Tăng trao quyền, siết trách nhiệm đối với các chính quyền địa phương
Với mục tiêu trao quyền nhiều hơn nhưng đi kèm với trách nhiệm giải trình rõ ràng, các ý kiến đóng góp tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền đồng thời đảm bảo sự giám sát chặt chẽ.
![Sáng ngày 15/2, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_293_51483869/4de3778144cfad91f4de.jpg)
Sáng ngày 15/2, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)
Sáng 15/2, Quốc hội có phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những điểm còn bất cập và đề xuất sửa đổi, bổ sung để Luật đi vào cuộc sống được hiệu quả nhất.
Với mục tiêu trao quyền nhiều hơn nhưng đi kèm với trách nhiệm giải trình rõ ràng, các ý kiến đóng góp tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền đồng thời đảm bảo sự giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của chính quyền địa phương, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Trao quyền mạnh mẽ hơn
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp. Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng dự thảo Luật đã quy định khá chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Thường trực Hội đồng Nhân dân, đặc biệt trong trường hợp khuyết Chủ tịch Hội đồng Nhân dân.
Tuy nhiên, đại biểu Mạnh chỉ ra một “lỗ hổng” quan trọng. Đó là trong thực tế đã xảy ra trường hợp Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bị xử lý kỷ luật cũng thuộc trường hợp phải đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm nhưng trong dự thảo chưa quy định việc giao Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân để điều hành việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị bổ sung quy định ở trường hợp này thì Thường trực Hội đồng Nhân dân cùng cấp giao cho Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cho đến khi bầu được Chủ tịch Hội đồng Nhân dân mới.
Cũng liên quan đến nội dung trên, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh đến việc trao quyền mạnh mẽ hơn cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp.
Đại biểu Minh nhận định: "Các nội dung tại các Điều 18, 21, 24 trong dự thảo Luật chưa giải quyết căn bản những tồn tại bất cập này, khi siết lại kỷ luật hành chính thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì sai phạm giữa thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng khá phổ biến. Việc này dẫn đến tình trạng mọi việc lớn nhỏ đều phải đưa ra tập thể Ủy ban Nhân dân họp bàn, thảo luận và biểu quyết, gây trì trệ, lãng phí thời gian và nguồn lực.
![Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh đến việc trao quyền mạnh mẽ hơn cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp. (Ảnh: TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_293_51483869/75f84b9a78d4918ac8c5.jpg)
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh đến việc trao quyền mạnh mẽ hơn cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp. (Ảnh: TTXVN)
Để xử lý "điểm nghẽn" này, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề xuất Quốc hội xem xét, trao quyền cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp mạnh mẽ hơn nữa. Cụ thể là đề cao vai trò cá nhân của người đứng đầu Ủy ban Nhân dân. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào các Điều 18, 21, 24 về quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp theo hướng tăng trách nhiệm, quyền hạn để Chủ tịch các cấp được quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cấp mình đồng thời có những quy định cụ thể hơn nữa cơ chế giám sát, giải trình trách nhiệm.
Góp ý về tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) đề nghị bổ sung từ "duy nhất" vào điểm b khoản 3 Điều 5 để khẳng định rõ tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng Nhân dân có duy nhất một quốc tịch là Việt Nam.
Về quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị rà soát, điều chỉnh một số nội dung tại Điều 7 để đảm bảo thống nhất với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bà cho rằng việc quy định Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được "mời" tham dự các kỳ họp Hội đồng Nhân dân là chưa chính xác, cần phải quy định rõ trách nhiệm trong việc tham gia các kỳ họp Hội đồng Nhân dân theo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ý kiến trái chiều về mô hình tổ chức
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được thảo luận nhiều là mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) bày tỏ sự đồng tình với việc thực hiện theo mô hình cũ, bao gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ở các cấp. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị để có thể thực hiện chung cho toàn quốc, không chỉ giới hạn ở các thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) lại có quan điểm khác và cho rằng cần nghiên cứu lại nội dung quy định tại Điều 2 về tổ chức chính quyền địa phương theo hướng phải đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy phát triển.
"Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy thì tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được xem xét thận trọng để có thể thiết kế lại cho phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị và đặc điểm của khu vực nông thôn, điều này là hoàn toàn đúng với Hiến pháp," đại biểu Tuấn nhấn mạnh.
Do đó, đại biểu Tuấn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu trong khi chưa thể đổi mới được tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn thì cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như các nơi đã và đang thí điểm hiệu quả.
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị bổ sung vào Điều 4 về nguyên tắc tăng cường kiểm soát quyền lực khi được phân cấp, phân quyền, ủy quyền để tránh các trường hợp tiêu cực, tha hóa quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cũng yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương khi được phân quyền mạnh mẽ.
Ngoài ra, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng việc ủy quyền cho chính quyền địa phương (Đoàn Điều 15) là rất cần thiết, nhưng cần phải làm rõ những trường hợp cần thiết được ủy quyền, ủy quyền trong trường hợp nào để tránh ủy quyền tùy tiện, chủ quan.
Trên cơ sở đó, Đại biểu Hải đề xuất nguyên tắc ủy quyền là trước hết ủy quyền những nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà được pháp luật quy định. Thứ hai, ủy quyền phải tạo sự linh hoạt, chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ. Ba là người đứng đầu chính quyền ủy quyền cho cấp phó chỉ trong các trường hợp ốm đau/đi công tác dài ngày/những lý do bất khả kháng khác dẫn đến không thực hiện được nhiệm vụ điều hành trực tiếp.
Ngoài ra, Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm trong quá trình tích hợp các hoạt động của Ủy ban Nhân dân các cấp trong việc xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân cấp trên hoặc các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Đặc biệt là cần quy định rõ thời gian trả lời trong việc chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền cấp trên và xác định rõ thời gian cụ thể việc trả lời của các cơ quan có thẩm quyền cấp trên trong thời hạn 30 ngày đối với Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành trung ương hoặc 20 ngày đối với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp trên.
![Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh phân quyền là xu hướng tất yếu của một nền quản trị hiện đại. (Nguồn: TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_293_51483869/e849ac2b9f65763b2f74.jpg)
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh phân quyền là xu hướng tất yếu của một nền quản trị hiện đại. (Nguồn: TTXVN)
Về phân quyền cho chính quyền địa phương tại Điều 13, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh phân quyền là xu hướng tất yếu của một nền quản trị hiện đại. Tuy nhiên, việc giao thẩm quyền cần bảo đảm năng lực thực thi tại địa phương để đem lại hiệu quả thiết. Ông dẫn chứng thực tế đã có những địa phương được phân quyền mạnh trong các lĩnh vực (như quản lý đất đai, đầu tư công, cấp phép các dự án lớn) nhưng lại thiếu sự chuẩn bị về nhân lực và quy trình thực hiện nên đã phát sinh sai phạm. Do đó, ông đề xuất cần bổ sung phân quyền phải gắn với điều kiện về nhân lực, ngân sách và năng lực thực hiện. Cụ thể, cấp nào có đủ năng lực thì được phân quyền, nếu chưa đủ thì phải có lộ trình nâng cao năng lực trước khi nhận trách nhiệm mới.
“Đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả phân quyền, trong đó quy định rõ địa phương nào đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ được giao đồng thời có cơ chế thu hồi thẩm quyền nếu địa phương làm không có hiệu quả,” đại biểu Hùng nói./.