Tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công

Tại tờ trình Chính phủ về dự án 1 luật sửa 7 luật, trong đó có lĩnh vực công sản, Bộ Tài chính cho biết đã đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung quan trọng của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là sửa đổi từ cơ chế phân cấp sang phân quyền để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp sử dụng tài sản công.

Phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công để thúc đẩy việc quản lý, khai thác có hiệu quả. Ảnh tư liệu

Phân cấp trong quản lý, sử dụng tài sản công để thúc đẩy việc quản lý, khai thác có hiệu quả. Ảnh tư liệu

Quy định “cứng” đã làm khó cho quá trình thực hiện

Tại Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) được Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính tổ chức mới đây, bà Trần Diệu An - Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, Luật Quản lý, sử dụng TSC đã quy định “cứng” thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Quy định này đã hạn chế tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cấp dưới trong việc khai thác TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Hơn nữa, thời gian ra quyết định phê duyệt đề án bị kéo dài do phải qua nhiều khâu trung gian; đồng thời, thiếu sự đồng bộ với quy định về thẩm quyền áp dụng cho các hành vi khác liên quan đến quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (mua sắm, thuê, bán, điều chuyển, thanh lý…).

Thay đổi phân quyền trong phê duyệt đề án sử dụng tài sản công

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng phân quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của mình vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Ngoài ra, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSC và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, các bộ, cơ quan trung ương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành quy định phân cấp thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC. Việc phân cấp thẩm quyền được các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện theo nhiều tiêu chí khác nhau. Quá trình thực hiện các quy định về phân cấp của bộ, cơ quan trung ương, địa phương cho thấy việc phân cấp này là phù hợp, sát với yêu cầu quản lý TSC của bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Tuy nhiên, việc phân cấp này hiện chưa bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương (HĐND cấp tỉnh chỉ phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới).

Cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, việc giao trách nhiệm cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp quy định hoặc quyết định một số nhiệm vụ cụ thể là chưa phù hợp thực tiễn và chưa thực sự phân cấp, phân quyền triệt để, chưa phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng TSC.

Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền”

Bà Trần Diệu An cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung luật phải tập trung vào nội dung cơ bản nhất, có tác động trực tiếp tới thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, những nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án luật gồm: Chính sách về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng TSC; chính sách về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng TSC với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tại dự thảo Luật đã sửa đổi từ cơ chế phân cấp sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, địa phương quy định thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC. Theo đó, thay thế các cụm từ “quyết định hoặc phân cấp”, “phân cấp” thành “quy định” tại khoản 4 Điều 13; điểm a khoản 2, khoản 8 Điều 15; khoản 1 Điều 16; khoản 2 Điều 17; khoản 4 Điều 18; khoản 4, khoản 5 Điều 26; khoản 3 Điều 29; điểm b khoản 2 Điều 69; khoản 3 Điều 107.

Theo Bộ Tài chính, lý do chọn giải pháp này là việc thực hiện theo cơ chế “phân cấp” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC như hiện nay gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn, do theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Chính phủ chỉ được phân cấp cho chính quyền địa phương; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ được phân cấp cho chính quyền địa phương, tổ chức, đơn vị trực thuộc; HĐND cấp tỉnh chỉ được phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới. Trong khi đó, TSC có phạm vi rộng, được giao cho nhiều loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng. Do đó, việc “phân cấp” theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ khó đảm bảo được chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của Đảng, Chính phủ.

Hơn nữa, theo nội dung do Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tổng hợp từ các đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các hiệp hội, liên đoàn... Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang có ý kiến về cơ chế giao nhiệm vụ, phân cấp, ủy quyền còn nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, trong đó có việc phân cấp theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC.

Vì vậy, theo Bộ Tài chính, cần thiết phải sửa đổi từ cơ chế phân cấp trong quản lý, sử dụng TSC sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, địa phương quy định thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC. Điều này để tăng tính chủ động cho Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, địa phương, có thể đẩy mạnh, mở rộng phạm vi giao thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC; từ đó thúc đẩy việc quản lý, khai thác TSC có hiệu quả.

Sửa đổi, cập nhật hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng

Tại dự thảo Luật Quản lý, sử dụng TSC sửa đổi, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, cập nhật hình thức xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT).

Thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được các kiến nghị liên quan đến việc xử lý vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ TSC. Theo đó, đơn vị sau khi phá dỡ, hủy bỏ có nhu cầu tận dụng vật tư, vật liệu còn sử dụng được cho công trình mới hoặc chuyển vật tư, vật liệu thu được sang cho cơ quan, đơn vị khác để tận dụng. Tuy nhiên, trong Luật chỉ quy định một hình thức xử lý duy nhất là bán, dẫn đến việc thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện.

Mặt khác, việc chỉ quy định một hình thức xử lý là bán đối với vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ TSC là chưa đồng bộ với quy định về xử lý vật liệu, vật tư thu hồi từ phá dỡ, hủy bỏ TSKCHT tại khoản 2 Điều 92 Luật Quản lý, sử dụng TSC.

Hơn nữa, việc bán TSC là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp hiện nay đang được thực hiện đồng thời bán tài sản cùng với quyền sử dụng đất và thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng TSC. Tuy nhiên, việc chuyển quyền sử dụng đất cũng cần được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, cách xác định và trình tự, thủ tục xác định giá đất... Vì vậy, cần sửa đổi quy định về hình thức xử lý TSC là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (nhà, đất) theo hướng không thực hiện bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.

Hạnh Thảo

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-tu-chu-tu-chiu-trach-nhiem-trong-quan-ly-su-dung-tai-san-cong-160532-160532.html
Zalo