Thế giới đang chuyển pha và ngã rẽ lịch sử của Việt Nam
Ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp cho rằng, nếu chỉ tiếp tục tư duy phát triển như cũ, chúng ta sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài. Nhưng nếu biết 'đổi pha' đúng lúc, đây có thể là khởi đầu cho một thời kỳ phục hưng mới.
Ngã rẽ lịch sử của thương mại thế giới
Kinh tế toàn cầu năm 2025 đang phải đối mặt với nhiều sóng gió như tăng trưởng chậm lại, xung đột địa chính trị và đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Ông đánh giá như thế nào về bức tranh kinh tế thế giới hiện nay?
Ông Trần Sĩ Chương: Thế giới đang ở giai đoạn cuối của một chu kỳ thịnh vượng kéo dài nhiều thập kỷ.
Sau thời kỳ toàn cầu hóa bùng nổ, công nghệ phát triển vượt bậc và tăng trưởng cao, GDP toàn cầu tăng hơn bốn lần trong 30 năm qua, chúng ta đang chứng kiến sự tích tụ của những bất cân đối mang tính hệ thống. Đó là nợ công, bất bình đẳng thu nhập, xói mòn niềm tin vào thể chế và khủng hoảng môi trường.
Tình trạng này không đơn thuần là một cuộc khủng hoảng kinh tế – nó là tín hiệu của một sự chuyển pha lịch sử. Đại khủng hoảng hiện nay không phải là tai họa ngẫu nhiên, mà là kết quả tất yếu và tự nhiên của thời kỳ hoàng kim kéo dài.
Sự giàu có đã mang lại tiến bộ, nhưng cũng gieo mầm bất ổn. Từ cực thịnh đang chuyển sang suy. Thuyết “Quantum Entanglement” và Kinh dịch (I Ching, Yi Jing) cũng đã tiên liệu sự chuyển pha này.
Trong những thập kỷ qua, sự phát triển vượt bậc đã đưa nhân loại lên đỉnh cao của sự sung mãn, công nghệ tiến bộ, tài sản mới ra đời. Nhưng chính sự sung mãn ấy lại làm tay người ta “vung quá trán”, để lại núi nợ khổng lồ – từ các nước giàu như Đức, Mỹ, đến những quốc gia nghèo khó.

Ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp (*).
Sự giàu có, oái oăm thay, lại không làm xã hội hạnh phúc hơn. Thay vào đó, nó đào sâu khoảng cách giàu nghèo, làm gia tăng bất mãn xã hội và mất đoàn kết.
Tại nhiều quốc gia, mức độ bất bình đẳng trong sở hữu tài sản đang tăng lên đáng kể. Nhìn rộng hơn, trên cục diện toàn cầu, siêu cường số một (Hoa kỳ) vẫn giữ vị thế dẫn đầu (25% GDP toàn cầu), nhưng thế giới đã sản sinh ra những tài sản mới và các thế lực mới, cạnh tranh khốc liệt với trật tự cũ, gây bất ổn địa chính trị.
Công nghệ, dù là động lực của tiến bộ, cũng phá vỡ các mô hình cũ, tạo ra những rủi ro chưa từng có.
Và sự phát triển ấy, với cái giá của môi trường bị xâm hại, đã làm trầm trọng thêm thiên tai và dịch bệnh, đe dọa chính môi trường sống của chúng ta.
Lịch sử từng chứng kiến những ngã rẽ lớn như Cách mạng công nghiệp hay sự sụp đổ của Liên Xô. Ông thấy sự chuyển pha hiện nay có giống về bản chất với những sự kiện trước đó không? Những bài học nào có thể áp dụng cho hiện tại?
Ông Trần Sĩ Chương: Về bản chất, những thời khắc chuyển pha trong lịch sử đều đến từ sự tích tụ mâu thuẫn nội tại. Cách mạng công nghiệp xảy ra khi xã hội phong kiến không còn phù hợp với tiến bộ kỹ thuật. Sự sụp đổ của Liên Xô là kết quả của mô hình kinh tế – chính trị không còn khả năng thích nghi với thực tế toàn cầu hóa.
Chuyển pha hôm nay cũng vậy, chúng ta đang sống trong một hệ thống mà các công cụ chính sách, thể chế quốc tế và tư duy phát triển đã không còn phù hợp với một thế giới đa cực, siêu kết nối và bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.
Bài học lớn nhất là không ai miễn nhiễm với thay đổi. Những người dám đi trước – thích ứng, cải cách, và sáng tạo – sẽ là người viết nên chương tiếp theo của lịch sử.
Từ cực thịnh đang chuyển sang suy, ông có lạc quan về khả năng thế giới sẽ vượt qua được những thách thức của sự chuyển pha này không?
Ông Trần Sĩ Chương: Tôi tương đối lạc quan – với điều kiện nhân loại nhìn thẳng vào vấn đề và chủ động tái cấu trúc. Lịch sử cho thấy, mỗi lần khủng hoảng lớn cũng là cơ hội để định hình một trật tự mới, tiến bộ hơn.
Cuộc Đại Suy Thoái 1929 tạo tiền đề cho mô hình nhà nước phúc lợi. Thế chiến II mở ra thời kỳ hợp tác đa phương với Hoa Kỳ đóng vai trò lãnh đạo thế giới tự do.
Vào đầu thập niên 80 Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã bắt tay cùng Thủ tướng Anh Quốc Margaret Thatcher khởi động một tầm nhìn toàn cầu hóa, bắt đầu một thời kỳ kinh tế hoàng kim của thế giới, đặc biệt là sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ 1991.
Vấn đề là chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn, vượt khỏi logic “nhiệm kỳ” hay “lợi nhuận quý sau”.
Nếu xã hội, doanh nghiệp và chính phủ nhận thức rằng mô hình cũ đã lỗi thời, thì chính thời khắc khủng hoảng này có thể là bàn đạp để chúng ta bước vào một chu kỳ mới – bền vững, công bằng và sáng tạo hơn.
Theo ông, yếu tố nào sẽ quyết định “bài ca tiếp theo” của nhân loại? Liệu đây sẽ là suy thoái kéo dài hay khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới?
Ông Trần Sĩ Chương: “Lịch sử không lặp lại, nhưng nó có vần điệu” – như Mark Twain từng nói.
“Bài ca tiếp theo” sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố chính: năng lực điều chỉnh thể chế để phù hợp với thực tại mới; khả năng sử dụng công nghệ một cách nhân bản, thay vì hủy hoại con người và thái độ của chúng ta với thiên nhiên – tiếp tục khai thác hay sống hài hòa.
Nếu chỉ tiếp tục khai thác như cũ, chúng ta sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái kéo dài. Nhưng nếu biết “đổi pha” đúng lúc – chẳng hạn như chuyển sang kinh tế tuần hoàn, sử dụng AI cho giáo dục thay vì thao túng, tái định hình lại thước đo thành công từ GDP sang chất lượng sống – thì đây có thể là khởi đầu cho một thời kỳ phục hưng mới.
Tuy nhiên, ở bối cảnh hiện tại, giống như trong vật lý, khi hệ thống đạt đến giới hạn chịu đựng, một biến động nhỏ cũng có thể khiến toàn bộ cấu trúc thay đổi trạng thái. Tôi cho rằng nhân loại đang ở ngưỡng đó - không thể tiếp tục mô hình phát triển cũ, nhưng cũng chưa định hình được một trật tự mới.
Vậy còn trong tương lai thì sao,, nếu phải dự đoán thế giới trong 10 – 20 năm tới, ông sẽ nói gì?
Ông Trần Sĩ Chương: Phong trào toàn cầu hóa đã tồn tại 80 năm qua đang đứng trước sự lung lay. Nếu sụp đổ, nó sẽ gây ra một trận sóng thần kinh khủng. Trong đó, nhấn chìm ai, quét qua đâu, chưa ai biết một cách cụ thể.
Trong các bài báo trước đây, tôi đã từng nhận định, thế giới 5-10 năm nữa mới ổn định về mặt làm ăn, kinh tế, còn bây giờ có thể hơn 10 năm nữa mới ổn định.
Tương lai là rất khó dự đoán, song một điều gần như khó thay đổi là trong 10 – 20 năm tới, thế giới sẽ chứng kiến một làn sóng tái cấu trúc sâu sắc. Theo đó, toàn cầu hóa sẽ không biến mất, nhưng sẽ “địa phương hóa” – các chuỗi cung ứng ngắn hơn, tập trung vào khu vực.
Công nghệ sẽ thay đổi bản chất lao động – AI không chỉ thay thế con người mà buộc con người phải tái định nghĩa năng lực và giá trị của con người để làm chủ công nghệ.
Các quốc gia có dân số trẻ, tốc độ chuyển đổi số nhanh và tư duy cải cách – như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ sẽ có cơ hội bứt phá.
Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất vẫn là khủng hoảng khí hậu và sự phân mảnh chính trị. Nếu không xử lý sớm, đây sẽ là rào cản lớn nhất cho phát triển.

Tương lai sắp tới với các quyết định thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump rất khó đoán định, để dự báo các ảnh hưởng đến Việt Nam cần tiếp tục chờ đợi những động thái tiếp theo. Ảnh: Hoàng Anh
Khó đoán định mối quan hệ giữa các cường quốc
Nhìn trong ngắn hạn, ông dự báo như thế nào thương mại thế giới, sau động thái áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump và trước giờ bước vào đàm phán?
Ông Trần Sĩ Chương: Hiện vẫn còn quá sớm để nhận định bức tranh thương mại thế giới sau những động thái của ông Trump. Bởi mọi chuyện chưa ngã ngũ. Điều đó đồng nghĩa với việc các thông tin chúng ta đang nghe hàng ngày sẽ không có ý nghĩa gì cả. Tất cả đang chờ đợi quyết định cuối cùng đối với việc áp thuế của Nhà Trắng.
Nhìn sâu vào nguyên nhân của những hành động của Mỹ, có thể thấy, nó gắn với mục tiêu chính trị hơn là các mục tiêu kinh tế.
Các động thái này của Tổng thống Mỹ thực chất là "biện pháp kinh tế" nhằm thực hiện hai mục tiêu chính trị. Một là xoa dịu bộ phận dân cư "bất mãn" ở Mỹ, đem công ăn việc làm về Mỹ. Và thứ hai là làm dịu áp lực từ "giới tinh hoa Mỹ" muốn kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc làm này cũng giống như "con dao hai lưỡi", Mỹ có thể thắng thế, cũng có thể thất bại, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của chính quốc gia này. Minh chứng là chỉ bằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã khiến kinh tế quốc gia này chao đảo.
Chính vì vậy, tương lai sắp tới với các quyết định thuế của ông Trump rất khó đoán định. Chúng ta cần tiếp tục chờ đợi các động thái tiếp theo.
Ông nhận định gì về vị trí của các siêu cường như Mỹ – Trung Quốc trong bối cảnh mới?
Ông Trần Sĩ Chương: Mỹ vẫn là siêu cường về công nghệ, tài chính và văn hóa – nhưng vị thế đơn cực đang dần suy giảm. Trong khi đó, Trung Quốc nổi lên như một đối trọng không chỉ về kinh tế mà cả về mô hình phát triển và ảnh hưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, cả hai đều đang đối mặt với thách thức nội tại: Mỹ với phân cực chính trị và bất bình đẳng; Trung Quốc với dân số già hóa, khủng hoảng bất động sản và dư thừa công suất.
Tôi cho rằng tương lai không phải là kịch bản “ai thắng ai thua”, mà là một hệ thống đa cực linh hoạt, nơi quyền lực được phân bổ theo lĩnh vực – công nghệ, tài chính, năng lượng, văn hóa – chứ không tập trung vào một quốc gia duy nhất.

Việt Nam có thể biến rủi ro thành cơ hội để vươn mình trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Hoàng Anh.
Việt Nam cần "bắt" đúng nhịp để vươn mình
Nếu sự chuyển pha là tất yếu, làm thế nào để Việt Nam biến rủi ro thành cơ hội, hòa nhịp để viết tiếp bài ca nhân loại? Giữa một thế giới đầy biến động, liệu Việt Nam có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số và bước vào kỷ nguyên mới, thưa ông?
Ông Trần Sĩ Chương: Việt Nam đang ở vị trí chiến lược – cả về địa lý lẫn chu kỳ phát triển với tăng trưởng ổn định, dân số trẻ và vị thế ngày càng rõ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt tăng trưởng 2 con số, Việt Nam cần tránh hai cạm bẫy.
Thứ nhất, chúng ta không thể chỉ dựa vào FDI và gia công mà phải đầu tư vào chuỗi giá trị cao, sở hữu công nghệ, xây dựng thương hiệu quốc gia vững mạnh, trên thị trường quốc tế.
Thứ hai, Việt Nam phải đẩy mạnh cải cách thể chế, đặc biệt là giáo dục, môi trường kinh doanh và hạ tầng pháp lý.
Sự chuyển pha toàn cầu là thử thách, nhưng nếu nắm bắt được nhu cầu “đa dạng hóa chuỗi cung ứng” và “xanh hóa sản xuất”, Việt Nam có thể vươn lên như một hình mẫu mới.
Thế giới đang chuyển pha và chúng ta đứng trước ngã rẽ của lịch sử.
Hiểu được các chu kỳ này, chúng ta có thể biến rủi ro thành cơ hội, tái định hình tương lai theo hướng bền vững và công bằng hơn. Chuyển pha không đồng nghĩa với sụp đổ – nếu biết đi đúng nhịp. Lịch sử có vần điệu, cách chúng ta hòa nhịp với nó sẽ quyết định bài ca tiếp theo của nhân loại.
Trước hết, cần thay đổi tư duy, không xem rủi ro là mối đe dọa, mà là tín hiệu để thích nghi. Sau đó là hành động cụ thể.
Chính phủ cần tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, đầu tư dài hạn vào giáo dục và năng lượng sạch. Doanh nghiệp cần chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn, đầu tư vào bền vững và chuỗi giá trị xanh.
Xã hội cần khơi dậy tinh thần công dân toàn cầu – ý thức rằng mỗi hành động cá nhân đều có tác động hệ thống.
Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?
Ông Trần Sĩ Chương: Trong bối cảnh thương mại thế giới đầy biến động, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa rủi ro, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một nguồn cung, hay một mô hình kinh doanh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và con người. Đầu tư vào tự động hóa là cần thiết, nhưng nhân tài – nhất là tư duy hệ thống và sáng tạo – mới là lợi thế cạnh tranh bền vững của các doanh nghiệp.
Xu hướng phát triển gắn kết với bền vững như ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị), phát triển xanh cũng cần được chú trọng. Trong bối cảnh hiện nay, đó không còn là khuyến nghị, mà là điều kiện tồn tại.
Và quan trọng nhất là không ai đoán trước được tương lai, nhưng doanh nghiệp có thể xây dựng nhiều kịch bản và linh hoạt xoay chuyển.
Chuyển pha lịch sử là thời khắc hiếm hoi, bất định nhưng cũng đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp, các quốc gia biết nắm bắt thời cơ để vươn mình.
Xin cảm ơn ông!