Power of Siberia 2 trở thành 'ngựa ô' trên thị trường LNG toàn cầu

Thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu được dự báo sẽ dư cung vào năm 2030, gây tác động tiêu cực đến nhiều sáng kiến xuất khẩu.

Một trong những dự án được thảo luận nhiều nhất là việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia 2 do Nga và Trung Quốc thực hiện.

Các báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đặt ra câu hỏi về việc tuyến ống được thiết kế để trung chuyển 50 tỷ mét khối khí đốt có thể làm tình hình thị trường xấu đi đến mức nào.

IEA ước tính nếu tất cả các nhà máy hóa lỏng khí được xây dựng theo kế hoạch, công suất sẽ đạt gần 850 tỷ mét khối mỗi năm vào năm 2030, tăng 50% so với mức 580 tỷ hiện tại.

Những nước đóng góp chính vào sự tăng trưởng này là Hoa Kỳ và Qatar, khi họ đang tích cực củng cố vị thế của mình trên thị trường khí đốt.

Tuy nhiên kỳ vọng về gia tăng nhu cầu LNG theo dự đoán sẽ thấp hơn đáng kể, dẫn đến giá giảm và nâng cao cạnh tranh giữa các nhà cung cấp.

Trong bối cảnh như vậy, dự án Power of Siberia 2 có thể coi là "ngựa ô" trong lĩnh vực LNG. Việc triển khai tuyến đường ống sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa nguồn cung khí hóa lỏng trên thị trường thế giới.

Mặc dù thực tế là việc ký kết hợp đồng mới giữa Trung Quốc và Nga về dự án này vào thời điểm hiện tại dường như khó xảy ra, nhưng vẫn có những lo ngại về nguy cơ trì trệ trên thị trường. Các nhà phân tích tin rằng nguồn cung hiện tại đủ đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc trong bất kỳ điều kiện nào.

Ngoài ra IEA cũng bày tỏ nghi ngờ về việc liệu Nga có thể tăng khối lượng xuất khẩu khí đốt của mình hay không.

Theo các chuyên gia, Moskva sẽ không thể bù đắp đầy đủ những tổn thất phát sinh do mất thị phần tại châu Âu.

Theo kịch bản cơ sở, khối lượng cung cấp khí đốt tối đa từ Nga sang Trung Quốc đến năm 2050 sẽ không vượt quá 60 tỷ mét khối/năm.

Hơn nữa theo các lệnh trừng phạt hiện hành, sản lượng LNG có thể đạt đỉnh khoảng 50 tỷ mét khối vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 150 tỷ mét khối của chính phủ.

 Tuyến ống Power of Siberia 2 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung trên thị trường năng lượng thế giới.

Tuyến ống Power of Siberia 2 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung trên thị trường năng lượng thế giới.

IEA được thành lập vào tháng 11 năm 1974 trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hoạt động như một cơ quan độc lập nhằm điều phối các chương trình năng lượng giữa những quốc gia thành viên.

Cơ quan này đang tích cực làm việc để giúp các nước giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, thiết lập hệ thống thông tin trao đổi năng lượng quốc tế và phát triển thương mại năng lượng bền vững.

Tuyến ống Power of Siberia dài 3.000 km đưa khí đốt từ Nga tới Trung Quốc.

Theo Finobzor

Bạch Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/power-of-siberia-2-tro-thanh-ngua-o-tren-thi-truong-lng-toan-cau-post705432.html
Zalo