Tăng xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường

Xúc tiến thương mại (XTTM) là một trong những giải pháp được tỉnh rất quan tâm. Mục tiêu là để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Trong đó, tỉnh chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ vào XTTM để quảng bá sản phẩm, thương hiệu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng và Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh tham quan gian hàng gốm tại Festival Gốm Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Thành

Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng và Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh tham quan gian hàng gốm tại Festival Gốm Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Thành

Hơn 5 năm qua, kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu gặp nhiều biến động, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng. Tại Đồng Nai, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ và xuất khẩu vẫn giữ được ổn định và có những bước tăng trưởng cao từ 10-13%/năm. GRDP của tỉnh tăng cao hơn bình quân của cả nước.

Vững bước tiến vào sân chơi toàn cầu

Hiện nay, đa số các DN đều nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, từng bước tham gia vào chuyển đổi số để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đối tác, cũng như người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Chuyển đổi số trong XTTM giúp cho các DN, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh… tiếp cận khách hàng, thị trường nhanh hơn. Vì thế, các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất cũng kịp thời nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng để lên kế hoạch sản xuất cho ngắn hạn, dài hạn và đưa ra thị trường các sản phẩm phù hợp, giảm được nhiều thời gian, chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.

Thực tế, từ cách đây 8-10 năm, chuyển đổi số trên các lĩnh vực đã được Chính phủ, các bộ, ngành nhắc đến và khuyến khích các DN, hợp tác xã tham gia. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, các DN mới thực sự quan tâm và dành nguồn vốn đầu tư vào công nghệ thông tin để chuyển đổi số mạnh mẽ. Đặc biệt, vào năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, các chủ DN, khách hàng gặp khó khăn trong việc đi lại để trao đổi trực tiếp và ký kết các đơn hàng thì ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số càng trở lên quan trọng. Khi đó, hầu hết các DN đều ưu tiên đầu tư cho chuyển đổi số, kết nối giao thương với đối tác, trao đổi trực tuyến. Nhiều đơn hàng vẫn được ký kết mà DN, đối tác không cần gặp trực tiếp. Điều này góp phần giúp hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trên toàn cầu.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gốm Hiến Nam (ở thành phố Biên Hòa) Hoàng Ngọc Hiến cho hay, khoảng 4-5 năm trở lại đây, công ty ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm với khách hàng trong và ngoài nước. Khách hàng có thể chuyển tải những nội dung về sản phẩm mà không cần trực tiếp tới công ty. Qua thông tin khách hàng gửi, DN sẽ tư vấn, thiết kế sản phẩm phù hợp với yêu cầu.

Nhiều DN cho biết, chuyển đổi số giúp cho DN giảm bớt nhiều thời gian, chi phí cho việc đi lại quảng bá sản phẩm; trong khi các khách hàng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu sản phẩm qua website của DN, hợp tác xã; sau đó, có thể chọn lựa chọn, đặt hàng những sản phẩm phù hợp với yêu cầu.

Chính phủ xác định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong XTTM là giải pháp tạo đột phá trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Do đó, ngày 22-11-2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1968/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM năm 2021-2030. Mục tiêu là để xây dựng, phát triển hệ sinh thái XTTM số, lấy DN làm trung tâm, lợi ích mang lại cho DN trong việc tiếp cận thị trường là thước đo đánh giá sự thành công của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM.

Ngay sau đó, Bộ Công thương có Công văn số 8425/BCT-XTTM để triển khai Quyết định 1968 của Chính phủ. Tháng 3-2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã ký ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo Phó giám đốc phụ trách Trung tâm XTTM Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh, trong quý II-2025, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định, cơ chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM. Tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn các huyện, thành phố với Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây. Hỗ trợ DN tham gia chương trình giao thương vào ngày 9 hàng tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh…

Hàng hóa tiêu thụ trong nước, xuất khẩu tăng cao

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM đã giúp nhiều DN, hợp tác xã trên địa bàn Đồng Nai mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu. Hiện Đồng Nai đã có giao thương với khoảng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo Trung tâm XTTM Đồng Nai (thuộc Sở Công thương), năm 2025, tỉnh tiếp tục hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM. Thông qua các chương trình XTTM trong và ngoài nước, DN của tỉnh đã nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của từng mặt hàng, từng thị trường cụ thể. Qua đó, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hợp lý, góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, tăng doanh thu thông qua hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương trong nước; Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh…

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm XTTM Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác XTTM đã mang lại hiệu quả thiết thực cho DN, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; mở ra cơ hội để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, hợp tác kinh doanh đầu tư, chuyển giao công nghệ, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng. Nhờ vậy, các DN, hợp tác xã nắm bắt nhu cầu thị hiếu của khách hàng nói chung, khách hàng từng khu vực nói riêng, có chiến lược sản xuất, kinh doanh phát triển thị trường, gia tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa với thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Theo Chi cục Thống kê Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt gần 8,38 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng của xuất khẩu trong những tháng đầu năm cao hơn nhiều so với kế hoạch năm 2025 của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tỉnh đạt mức tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2024.

Tại Hội nghị Giao nhiệm vụ chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho các sở, ngành, địa phương năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã nhấn mạnh, một trong các giải pháp để Đồng Nai đạt tăng trưởng kinh tế 10% trong năm nay là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Trong năm 2025, Đồng Nai đặt ra 5 chỉ tiêu kinh tế quan trọng phải hoàn thành gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10% so với năm 2024; thu nhập bình quân đầu người đạt 157 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 134 ngàn tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt dự toán Bộ Tài chính giao. Muốn đạt chỉ tiêu về xuất khẩu thì công tác XTTM đóng vai trò rất quan trọng. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM sẽ giúp DN thêm nhiều cơ hội mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thanh Phương

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/tang-xuc-tien-thuong-mai-de-mo-rong-thi-truong-5d93787/
Zalo