5 'rào cản' doanh nghiệp cần lưu ý khi tiếp cận EU

Trước những lợi thế từ EVFTA, tạo cơ hội rộng mở cho hàng Việt tiếp cận thị trường EU, các doanh nghiệp cũng đối diện với loạt thách thức đang đặt ra.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS.Vũ Văn Tính – Cố vấn cao cấp Công ty Luật SALUS để hiểu hơn về vấn đề này.

Cơ hội từ EVFTA và những rào cản không thể xem nhẹ

EU là một trong những thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam. Để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại như EVFTA, việc vượt qua hàng rào pháp lý là yếu tố then chốt. Vậy, ở góc độ pháp lý, theo ông, đâu là những điểm vướng mà doanh nghiệp Việt cần đáp ứng để xuất khẩu hàng hóa sang EU hiện nay?

TS.Vũ Văn Tính: Từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, cánh cửa vào thị trường châu Âu đã rộng mở hơn bao giờ hết. Một trong những lợi thế rõ rệt nhất là khoảng 95% dòng thuế đã được xóa bỏ, giúp hàng hóa Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh đáng kể. Nhờ vậy, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản đã có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với sức mua lớn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là con đường vào EU trở nên dễ dàng.

Thực tế, qua quá trình tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy EU đã dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt nhằm bảo vệ thị trường của họ, khiến việc tiếp cận thị trường này trở thành một cuộc đua khắt khe mà chỉ những doanh nghiệp có sự chuẩn bị chu đáo mới có thể vượt qua.

TS.Vũ Văn Tính – Cố vấn cao cấp Công ty Luật SALUS

TS.Vũ Văn Tính – Cố vấn cao cấp Công ty Luật SALUS

Có ít nhất năm rào cản lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý:

Thứ nhất, về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn sản phẩm, EU áp dụng các quy định nghiêm ngặt không chỉ với thực phẩm mà còn cả thiết bị điện tử, dệt may và đồ gia dụng. Các quy định như dư lượng hóa chất trong thực phẩm, hạn chế chất độc hại trong thiết bị điện tử (RoHS), và tiêu chuẩn an toàn dệt may (REACH) nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Do đó, doanh nghiệp Việt cần kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất để tránh khó khăn khi xuất khẩu.

Thứ hai, để hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, sản phẩm phải tuân thủ quy tắc xuất xứ, đảm bảo tỷ lệ nguyên liệu và quy trình sản xuất đạt chuẩn. Doanh nghiệp cần minh bạch trong việc xin giấy chứng nhận xuất xứ; sai sót có thể dẫn đến ách tắc hàng hóa và các chế tài nghiêm khắc, gây thiệt hại tài chính và mất uy tín thương mại.

Thứ ba, thị trường EU yêu cầu sản phẩm nhập khẩu đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, từ giảm phát thải đến sử dụng nguyên liệu bền vững và đảm bảo điều kiện lao động công bằng. Doanh nghiệp cần chứng minh rằng sản phẩm của mình đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, như chứng nhận FSC đối với gỗ và GlobalG.A.P đối với nông sản.

Thứ tư, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề phổ biến khi xuất khẩu sang EU. Doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ xem nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế đã được bảo hộ tại EU hay chưa. Vi phạm có thể dẫn đến thu giữ hàng hóa hoặc buộc thay đổi thương hiệu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính và uy tín thương hiệu. Doanh nghiệp cần chủ động đăng ký bảo hộ và kiểm tra tình trạng pháp lý sản phẩm.

Cuối cùng, thị trường EU yêu cầu nhãn mác sản phẩm nhập khẩu phải đầy đủ và chính xác, bao gồm thông tin về thành phần, hướng dẫn sử dụng, cảnh báo an toàn và giá trị dinh dưỡng đối với thực phẩm. Thông tin trên nhãn phải được ghi bằng ngôn ngữ phù hợp với từng quốc gia thành viên. Doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác để tránh bị từ chối nhập khẩu.

Mặc dù EVFTA mang lại cơ hội lớn, việc thâm nhập vào thị trường EU đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao hiểu biết về quy định pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và có chiến lược xuất khẩu bài bản. Chỉ khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khâu sản xuất, kiểm soát chất lượng đến thủ tục pháp lý, hàng hóa Việt Nam mới có thể vững bước trên hành trình chinh phục thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Vượt qua hàng rào pháp lý khi xuất khẩu sang EU

Ông có thể chia sẻ một số ví dụ thực tế về những vụ việc tranh chấp pháp lý giữa doanh nghiệp Việt và đối tác EU. Đồng thời, ông có thể gợi ý một số bước cụ thể để doanh nghiệp vượt qua hàng rào pháp lý khi xuất khẩu sang EU?

TS.Vũ Văn Tính: Trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu, chúng tôi đã gặp không ít vụ tranh chấp pháp lý. Một trong những vụ tranh chấp điển hình mà tôi muốn chia sẻ là sự việc xảy ra vào năm 2023 giữa một doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Đức. Doanh nghiệp Việt cung cấp 100 tấn hạt điều cho phía Đức, và mặc dù lô hàng đầu tiên không gặp phải vấn đề gì, nhưng lô hàng thứ hai lại bị phía Đức từ chối nhập khẩu. Họ cho rằng trong lô hàng này có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức quy định của Liên minh Châu Âu, dẫn đến yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 200.000 USD. Phía doanh nghiệp Việt Nam lại khẳng định rằng sản phẩm đã đảm bảo tiêu chuẩn của Việt Nam và trong hợp đồng không có điều khoản rõ ràng về quy định liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu.

Sự việc này được đưa ra Trung tâm Trọng tài Paris, nơi đã thuê một đơn vị giám định độc lập để xác minh. Kết quả giám định cho thấy dư lượng thuốc trừ sâu trong lô hàng là 0,01 ppm, trong khi tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu yêu cầu mức thấp hơn 0,01 ppm. Vì vậy, phán quyết đưa ra là phía Việt Nam phải bồi thường 150.000 USD cộng với 20.000 USD phí luật sư, tổng cộng là 170.000 USD. Vụ tranh chấp này mang lại cho chúng ta một số bài học quan trọng.

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu rõ và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu, đặc biệt là về dư lượng thuốc trừ sâu. Liên minh Châu Âu có những quy định rất chi tiết, chẳng hạn như Quy định số 396/2005, quy định rõ về mức độ dư lượng các chất hóa học có thể tồn tại trong thực phẩm nhập khẩu. Do đó, các điều khoản này cần phải được đưa vào hợp đồng xuất khẩu một cách chi tiết và rõ ràng.

Thứ hai, việc rà soát hợp đồng là cực kỳ quan trọng. Doanh nghiệp cần phải xác định rõ ràng tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, và nếu có thể, nên đưa vào các tiêu chuẩn của Liên minh Châu Âu để tránh những tranh chấp không đáng có. Các doanh nghiệp cũng cần phải cẩn trọng khi đối tác EU yêu cầu một số tiêu chuẩn khắt khe mà họ không hề nhượng bộ.

Việc thâm nhập vào thị trường EU đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao hiểu biết về quy định pháp lý. Ảnh: Cấn Dũng

Việc thâm nhập vào thị trường EU đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao hiểu biết về quy định pháp lý. Ảnh: Cấn Dũng

Một kinh nghiệm quan trọng khác là việc mua bảo hiểm rủi ro. Trong thương mại quốc tế, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu có thể giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp đối tác không thanh toán, gặp rủi ro chính trị, hoặc trong những vụ tranh chấp pháp lý như trên. Với bảo hiểm này, doanh nghiệp có thể yên tâm rằng các chi phí tranh chấp sẽ được bảo hiểm chi trả, ngay cả khi tòa án phán quyết bất lợi.

Cuối cùng, để phòng ngừa các tranh chấp trong tương lai, các doanh nghiệp cần xây dựng quy trình kiểm dịch chuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu. Đồng thời, việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác EU, yêu cầu họ cung cấp các thông số kỹ thuật chi tiết trước khi ký kết hợp đồng, cũng là một cách hiệu quả để giảm thiểu rủi ro. Tất cả những giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp vững vàng hơn khi đối mặt với các thách thức pháp lý trong quá trình xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Ông có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp khi muốn thâm nhập thị trường EU về mặt pháp lý nhằm phòng ngừa những rủi ro, đặc biệt trong ký kết hợp đồng thương mại với các đối tác?

TS.Vũ Văn Tính: Trước hết, việc nghiên cứu kỹ lưỡng hệ thống pháp luật của Liên minh Châu Âu là điều vô cùng cần thiết, đặc biệt là các quy định về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn ngành hàng và các quy định bảo vệ môi trường. Đây là yếu tố quyết định để doanh nghiệp không chỉ đảm bảo tính hợp pháp mà còn gia tăng cơ hội cạnh tranh trong thị trường khó tính này.

Bên cạnh đó, khi soạn thảo hợp đồng thương mại, các bên cần đặc biệt chú ý đến các điều khoản quan trọng. Cụ thể, điều khoản về chất lượng sản phẩm cần được quy định rõ ràng và cụ thể, để tránh những tranh chấp không mong muốn sau này. Ngoài ra, điều khoản thanh toán cần được thảo luận kỹ, đặc biệt là việc lựa chọn phương thức thanh toán như thư tín dụng (LC) thay vì các phương thức tiềm ẩn rủi ro khác.

Một điều vô cùng quan trọng là điều khoản giải quyết tranh chấp đó là doanh nghiệp cần lựa chọn cơ quan tài phán uy tín, như Trung tâm Trọng tài Quốc tế tại Paris, để đảm bảo quyền lợi của mình. Đồng thời, trong bối cảnh số hóa hiện nay, việc đàm phán đưa vào điều khoản giải quyết tranh chấp trực tuyến là điều hết sức hợp lý, giúp giảm thiểu chi phí và thời gian khi các luật sư có thể hỗ trợ từ xa, ngay cả khi không có mặt trực tiếp tại Paris.

Ngoài ra, để tránh rủi ro, việc kiểm tra đối tác là vô cùng quan trọng, doanh nghiệp cần thận trọng, không nên vội vàng ký kết hợp đồng chỉ vì thấy có khách hàng từ Châu Âu. Việc kiểm tra đối tác thông qua các kênh thông tin độc lập, yêu cầu cung cấp giấy phép kinh doanh và báo cáo tài chính là cách giúp đảm bảo uy tín và năng lực của đối tác, tránh những thất bại không đáng có.

Cuối cùng, chúng tôi cũng luôn khuyến cáo các doanh nghiệp nên mua bảo hiểm thương mại và bảo hiểm xuất khẩu. Những bảo hiểm này giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi các rủi ro lớn như phá sản của đối tác, các rủi ro chính trị không thể lường trước và chi phí phát sinh từ tranh chấp. Đây là bước đi quan trọng để giảm thiểu những thiệt hại không đáng có.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là việc EU ngày càng siết chặt các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất xanh và trách nhiệm xã hội. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải thay đổi tư duy, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Đỗ Nga - Ngọc Hoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/5-rao-can-doanh-nghiep-can-luu-y-khi-tiep-can-eu-380988.html
Zalo