Các định chế tài chính quốc tế nhận định về triển vọng tăng trưởng cao của Việt Nam

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức nâng mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên ít nhất 8% và đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số cho giai đoạn 2026-2030.

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo các chuyên gia, động thái này cho thấy có sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị cho mục tiêu phát triển mới của đất nước, dù nền kinh tế còn nhiều thách thức.

Tăng trưởng trong thách thức

Theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), việc Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí hai con số là hoàn toàn có thể, như kinh nghiệm của Singapore và Trung Quốc. Đặc biệt, khi Việt Nam đã có động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với mức tăng trưởng trên 7%.

Tuy nhiên, ông Suan Teck Kin cho rằng, để Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8% hoặc cao hơn vào năm 2025 sẽ là một thách thức không nhỏ. Trong đó, các rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam là thương mại quốc tế.

Dữ liệu cho thấy, Việt Nam có mức độ phụ thuộc rất lớn vào thương mại, với tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 90% GDP, cao thứ hai trong ASEAN sau Singapore (174%) và vượt xa Malaysia (69%). Đặc biệt, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hiệu suất GDP mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2024 chủ yếu nhờ thương mại, khi xuất khẩu tăng 14% sau khi giảm trong năm 2023. Ngoài ra, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng đạt kỷ lục mới với 25,4 tỷ USD vốn FDI thực hiện (so với 23,2 tỷ USD năm 2023). Tuy nhiên, chu kỳ bán dẫn có dấu hiệu suy giảm sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2024.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Vị chuyên gia của UOB cho rằng, năm 2025, Việt Nam sẽ đối mặt với rủi ro từ các chính sách thuế quan của Mỹ. Nếu nhu cầu xuất khẩu giảm do hoạt động kinh tế chậm lại, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Trường hợp Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam do thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam thì tác động sẽ lan rộng đến cả ngành sản xuất và dịch vụ, làm giảm chi tiêu trong nước.

Đặc biệt, việc chu kỳ bán dẫn suy giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp (PMI) của Việt Nam đã giảm trong hai tháng liên tiếp (tháng 12/2024 và tháng 1/2025) cũng cho thấy đơn hàng có thể đang chậm lại và các nhà sản xuất đang thu hẹp hoạt động.

Trong khi đó, dòng vốn FDI có thể chịu tác động từ chính sách thuế quan, khi các doanh nghiệp cân nhắc chuyển hướng đầu tư sang các địa điểm ít có khả năng bị áp thuế từ Mỹ.

Trước những thách thức trên, ở thời điểm hiện tại, UOB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 7% cho năm 2025.

Tại tọa đàm về tổng quan kinh tế Việt Nam và Thế giới trong nửa đầu năm 2025 tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh tuần qua, chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered cũng nhấn mạnh khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Theo Standard Chartered, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong các thập kỷ gần đây, ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức định kỳ, cũng như đang chuyển mình trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao phát triển mạnh mẽ.

Ngân hàng này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 ở mức 6,7%. Đáng chú ý, tăng trưởng có thể đạt 7,5% trong nửa đầu năm nay, nhưng sẽ ở mức 6,1% trong nửa cuối năm, vì một số rủi ro vẫn tồn tại liên quan đến chính sách thuế quan toàn cầu.

Tận dụng cơ hội “chuyển mình”

Theo các chuyên gia của Ngân hàng UOB, có một số lĩnh vực Việt Nam có thể tập trung phát triển để tăng cơ hội đạt mức tăng trưởng cao 8% hoặc thậm chí hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cần ổn định để tránh tình trạng quá nóng và lãng phí nguồn lực.

Ông Suan Teck Kin cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là tăng mạnh đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng và giảm tác động từ sự suy giảm trong xuất khẩu và sản xuất. Hiện tại, Việt Nam vẫn thiếu hụt đáng kể về hạ tầng.

Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho thấy, tỷ lệ chi tiêu cho hình thành vốn (capital formation expenditure) của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 41% của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa của Việt Nam dường như đang quá thận trọng ở giai đoạn phát triển hiện nay, khi Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ công/GDP từ 35% hiện tại xuống 31% vào năm 2029. Để tăng đầu tư công, có thể cần phải chấp nhận tăng vay nợ và sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn.

“Một vấn đề quan trọng khác là tốc độ giải ngân và thực hiện đầu tư công. Ngay cả khi ngân sách đã được phân bổ cho các dự án hạ tầng, quá trình triển khai cần được đẩy nhanh để vừa tạo động lực tăng trưởng ngắn hạn trong khi đầu tư được thực hiện, vừa nâng cao năng suất dài hạn sau khi dự án hoàn thành”, ông Suan Teck Kin phân tích.

Đáng chú ý, Quốc hội mới đây cũng đã thông qua dự án đường sắt trị giá 8 tỷ USD kết nối Trung Quốc – Việt Nam, mở rộng đường cao tốc Bắc – Nam sắp hoàn thành, cũng như tăng ngân sách cho Bộ Giao thông vận tải.

Ngoài ra, các lĩnh vực hạ tầng quan trọng khác, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo/dữ liệu, năng lượng, nguồn nước... cũng cần được đầu tư mạnh để hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Hứa Chung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-dinh-che-tai-chinh-quoc-te-nhan-dinh-ve-trien-vong-tang-truong-cao-cua-viet-nam/364285.html
Zalo