Xuất khẩu cá tra giảm mạnh ngay tháng đầu năm 2025
Theo VASEP, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2025, dù kim ngạch giảm 40% xuống hơn 31 triệu USD, chiếm 24% tổng xuất khẩu.
Dẫn số liệu từ Hải quan Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 1/2025 đạt hơn 133 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này kéo theo sự điều chỉnh trong bảng xếp hạng các thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam.
Về cơ cấu sản phẩm, cá tra thuộc mã HS03 chiếm tới 97% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang các thị trường, đạt 130 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, cá tra tươi, đông lạnh và khô (trừ mã HS0304) giảm 28%, còn cá tra thuộc mã HS0304 giảm 18%. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng thuộc mã HS16 chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, đạt hơn 3 triệu USD nhưng ghi nhận mức tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ.
Theo VASEP, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong tháng đầu năm nay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này giảm mạnh 40% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 31 triệu USD, chiếm 24% tổng xuất khẩu cá tra toàn cầu.
Trong một diễn biến đáng chú ý, các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã vượt Mỹ, trở thành khối thị trường đứng thứ hai về nhập khẩu cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu sang khối này cũng giảm 17% so với tháng 1/2024, đạt 21 triệu USD. Mexico vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất trong khối CPTPP, với hơn 5 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ.
Mỹ tụt xuống vị trí thứ ba sau nhiều năm giữ vị trí thứ hai sau Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 1/2025 đạt 18 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại châu Âu, các chuyên gia VASEP cho biết, xuất khẩu cá tra trong tháng 1/2025 đạt hơn 13 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Hà Lan vẫn là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối, với kim ngạch đạt hơn 3,4 triệu USD, giảm 9% so với tháng 1/2024.
Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra sang Đức ghi nhận mức tăng trưởng 57%, đạt gần 3 triệu USD. Tuy nhiên, nhiều thị trường khác trong khu vực lại sụt giảm mạnh, như Colombia giảm 38%, Tây Ban Nha giảm 33% và Anh giảm 30%.

Theo VASEP, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2025, dù kim ngạch giảm 40% xuống hơn 31 triệu USD, chiếm 24% tổng xuất khẩu.
VASEP nhấn mạnh, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng đầu năm 2025 sụt giảm do nhiều yếu tố, bao gồm ảnh hưởng của mùa vụ khiến hoạt động xuất khẩu chậm lại sau giai đoạn cao điểm cuối năm, sự thay đổi nhu cầu của thị trường thế giới cùng áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm cá thịt trắng khác, rào cản kỹ thuật và thuế quan từ một số thị trường nhập khẩu, cũng như lượng tồn kho cao từ cuối năm 2024 tại các nhà nhập khẩu lớn như Mỹ.
Dù gặp nhiều thách thức, thị trường cá tra vẫn có tiềm năng phục hồi nếu doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kịp thời, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các nguồn cung khác.