Tránh kẽ hở, bất cập khi hồi sinh dự án BT

Vì những bất cập, sai phạm, kẽ hở gây thất thoát tài sản công trong các dự án 'đổi đất lấy hạ tầng', phương thức đầu tư BT (đầu tư - chuyển giao) bị tạm dừng từ đầu năm 2021 theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức công - tư (PPP); sửa đổi Luật PPP lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất triển khai lại BT vì nhiều lý do.

Cụ thể, dù còn một số bất cập song nhiều bộ ngành, địa phương đánh giá các dự án BT (thực hiện trước khi Luật PPP có hiệu lực) vẫn có đóng góp nhất định trong việc hoàn thiện hạ tầng, huy động nguồn lực tư nhân, giảm áp lực vốn đầu tư công. Các dự án đối ứng cũng góp phần đáng kể trong việc hình thành các đô thị, khu dân cư mới.

Bên cạnh đó, Quốc hội đang cho phép 3 địa phương được thí điểm triển khai hợp đồng BT là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Nghệ An, song cách thực hiện còn chưa thống nhất. Đặc biệt, hiện nay việc huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn trong khi nhu cầu phát triển hạ tầng tăng mạnh, đòi hỏi phải tranh thủ tối đa nguồn vốn tư nhân.

Trong bối cảnh như vậy, kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xem xét “hồi sinh” BT lúc này là hợp lý. Vậy nhưng điều kiện đặt ra là phải khắc phục được những bất cập của mô hình này trong giai đoạn trước, nhất là ở các dự án “đổi đất lấy hạ tầng”.

Tại hồ sơ dự thảo sửa Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, tổng mức đầu tư của công trình BT được xác định căn cứ thiết kế kỹ thuật. Vị trí, diện tích và giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán được xác định tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp đồng dự án, bảo đảm công trình BT và quỹ đất thanh toán có giá trị tương đương ở cùng thời điểm. Nhà đầu tư sẽ được giao đất để triển khai dự án đối ứng khi đã khởi công, hoàn thành tối thiểu 50% giá trị công trình BT và hoàn thành trách nhiệm vốn ứng vốn để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của quỹ đất thực hiện công trình BT và quỹ đất dự kiến thanh toán. Dự án đối ứng có sử dụng đất chỉ được kinh doanh, khai thác sau khi công trình BT được hoàn thành và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền tổ chức khai thác.

Có thể thấy, cơ quan soạn thảo đã nỗ lực thiết kế những điều khoản nhằm khắc phục những hạn chế và phát huy cao nhất hiệu quả của các dự án đổi đất lấy hạ tầng. Tuy nhiên, cũng còn những băn khoăn, cần xem xét, cân nhắc Chẳng hạn, phần lớn dự án ở giai đoạn trước áp dụng chỉ định thầu, trong khi cơ chế này là mầm mống dẫn đến thất thoát và tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Và thực tế, nhiều dự án BT chỉ định thầu đã được các cơ quan chức năng chỉ ra những sai phạm. Vậy nhưng, dự thảo Luật hiện mới chỉ quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có năng lực cả về kỹ thuật và tài chính, có kinh nghiệm. Nên chăng, cần quy định việc lựa chọn nhà đầu tư phải theo cơ chế đấu thầu ngay trong Luật để bảo đảm tính cạnh tranh và tìm được nhà đầu tư có năng lực thực sự cũng như tránh được những cái “bắt tay” phía sau?

Hoặc, thời điểm giao đất, thời điểm xác định giá trị quỹ đất cũng cần cân nhắc thêm. Thiết kế như dự thảo hiện nay đã hợp lý chưa, hay chỉ nên giao đất khi nhà đầu tư đã hoàn thành công trình BT và xác định giá trị quỹ đất tại thời điểm giao đất - coi đây như một sự ràng buộc khiến nhà đầu tư phải triển khai công trình BT đúng tiến độ?

Hy vọng rằng, khi dự thảo Luật được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, những vấn đề này sẽ được các đại biểu thảo luận thấu đáo và kỹ lưỡng, để hình thức đầu tư BT nếu được tiếp tục triển khai sẽ phát huy tối đa hiệu quả, và đất nước có thêm nguồn lực tạo đột phá về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tranh-ke-ho-bat-cap-khi-hoi-sinh-du-an-bt-post391774.html
Zalo