Tăng thuế thuốc lá góp phần bảo đảm khả năng chi trả cho các mục tiêu phát triển bền vững

Chuyên gia cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, không làm gia tăng buôn lậu. Nguồn thu từ việc tăng thuế này góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng, bảo đảm khả năng chi trả cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Việc tăng thuế thuốc lá là một bước đi đúng đắn trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững. Ảnh: Hương Giang

Việc tăng thuế thuốc lá là một bước đi đúng đắn trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững. Ảnh: Hương Giang

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2024 cho biết, chi phí y tế và kinh tế hàng năm của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD), tương đương 1,14% GDP (dựa trên số liệu năm 2022). Con số này lớn hơn 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Thông tin tại hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) tổ chức ngày 25/2 về chính sách thuế đối với thuốc lá, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) Phạm Văn Long cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và sức khỏe cho cộng đồng. Để hạn chế việc tiêu thụ thuốc lá, Việt Nam đã triển khai nhiều sáng kiến khác nhau, trong đó tăng thuế thuốc lá được xem là một trong những biện pháp hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, quá trình này gặp phải sự phản đối từ ngành công nghiệp thuốc lá, với các lập luận phổ biến như lo ngại về gia tăng buôn lậu hay tác động lũy thoái của thuế đối với nhóm thu nhập thấp. Điều này đã góp phần duy trì mức thuế thuốc lá tại Việt Nam ở mức gần thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Theo ông Phạm Văn Long, thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ đơn thuần là một công cụ tài chính mà còn là một biện pháp quan trọng để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm có hại và khuyến khích người dân chuyển sang các lựa chọn tiêu dùng lành mạnh hơn.Điều này không chỉ có lợi cho sức khỏe cộng đồng mà còn tạo điều kiện để các ngành Công nghiệp sản xuất và dịch vụ khác phát triển, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững.

Cũng theo ông Phạm Văn Long, tăng thuế thuốc lá không làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng, thậm chí còn góp phần tăng thu ngân sách quốc gia. Mặt khác, đã có nhiều bằng chứng nghiên cứu chỉ ra rằng tăng thuế thuốc lá không làm tăng buôn lậu.

Đặc biệt, nguồn thu từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng, đảm bảo khả năng chi trả cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Một quốc gia với một cộng đồng khỏe mạnh sẽ có nền kinh tế vững mạnh hơn, vì vậy, việc tăng thuế thuốc lá là một bước đi đúng đắn trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Còn theo chuyên gia Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) Đào Thế Sơn, nếu tăng thuế sẽ giảm số người hút thuốc lá, từ đó nâng cao sức khỏe và lực lượng lao động. Trong trường hợp không tăng thuế, từ nay tới năm 2030 Việt Nam sẽ có thêm 2,46 triệu người hút thuốc lá.

Ông Đào Thế Sơn phân tích, trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu năm 2026 tỷ lệ tính thuế là 75% cộng với mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao, mỗi năm sau mức thuế tuyệt đối tăng thêm 1.000 đồng/bao và đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao sẽ giúp giảm 2,9 điểm phần trăm tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc vào năm 2030 so với năm 2020 và đóng góp thêm 21.800 tỷ đồng tăng thu ngân sách.

“Theo tính toán của WHO, để có thể đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, ngoài mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với tỉ lệ 75%, mức thuế tuyệt đối cần thiết áp dụng đến năm 2030 là 15.000 đồng/bao, khi đó ngân sách nhà nước có thể tăng thu thêm 29.000 tỷ đồng”, ông Sơn chỉ ra.

Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Anh Dương cũng khẳng định: “Việt Nam cần vững tin rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh”.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tang-thue-thuoc-la-gop-phan-bao-dam-kha-nang-chi-tra-cho-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-410537.html
Zalo