Tạo bản sắc riêng hấp dẫn hơn cho lễ hội

Những năm gần đây, các chương trình lễ hội trên khắp cả nước đều được đẩu tư chỉn chu và bài bản không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa mà còn kích cầu du lịch, thu hút du khách đến với địa phương. Để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch năm 2025, việc tạo dựng bản sắc riêng độc đáo cho lễ hội càng trở nên cấp thiết.

 Lễ hội Gò Đống Đa năm 2025 được ứng dụng thêm nhiều yếu tố hiện đại hấp dẫn hơn

Lễ hội Gò Đống Đa năm 2025 được ứng dụng thêm nhiều yếu tố hiện đại hấp dẫn hơn

Là đạo diễn dàn dựng các tiết mục, âm nhạc, vũ đạo cho các nghệ sĩ, NTK Minh Hạnh có dịp tìm hiểu và lồng ghép các hoạt động lễ hội đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên như: Lễ hội Cồng Chiêng, Lễ cúng Lúa mới, Lễ cúng bến nước,… Việc kết hợp giữa thời trang thổ cẩm và các hoạt động đời sống phong phú của đồng bào Tây Nguyên khiến công chúng thưởng thức có thêm nhiều góc nhìn và trải nghiệm về văn hóa.

NTK Minh Hạnh cho biết: "Chúng tôi muốn nghệ thuật hóa những giá trị rất bình dị trong cuộc sống để những giá trị đó tạo ra sinh kế tốt cho đồng bào, nhất là những vùng đất đặc trưng như Tây Nguyên".

Gần đây, tại Hà Nội, quy mô Lễ hội gò Đống Đa 2025 được cho là lớn nhất từ trước đến nay trong thời gian 3 ngày đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách từ khắp nơi về dự. Chương trình kể câu chuyện lịch sử theo cách thức hiện đại và mới mẻ.

Đạo diễn Mai Thanh Tùng - Tổng đạo diễn chương trình - đặc biệt chú trọng vào yếu tố văn hóa, lịch sử, tôn vinh công đức vua Quang Trung kết hợp các màn biểu diễn với những công nghệ hiện đại, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử chạm đến mọi giác quan.

Hay như chương trình Lễ hội "Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo" tại huyện Bù Đăng (Bình Phước) vừa qua đã tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S'tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Điều đặc biệt là qua chương trình, du khách biết đến Bom Bo không chỉ với truyền thống hào hùng cách mạng, mà còn là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc, phong phú, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống kỹ thuật chế biến rượu cần của người S'tiêng; nghề dệt thổ cẩm của người Mơ Nông; nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S'tiêng. Cùng với đó là hình ảnh lễ cầu mưa, mừng lúa mới, kết bạn cộng đồng, những trận chiến của quân và dân Bom Bo… đã góp phần tạo nên một "bảo tàng văn hóa" phong phú, đặc sắc.

Theo đạo diễn Ngọc Sang, người thực hiện chương trình, đầu xuân là những ngày diễn ra lễ hội ở khắp mọi nơi, các địa phương cũng thực hiện nhiều chương trình lễ hội. Nhiều lễ hội do nhân dân địa phương và các đoàn thể "đạo diễn". Cũng có một số địa phương mời các đạo diễn riêng cho chương trình. Dù là lựa chọn nào, thì sự góp sức của người dân tại chính địa phương đó là hết sức quan trọng.

"Người đạo diễn muốn mang hơi thở mới, hơi thở của đương đại vào các tiết mục nhưng vẫn phải dựa vào tinh thần, lòng yêu nước của người bản địa" - đạo diễn Ngọc Sang bày tỏ

"Người đạo diễn muốn mang hơi thở mới, hơi thở của đương đại vào các tiết mục nhưng vẫn phải dựa vào tinh thần, lòng yêu nước của người bản địa" - đạo diễn Ngọc Sang bày tỏ

"Một số ý kiến cho rằng chương trình lễ hội nên mời các đạo diễn có chuyên môn về dàn dựng thì mới có tính chuyên nghiệp. Nhưng tôi nghĩ rằng, mỗi một chương trình đều có một sự lựa chọn. Và đôi khi có những chương trình cần có những bàn tay đạo diễn của chính người dân địa phương và các đoàn thể ở nơi đó trực tiếp thực hiện mới thành công được. Để có được sự thành công cần sự góp sức của rất nhiều người, từ đạo diễn, giám đốc sản xuất, ê kíp thực hiện chương trình, các nghệ sỹ tham gia biểu diễn,… kết hợp cùng với người dân địa phương mới tạo nên sức hút, thành công lớn cho chương trình", đạo diễn Ngọc Sang cho biết.

Đạo diễn Ngọc Sang cho biết thêm, trong một chương trình lễ hội đều phân ra các phần, các chương. Một phần làm đa dạng cho chương trình lễ hội, nhưng một phần cũng đáp ứng nhu cầu thị hiếu người nghe. Ví dụ phần đầu thường là phần Lễ, khán giả sẽ được thưởng thức những ca khúc mang đậm màu sắc âm hưởng của quê hương, đất nước thường dành cho thế hệ lớn tuổi nghe. Nhưng phần sau là phần Hội, với chủ đề tươi mới hơn, trẻ trung hơn dành cho giới trẻ.

Với góc nhìn của một đạo diễn, đạo diễn Ngọc Sang cho rằng, ngày nay chương trình lễ hội có nhiều đổi mới, nhưng dù có đổi mới, sáng tạo thì vẫn phải giữ cái lõi, cái hồn, cái thuần túy của truyền thống dân tộc. Người đạo diễn muốn mang hơi thở mới, hơi thở của đương đại vào các tiết mục nhưng vẫn phải dựa vào tinh thần, lòng yêu nước của người bản địa.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tim-mau-sac-rieng-cho-le-hoi-20250207192359681.htm
Zalo