Kỳ vọng đột phá trong đầu tư công

Năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm nay, các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư sẽ bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ giao là 825,9 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 31/1/2025, các bộ, ngành, và địa phương đã phân bổ chi tiết 741,1 nghìn tỷ đồng, đạt 89,7% kế hoạch; trong đó, vốn ngân sách trung ương chiếm 310,1 nghìn tỷ đồng (88,6%) và vốn ngân sách địa phương đạt 431 nghìn tỷ đồng (90,6%).

Luật Đầu tư Công đã có hiệu lực từ đầu năm 2025 với kỳ vọng sẽ tạo những đột phá, giải phóng nguồn lực đầu tư công. Ảnh: Xuân Hoa.

Luật Đầu tư Công đã có hiệu lực từ đầu năm 2025 với kỳ vọng sẽ tạo những đột phá, giải phóng nguồn lực đầu tư công. Ảnh: Xuân Hoa.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê mới đây cho hay, hoạt động đầu tư trong tháng 1/2025, tập trung chủ yếu vào việc phân khai kế hoạch vốn năm 2025, các công trình mới được bố trí vốn đang trong thời gian chuẩn bị hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên khối lượng thực hiện chủ yếu tại các công trình chuyển tiếp.

Do đó, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 4,1% so với kế hoạch năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 1/2025 ước đạt 35,4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,1% kế hoạch năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, bằng 3,7% kế hoạch năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đạt 3 nghìn tỷ đồng, giảm 2,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 591,3 tỷ đồng, tăng 88,6%; Bộ Y tế đạt 107,6 tỷ đồng, tăng 186,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 60,4 tỷ đồng, tăng 39,8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 45,1 tỷ đồng, tăng 20,3...

Cùng với đó, vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý đạt 30,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,2% kế hoạch năm và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đặc biệt là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hoàn thành các mục tiêu phát triển đề ra.

“Để đạt hiệu quả cao nhất, các bộ, ngành, và địa phương cần tiếp tục nỗ lực, phối hợp chặt chẽ và giải quyết nhanh các vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo sử dụng nguồn lực đầu tư một cách hiệu quả và bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, chuyện sớm phân bổ chi tiết cho các chương trình, dự án là điều quan trọng. Ở góc độ khác, việc nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án cũng là điều kiện tiên quyết để ngay khi có vốn, dự án có thể được đưa vào thực hiện, giải ngân, không để tình trạng "vốn chờ dự án" như lâu nay.

Đặc biệt, Luật Đầu tư Công đã có hiệu lực từ đầu năm 2025 với kỳ vọng sẽ tạo những đột phá, giải phóng nguồn lực đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước...

Nói về những kỳ vọng đột phá trong năm 2025 từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian tới, vẫn cần phải mạnh dạn giao hoặc sử dụng kinh nghiệm của khu vực tư nhân nhiều hơn.

Theo đó, nếu có cách làm phù hợp để tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân lớn, có năng lực trong triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, thông qua các hình thức như hợp đồng xây dựng - triển khai - chuyển giao (có thể dưới dạng BT) sẽ giúp giảm gánh nặng quản lý, triển khai dự án cho cơ quan nhà nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2025, để đầu tư công tiếp tục phát huy tốt vai trò là động lực tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế, trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa nguồn vốn vào nền kinh tế, thông qua một số giải pháp, cụ thể: phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch đã đặt ra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

“Cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong toàn thể hệ thống chính trị; phát huy hiệu quả của các Tổ công tác của Chính phủ, tiếp tục thực hiện cơ chế Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương định kỳ để kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tạo sự chủ động cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Thúy Hiền

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-vong-dot-pha-trong-dau-tu-cong-10299809.html
Zalo