Tăng trưởng lợi nhuận cao, ngân hàng lớn ít rủi ro hơn ngân hàng nhỏ?

Quy mô hoạt động vẫn là yếu tố tiên quyết để duy trì lợi nhuận ổn định và hấp thụ rủi ro hệ thống ngân hàng, nhưng không đủ để bảo đảm chất lượng lợi nhuận nếu không đi kèm hiệu quả quản trị tín dụng và chi phí vốn hợp lý.

Lợi nhuận tăng nóng - nợ xấu tăng nhiệt

Trong quí 1-2025, 27 ngân hàng thương mại Việt Nam ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt 82.042 tỉ đồng, tăng 13,82% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này đến từ sự phục hồi mạnh của nhiều ngân hàng, đặc biệt là SeABank (189%), MB (45%), Sacombank (38%) và HDBank (33%).

Tổng dư nợ xấu toàn hệ thống tăng 16,9% so với cùng kỳ (tương ứng lên 270.581 tỉ đồng vào cuối quí 1-2025). Một số ngân hàng ghi nhận mức tăng rất mạnh như TPBank (57%), OCB (47,7%), BIDV (37%), và VietinBank (30%), cho thấy áp lực gia tăng rủi ro tín dụng song hành với mở rộng cho vay.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng cho thấy tín hiệu tích cực trong kiểm soát rủi ro khi nợ xấu giảm mạnh, hoặc tăng thấp hơn trung bình ngành nhưng vẫn giữ mức tăng lợi nhuận ổn định.

Những trường hợp này cho thấy khả năng quản trị tín dụng tốt, duy trì được chất lượng tài sản trong khi vẫn cải thiện hiệu quả kinh doanh. Dù số lượng ngân hàng có xu hướng giảm nợ xấu không nhiều, nhưng đó là chỉ dấu tích cực, đặc biệt trong bối cảnh toàn ngành đang đối diện với nguy cơ “lợi nhuận tăng nóng – nợ xấu tăng nhiệt”.

Tương quan nhưng không tương đồng

Nợ xấu và lợi nhuận có mối tương quan dương nhưng không phản ánh quan hệ nhân quả trực tiếp. Mối quan hệ giữa nợ xấu và lợi nhuận là tương quan – nhưng không tương đồng và không đồng đều giữa các ngân hàng.

Mối quan hệ này dễ gây hiểu nhầm nếu bỏ qua các trường hợp ngoại lệ, nơi mà nợ xấu tăng nhưng lợi nhuận lại suy giảm - phản ánh sự yếu kém trong quản trị rủi ro tín dụng và hiệu quả sinh lời thấp.

Ở chiều tích cực, một số ngân hàng kiểm soát nợ xấu hiệu quả vẫn giữ được đà sinh lời.Đây là minh chứng rõ ràng cho năng lực nâng cao hiệu suất hoạt động mà không phải đánh đổi bằng rủi ro tín dụng.

Ngân hàng lớn có ít rủi ro hơn ngân hàng nhỏ không?

Quy mô hoạt động là yếu tố trung gian chi phối đồng thời cả hai biến số: ngân hàng càng lớn, dư nợ càng nhiều, thì nợ xấu và lợi nhuận (tính theo giá trị tuyệt đối) đều có xu hướng cao hơn.

Dữ liệu cho thấy sự phân tầng rất rõ rệt giữa nhóm ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, không chỉ về lợi nhuận tuyệt đối mà còn về mức độ rủi ro và năng lực hấp thụ tổn thất tín dụng.

Nhóm ngân hàng lớn đang “gánh” phần lớn nợ xấu hệ thống, với giá trị tuyệt đối thường trên 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là những ngân hàng có quy mô tín dụng và tổng tài sản rất lớn, nên mức nợ xấu cao không đồng nghĩa với rủi ro mất kiểm soát. Quan trọng hơn, họ có năng lực tài chính đủ mạnh để trích lập dự phòng mà vẫn đảm bảo lợi nhuận ổn định.

Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng nhỏ có lợi nhuận rất khiêm tốn, phần lớn dưới 400 tỉ đồng. Những con số này chưa đủ để tạo ra sức cạnh tranh dài hạn hoặc khả năng dự phòng khi điều kiện thị trường xấu đi.

Quy mô hoạt động vẫn là yếu tố tiên quyết để duy trì lợi nhuận ổn định và hấp thụ rủi ro hệ thống. Tuy nhiên, nó không đủ để bảo đảm chất lượng lợi nhuận nếu không đi kèm hiệu quả quản trị tín dụng và chi phí vốn hợp lý. Một ngân hàng nhỏ vẫn có thể đạt hiệu quả tốt nếu biết kiểm soát rủi ro chặt chẽ.

Tăng trưởng cần đi đôi với kiểm soát rủi ro

Nếu chỉ tập trung tăng trưởng tín dụng để mở rộng quy mô mà bỏ qua chất lượng cho vay, ngay cả những ngân hàng lớn cũng dễ rơi vào tình trạng “tăng trưởng bề mặt, suy yếu bên trong”, khi chi phí dự phòng dần làm xói mòn kết quả kinh doanh.

Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế biến động và các chuẩn mực Basel ngày càng được áp dụng sâu rộng, ngân hàng nào kiểm soát được nợ xấu, tối ưu chi phí dự phòng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sẽ là người chiến thắng thực sự.

---------------------------------------------

(*) Nguồn: Nền tảng dữ liệu kinh tế Vietstats

Vietstats (*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tang-truong-loi-nhuan-cao-ngan-hang-lon-it-rui-ro-hon-ngan-hang-nho/
Zalo