Tăng 'sức đề kháng' cho hàng Việt tại thị trường EU

Châu Âu nói chung, thị trường EU nói riêng vẫn là thị trường xuất khẩu và xuất siêu quan trọng hàng đầu của Việt Nam cả hiện tại và tương lai.

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong trong cuộc trao đổi với Báo Công Thương về những tiềm năng và thách thức khi hàng Việt tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU) nhờ lợi thế từ hiệp định EVFTA.

Bảo vệ các thương hiệu thuần Việt cho hàng xuất khẩu vào EU

PV: EU đã và đang là thị trường đầy tiềm năng cho nhiều sản phẩm tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước sự hiện diện của nhiều nhà cung cấp từ các nước phát triển và khu vực lân cận (như Trung Quốc, Thái Lan) tại thị trường này, hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh về giá cả, chất lượng và thương hiệu, trong khi thương hiệu Việt còn chưa mạnh trên thị trường quốc tế. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: EU là thị trường tiêu thụ có quy mô lớn, khả năng thanh khoản cao, nên dù khắt khe về pháp lý và chất lượng, nhưng vẫn có sức hấp dẫn hàng đầu thế giới đối với hầu hết các thương hiệu từ mọi quốc gia, kể cả từ Mỹ.

Bởi vậy, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu vào EU là đương nhiên và hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh đó.

Trong 3 yếu tố cạnh tranh về giá cả, chất lượng và thương hiệu, thì hàng Việt Nam có sức cạnh tranh khá tốt về giá cả và chất lượng, còn thương hiệu Việt thì chưa mạnh trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, cần lưu ý là hàng Việt Nam xuất sang châu Âu, nhất là hàng dệt may, da giày và điện tử chủ yếu dưới các thương hiệu nước ngoài theo chỉ định của chủ đơn hàng nhập khẩu, nên không đáng quan ngại về thương hiệu, mà chỉ là thiệt thòi về mức lợi nhuận… Còn hàng nông sản thì Việt Nam có thế mạnh riêng về giá cả và chất lượng thực, đặc biệt cần đảm bảo xuất xứ là có thể xuất khẩu, chứ không nặng về cần thương hiệu.

Bởi vậy, về cơ bản và tổng thể, châu Âu nói chung, EU nói riêng vẫn là thị trường xuất khẩu và xuất siêu quan trọng hàng đầu của Việt Nam cả hiện tại và tương lai.

Dù vậy, trong thời gian tới, Việt Nam vẫn cần chủ động xây dựng, quảng bá và bảo vệ các thương hiệu thuần Việt cho hàng xuất khẩu vào EU cũng như các nước khác để khẳng định uy tín quốc gia, vị thế cạnh tranh và cải thiện lợi nhuận cho hàng xuất khẩu của mình.

PV: Một trong những khó khăn nữa là hiện nay EU áp dụng các biện pháp phòng vệ như hạn ngạch thuế quan hoặc thuế chống bán phá giá với một số mặt hàng như thép, thủy sản. Ví dụ, thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam vẫn chưa được gỡ bỏ, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu sang thị trường này? Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Các biện pháp phòng vệ thương mại đã, đang và sẽ còn tiếp tục được sử dụng rộng rãi và ngày càng đa dạng hơn trong thương mại quốc tế, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang có xu hướng lan rộng toàn cầu ngay cả giữa các đối tác truyền thống với nhau. Điều này hợp pháp theo các cam kết quốc tế và cần thiết để bảo vệ lợi ích mục tiêu quốc gia của các chủ thể tham gia thương mại quốc tế.

Theo tinh thần đó, Việt Nam phải chấp nhận và cũng cần khéo léo thương lượng, thuyết phục, ứng xử và thậm chí chủ động sử dụng các công cụ tự vệ đối kháng trong khuôn khổ các hiệp định thương mại quốc tế mà mình là thành viên.

Đồng thời, Việt Nam cũng cần chú ý tăng cường thông tin minh bạch và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp đăng ký tại Việt Nam để ngăn ngừa từ sớm, từ xa, giảm thiểu việc lạm dụng kẽ hở luật pháp đối với các hoạt động lẩn tránh thương mại, gian lận xuất xứ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín Việt Nam và lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và hàng xuất khẩu Việt Nam.

Còn việc thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam vẫn chưa được gỡ bỏ, dù Việt Nam có nhiều nỗ lực và được EU ghi nhận trong thực tế đáp ứng các yêu cầu của EU… Điều này, dù trực tiếp hay gián tiếp, ít nhiều rõ ràng có ảnh hưởng đến xuất khẩu sang thị trường này và thậm chí có thể lan tỏa tác động tiêu cực cả sang các thị trường khác.

Theo đó, trước mắt, các cơ quan chức năng và ngay cả các doanh nghiệp và người dân cần nỗ lực hơn, đồng bộ các giải pháp, thông tin đầy đủ, rộng rãi và kiểm tra chặt chẽ hơn, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội, xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phối hợp với EU kiểm tra và chứng tỏ sự nghiêm túc thực sự của Việt Nam để thuyết phục EU sớm gỡ thẻ vàng này.

Chủ động ứng phó với các tranh chấp thương mại

PV: Theo ông, giải pháp nào để doanh nghiệp có thể rộng cửa tiếp cận thị trường EU?

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin thị trường và chính sách của EU; ngày càng nâng cao sức cạnh tranh về giá cả, chất lượng, uy tín thương hiệu, cũng như năng lực cung ứng hàng xuất khẩu về thời gian và khối lượng giao hàng, đảm bảo xuất xứ hàng hóa, năng lực vượt qua các hàng rào kỹ thuật và đáp ứng các yêu cầu của nước nhập hàng và chủ đơn hàng… Đó là những yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp Việt có thể rộng cửa tiếp cận thị trường EU.

Thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam vẫn chưa được gỡ bỏ, dù Việt Nam có nhiều nỗ lực và được EU ghi nhận trong thực tế đáp ứng các yêu cầu của EU. Ảnh minh họa

Thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam vẫn chưa được gỡ bỏ, dù Việt Nam có nhiều nỗ lực và được EU ghi nhận trong thực tế đáp ứng các yêu cầu của EU. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động và tăng cường hợp tác với nhau và gắn kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chuẩn bị tốt kịch bản ứng phó với các tranh chấp thương mại tiềm tàng trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu sang EU.

Về triển vọng, điểm cần nhấn mạnh là Việt Nam cần chú ý chủ động và hài hòa hơn giữa đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế, với sử dụng hợp lý, hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp trong khuôn khổ WTO và các FTA mà Việt Nam đang và sẽ là thành viên, để vừa gia tăng xuất khẩu, vừa bảo vệ các ngành sản xuất và việc làm trong nước, đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện về cơ sở pháp lý đối với công cụ phòng vệ thương mại; công khai thông tin, hỗ trợ tìm kiếm, tập hợp số liệu chính thức thuộc kiểm soát của cơ quan Nhà nước, đồng thời, có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam... để giảm thiểu số lượng vụ việc hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như tác động tiêu cực mà các vụ việc này gây ra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, cần tăng cường ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, hướng tới xuất khẩu bền vững; đồng thời tránh việc các doanh nghiệp đầu tư không thực chất, chỉ thực hiện các giai đoạn gia công đơn giản, không mang lại giá trị gia tăng đáng kể vào Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế....

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập của quốc gia ngày càng sâu rộng, các cơ quan chức năng cũng cần chú ý bồi dưỡng và cập nhật thông tin, kiến thức, nhận thức, ý thức và năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt trong việc nâng cao sức đề kháng và sự chủ động đối phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, vượt lên tâm lý ngại kiện, e sợ bị “đơn thương độc mã”… trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp mình.

Việc bị kiện phòng vệ thương mại không phải là “cuộc chơi” của mỗi doanh nghiệp riêng lẻ là “cuộc chơi tập thể” - là chiến lược hay hành động của cả một ngành sản xuất nội địa sản phẩm liên quan. Để sử dụng công cụ này, các doanh nghiệp phải tập hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa liên quan (cho sản phẩm liên quan).

Tham gia vào sân chơi chung của thế giới với những điều khoản rõ ràng và càng lúc càng ngặt nghèo hơn. Bởi vậy, không còn cách nào khác, doanh nghiệp, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tương hỗ lẫn nhau, dựa trên yếu tố nền tảng chính là việc tạo dựng doanh nghiệp mạnh nhằm kiến tạo lợi thế quốc gia và bảo vệ hiệu quả lợi ích cộng đồng, cũng như lợi ích sát sườn của bản thân doanh nghiệp.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-suc-de-khang-cho-hang-viet-tai-thi-truong-eu-380705.html
Zalo