Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường: Cần thận trọng

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường cần được xem xét cẩn trọng. 'Đừng tham bát bỏ mâm' vì lĩnh vực tiêu dùng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng.

Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại dự thảo là “mở rộng cơ sở tính thuế”, trong đó bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Đồng thời, dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.

Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như thực trạng chung của doanh nghiệp ngành đồ uống. Vì thế, quá trình soạn thảo các văn bản, chính sách tác động tới doanh nghiệp ngành nước giải khát càng đòi hỏi phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện VEPR cho rằng, lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ ảnh hưởng rất lớn tới nhiều lĩnh vực khác. Khi thuế TTĐB bị áp tăng lên đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, giá xuất xưởng của mặt hàng đó tăng lên, kéo theo sự tăng giá sản phẩm khi ra thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện VEPR.

“Một lon đồ uống khi giá xuất xưởng lên đến kệ tại các nơi khác nhau thì giá cả cũng khác nhau. Nếu giá đầu cuối tăng lên mạnh sẽ ảnh hưởng tới khả năng tiêu dùng và làm suy giảm các dịch vụ tiêu dùng khác mà thực tế chúng ta đang mong được kích hoạt”, ông Việt nói.

Phó Viện trưởng Viện VEPR phân tích, trong các động lực tăng trưởng thì tăng trưởng về tiêu dùng chưa như kỳ vọng, mới chỉ đạt một nửa so với tốc độ tăng trưởng trước COVID-19. Do vậy, nhìn một cách tổng thể thì xu thế tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam khá tốt nhưng nhìn vào từng bộ phận, từng khía cạnh, nhất là bộ phận bán lẻ, hộ kinh doanh và dịch vụ ăn uống thì vẫn còn tâm lý có phần ảm đạm.

“Chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Đừng vì một mục tiêu nào đó để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà quên đi rằng, thuế trong lĩnh vực tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu chúng ta không kích hoạt được thuế tiêu dùng xuống, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm, từ đó làm giảm đi nguồn thu ngân sách bền vững trong tương lai”, ông Việt nhấn mạnh.

Theo ông Việt, điều hết sức quan trọng là thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân trong nước phục vụ thị trường nội địa sau COVID-19 lại có sự vươn lên mạnh mẽ so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước. Việc áp thuế TTĐB lên một số mặt hàng, trong đó có nước giải khát có đường sẽ làm ảnh hưởng tới cấu phần thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả khu vực phi chính thức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-can-than-trong/20241021093533229
Zalo