Tăng thuế thuốc lá để đạt mục tiêu 'kép' nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và sức khỏe người dân

Việt Nam cần mạnh dạn tăng Thuế Tiêu thụ đặc biệt để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững, đồng thời thực hiện đạt mục tiêu giảm tiêu thụ thuốc lá, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Chương trình tập huấn Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường.

Chương trình tập huấn Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường.

Đây là quan điểm chung được các chuyên gia thống nhất đưa ra tại Chương trình tập huấn Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Chương trình, ThS. Phạm Văn Long - Giám đốc VESS nhấn mạnh, mục đích của buổi tập huấn nhằm phân tích mối liên hệ giữa việc tăng thuế thuốc lá với các phản ứng từ thị trường, doanh nghiệp và tình trạng buôn lậu tại Việt Nam. Đặc biệt, Chương trình tập trung thảo luận về các tác động của chính sách thuế thuốc lá đối với ngân sách nhà nước, sức khỏe cộng đồng, chi phí y tế và năng suất lao động, từ đó làm rõ vai trò của chính sách này trong phát triển bền vững, góp phần tạo diễn đàn trao đổi giữa chuyên gia y tế, kinh tế và các bên liên quan nhằm làm rõ vai trò của thuế thuốc lá trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét sửa đổi và thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có việc tăng thuế thuốc lá, nội dung chương trình tập huấn sẽ góp phần cung cấp thêm thông tin, góc nhìn cho đại biểu Quốc hội về chính sách thuế thuốc lá.

Nhiều hệ lụy kinh tế xã hội từ thuốc lá

Theo ThS. Phạm Văn Long, tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Việt Nam đang để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt sức khỏe, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, việc tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam vẫn gặp rào cản từ các lập luận cho rằng việc tăng thuế có thể gây gánh nặng cho nhóm thu nhập thấp hoặc có thể làm gia tăng buôn lậu. “Đã có nhiều bằng chứng cho thấy những lo ngại này không hoàn toàn xác đáng. Do đó, việc phân tích vai trò của thuế thuốc lá trong toàn bộ hệ sinh thái kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến các chính sách tài khóa vì sự phát triển bền vững, tăng thuế thuốc lá là một giải pháp được khuyến nghị mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ, cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước” - ông Long khuyến nghị.

Thuế tăng chưa đủ tác động giảm nhu cầu tiêu thụ thuốc lá

Chia sẻ tại Chương trình, ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá cho biết từ năm 2006 đến 2019, Việt Nam mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá, nhưng mức tăng thuế mỗi lần khá thấp, chỉ là 5% và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài. Cụ thể, năm 2006 tăng mức thuế từ 55% lên 65%, năm 2016 (sau 8 năm) tăng từ 65% lên 70%. Năm 2019 (sau 3 năm) tăng từ 70% lên 75%.

ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại (PCTH) thuốc lá chia sẻ tại Chương trình tập huấn

ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại (PCTH) thuốc lá chia sẻ tại Chương trình tập huấn

“Theo tính toán, mỗi bao thuốc giá bán lẻ 10.000 VND thì giá xuất xưởng chỉ khoảng 3.900 VND. Việc tăng thuế từ 70% lên 75% giá xuất xưởng sẽ làm giá tăng 220 VND. Người bán lẻ có thể cùng tăng giá và sẽ làm giá tăng lên khoảng 300 VND, tương đương 3%. Tuy nhiên lạm phát trung bình là 4% và thu nhập tăng trung bình là 5%. Vì vậy việc tăng thuế có tác động, nhưng mức ảnh hưởng là rất ít tới nhu cầu tiêu thụ thuốc lá trong các giai đoạn này”, ThS. Phan Thị Hải phân tích.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các lần tăng thuế này là quá ít và chỉ có tác động giảm nhu cầu tiêu thụ vào năm tăng thuế, sau đó lại tăng trở lại. Cụ thể, số liệu đưa ra tại Chương trình cho thấy, trong lần tăng thuế năm 2006, mức tăng 10% (từ 55% lên 65%) chỉ làm giảm tiêu dùng trong năm tăng thuế và sau đó tiêu dùng tăng ngay trở lại (sản lượng tiêu thụ nội địa giảm từ 4.032 triệu bao năm 2005 xuống 3.451 triệu bao năm 2006 nhưng tăng trở lại 3.897 triệu bao năm 2007).

Trong lần tăng thuế năm 2016, thuế thuốc lá mới được tăng tiếp và với biên độ nhỏ hơn là 5%. Đến 2019 cũng tăng với tương tự là 5%. Tổng tiêu dùng thuốc lá giảm năm 2017, 2018, 2019 nhưng lại tăng trở lại vào các năm sau đó. Từ năm 2019 đến nay, theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng.

Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 36%, thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59%, chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%.

“Mức thuế trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới: 75% trên giá bán lẻ. Trong khi đó, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, theo Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO), giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Cần cải cách để tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá ở Việt Nam

Theo các chuyên gia, việc cải cách thuế TTĐB đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết. Mức thuế cao được thực hiện càng sớm sẽ giúp giảm tổn thất kinh tế, xã hội và con người, góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá và y tế, cũng như đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe.

Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, theo đề xuất của ThS. Phan Thị Hải, cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn. Đồng thời, tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ, góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Về mức thuế, bà Hải cho rằng cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại.

Nhìn nhận từ góc độ kinh tế, chuyên gia Đào Thế Sơn cho rằng, thuế TTĐB đối với thuốc lá cần được coi là một chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. “Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế TTĐB để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững. Cụ thể, nên tăng thuế từ mức 5000 đồng/bao từ 2026 (thuế tuyệt đối) và tăng dần lên 15000 đồng/bao vào năm 2030”, ông Sơn đề xuất./.

Hiếu Phương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tang-thue-thuoc-la-de-dat-muc-tieu-kep-nang-cao-chat-luong-tang-truong-kinh-te-va-suc-khoe-nguoi-dan.html
Zalo