đẩy mạnh 03 đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá” để tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng cho phát triển.
Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.
(4) Sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và triển vọng tăng trưởng, phát triển của nước ta. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
(5) Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực…
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.