Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khuyến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá theo mức thuế tuyệt đối với lộ trình để đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, cộng với mức thuế theo tỷ lệ hiện hành, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 35,8% (vào năm 2030).

Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án.

Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

 Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

Tại Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” mới diễn ra, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam lần đầu tiên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là vào năm 1999 với mức thuế 45%. Trong giai đoạn 2006-2007 tăng lên là 55%. Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: Năm 2008, tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; năm 2016, tăng từ 65% lên 70%; và năm 2019, tăng từ 70% lên 75%.

Đáng chú ý, theo bà Hương, các mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2006-2008 và 2016-2019 là rất thấp. Bên cạnh đó khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng rẻ và dễ tiếp cận.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết.

Theo ông Hoàng Văn Cường, mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới; trong khi đó chính sách về thuế rất quan trọng góp phần giảm tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá và tác hại thuốc lá đối với sức khỏe người dân. Vì vậy, cùng với việc triển khai các giải pháp tổng thể nhằm giảm số người tiêu thụ thuốc lá, đại biểu đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.

 Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa)

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa)

Đánh giá cao Việt Nam đã đạt được số tiến bộ ban đầu đáng khích lệ trong cuộc chiến phòng chống tác hại của thuốc lá trong thập kỷ qua, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam vẫn băn khoăn về việc tại Việt Nam tỷ lệ hút thuốc lá đang cao.

Bà Angela Pratt cho rằng, một trong những lý do khiến tỷ lệ hút thuốc lá cao ở nam giới Việt Nam (trên 40%) là do giá thuốc lá cực kỳ rẻ, và nguyên nhân là vì thuế rất thấp. Giá và thuế thuốc lá ở Việt Nam cũng thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN. Trong khi đó, trên thế giới, khoảng 60 quốc gia hiện đang áp thuế từ 70% trở lên trong giá bán lẻ, phù hợp hoặc rất gần với thông lệ tốt nhất được WHO khuyến nghị là thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ.

Vì vậy, bà Angela Pratt khuyến nghị, cần hành động mạnh mẽ hơn - thông qua việc tăng thuế cao hơn - để đạt được các mục tiêu của Chính phủ về giảm hút thuốc, và biện pháp này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và cứu nhiều mạng sống. Áp dụng thuế thuốc lá cao hơn sẽ bảo vệ nguồn lực quý giá nhất của Việt Nam, sức khỏe của người dân và qua đó sẽ giúp hiện thực hóa khát vọng của quốc gia về một tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng hơn.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khuyến nghị việc áp thuế tuyệt đối với lộ trình để đạt 15.000 đồng mỗi bao vào năm 2030, cộng với mức thuế theo tỷ lệ hiện hành, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 35,8% (vào năm 2030). Điều này cũng sẽ làm tăng đáng kể nguồn thu thuế hàng năm, và mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm vào năm 2030, so với năm 2020. Giảm tỷ lệ hút thuốc xuống mức này sẽ làm giảm chi phí kinh tế đáng kể do tỷ lệ sử dụng thuốc lá gây ra. Hiện tại ước tính mỗi năm, thuốc lá gây ra tổn thất lên tới - khoảng 108 nghìn tỷ đồng hoặc 1,14% GDP hàng năm.

“Điều đáng chú ý là những người trẻ tuổi nhạy cảm nhất với việc tăng giá. Tăng thuế thuốc lá có thể ngăn họ bắt đầu hút thuốc, và việc này giống như tiêm vaccin để bảo vệ họ suốt đời - bởi vì mọi người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ đã trưởng thành”, bà Angela Pratt nhấn mạnh.

Việt Nam nằm trong 10 nước có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại Việt Nam cao thứ tư trong khu vực ASEAN; tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người từ 15 tuổi trở lên gia tăng ở Việt Nam. Trẻ em không có khả năng bảo vệ mình khỏi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đặc biệt là ở trẻ nhỏ nên cần những giải pháp chính sách để bảo vệ

Bảo An

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/de-xuat-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-thuoc-la-de-dat-15000-dong-bao-vao-nam-2030-d53011.html
Zalo